
Hiến pháp là bộ luật cao nhất của nước ta, có vai trò tối thượng trong đời sống chính trị - pháp lý, thực sự là nền tảng pháp lý cao nhất, phản ánh đầy đủ bản chất pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc ra Nghị quyết để sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013 tại thời điểm này là vô cùng cần thiết vì:
+ Phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới trước những thay đổi nhanh chóng của tình hình kinh tế, chính trị trong nước và quốc tế. Hiến pháp cần được cập nhật để đáp ứng yêu cầu hội nhập, chuyển đổi số, kinh tế xanh, bảo vệ chủ quyền, dân chủ và quyền con người.
+ Thay đổi tổ chức bộ máy chính quyền địa phương từ 3 cấp xuống 2 cấp vừa để tổ chức lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, rõ trách nhiệm và kiểm soát quyền lực tốt hơn; xem xét mô hình tổ chức chính quyền địa phương phù hợp phân cấp, phân quyền; đồng thời làm rõ vai trò thẩm quyền của Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội để tránh chồng chéo, tăng trách nhiệm giải trình.
+ Thiết lập cơ chế rõ ràng , thực chất hơn để kiểm soát quyền lực trong các cơ quan lập pháp, hành pháp,tư pháp.
+ Thể chế hóa kịp thời các chủ trương, đường lối mới của Đảng, nhất là sau Đại hội XIII; sửa Hiến pháp nhằm thể hiện rõ hơn mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2020, tầm nhìn 2045; Thể hiện rõ quan điểm phát triển bền vững kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo.
Tôi đề nghị với Điều 1 trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, bổ sung thêm về các quyền (con người và công dân) trong thời đại số như quyền bảo vệ dữ liệu cá nhân quyền tiếp cận internet (đây là giải pháp hữu hiệu công bằng với mọi người dân và không ai bị bỏ lại phía sau) hay quyền biển đảo (Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển đảo theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982).
Ngoài ra, tôi muốn tập trung góp ý vào việc sửa đổi Điều 9. Cụ thể:
Trong Hiến pháp 2013 quy định: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nơi phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; là cầu nối giữa nhân dân với Đảng và Nhà nước. Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này trong Điều 9 đã được bổ sung: “... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”. Tôi rất đồng tình với Khoản 1, Điều 9 đã thêm cụm từ “bộ phận”, có ý nghĩa khẳng định vị trí chính trị - pháp lý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong mối quan hệ gắn bó, phối hợp với Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị-xã hội khác. Cụm từ “thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước” cũng đã được bổ sung (trong điều 9 của Hiến pháp 2013 chưa có các nội dung này).
Để Mặt trận Tổ quốc xứng đáng là bộ phận của hệ thống chính trị và đại diện cho khối đại đoàn kết dân tộc vậy, theo tôi nên:
+ Nghiên cứu cụ thể hóa quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có quyền trình dự án (Điều 84) trước Quốc hội, trình dự án pháp lệnh trước Thường vụ Quốc hội. Điều này rất khả thi bởi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nơi tập hợp tri tuệ, nguyện vọng, ý kiến đa chiều từ Nhân dân và các tầng lớp xã hội; thêm nữa việc thực hiện quyền này là đảm bảo cho Nhân dân tham gia xây dựng pháp luật một cách thực chất, thông qua đại diện hợp pháp là Mặt trận, nhất là hiện nay các tổ chức chính trị- xã hội lại trực thuộc Mặt trận, đồng thời cũng rất phù hợp với yêu cầu phát huy dân chủ và trách nhiệm giám sát quyền lực theo tinh thần Nghị quyết XIII của Đảng.
+ Nghiên cứu bổ sung quyền chủ động để tổ chức hoạt động phản biện xã hội đối với các chủ trương chính sách của dự thảo văn bản pháp luật, chương trình dự án có ảnh hưởng lớn đến đời sống Nhân dân, không phụ thuộc vào sự đề nghị hay chấp thuận của cơ quan tổ chức khác vì thực tế cho thấy nhiều vấn đề bức thiết trong đời sống Nhân dân cần được phản biện sớm, nếu chỉ “chờ lấy ý kiến” thì không kịp thời. hêm nữa nếu có quyền chủ động phản biện sẽ giúp nâng cao hiệu quả của Mặt trận, thể hiện đúng vai trò “đại diện cho Nhân dân giám sát và phản biện xã hội” để góp phần phòng ngừa rủi ro chính sách, tăng tính minh bạch và thực tiễn của các quyết định quản lý nhà nước.
+ Cần có cơ chế bảo vệ chính kiến và đề xuất phản biện độc lập của Mặt trận Tổ quốc tránh tình trạng hình thức hoặc ngại va chạm.
+ Tăng cường phối hợp với các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp để tiếng nói của Mặt trận Tổ quốc không bị coi là “phụ trợ” mà thực sự có giá trị định hướng, góp phần hoàn thiện chính sách.
+ Về Khoản 2, Điều 9, tôi đồng tình với các nội dung như đã ghi, tuy nhiên, xin đề nghị nên bổ sung đặc thù về Hội LHPN Việt Nam, bởi đối tượng của Hội LHPN khác với các tổ chức chính trị - xã hội khác như Hội Nông dân, Liên đoàn lao động, Đoàn Thanh niên (phụ nữ chiếm trên 50 % dân số, có mặt trong tất cả các lĩnh vực, trình độ không đồng đều... Vậy nếu không có những cơ chế đặc thù thì hoạt động của Hội LHPN khó hiệu quả).
+ Cần sớm có luật sửa đổi, bổ sung luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ( năm 2015) để cụ thể hóa quyền hiến định mới (luật chuyên ngành), cụ thể hóa mối quan hệ giữa Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng được nhà nước giao nhiệm vụ và các tổ chức quần chúng khác... Nên cụ thể sự trực thuộc và quan hệ giữa trực thuộc (chỉ đạo) và điều lệ của từng tổ chức này?