Đề nghị giữ lại quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND

Admin
(PNTĐ) - Sáng 14/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội tiến hành Thảo luận ở hội trường về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (lần thứ nhất).

Tin liên quan

Bước mở đầu cho một “cuộc cách mạng về công tác xây dựng pháp luật“

Từ ngày 9-25/5, Hà Nội lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp năm 2013

Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp phải được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả

Đã có hàng triệu lượt ý kiến góp ý của nhân dân

Điều hành Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, theo chương trình, sáng 14/5, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên sóng phát thanh, truyền hình quốc gia.

Đề nghị giữ lại quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND - ảnh 1
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, trước đó, chiều ngày 7/5/ 2025, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo nghị quyết sửa đổi Hiến pháp và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). 

Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ về các nội dung này gửi đại biểu Quốc hội. Theo đó, đã có 109 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội góp ý về dự thảo Nghị quyết sửa đổi bổ sung Hiến pháp; 132 lượt góp ý về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Ủy ban sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 cũng đã phối hợp với Chính phủ, Bộ Công an, các cơ quan có liên quan để lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 6/5/2025 trên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và ứng dụng VNeID của Cơ sở dữ liệu quốc gia.

Đến nay, đã có hàng triệu lượt ý kiến góp ý của Nhân dân. Qua tổng hợp sơ bộ cho thấy, về cơ bản tuyệt đại đa số các ý kiến đồng tình và bày tỏ sự thống nhất cao với sự cần thiết phạm vi và nội dung sửa đổi Hiến pháp năm 2013. Các ý kiến phát biểu tại tổ chủ yếu góp ý và cách thể hiện câu từ, cách diễn đạt trong dự thảo nghị quyết.

Đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đa số các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự đồng tình cao với các nội dung của dự thảo luật. Một số ý kiến góp ý trực tiếp vào các điều khoản cụ thể và Chính phủ đã có Báo cáo số 420 ngày 13/5, bước đầu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại thảo luận tổ (báo cáo dài 25 trang) và đã gửi đến các đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo chương trình trong thời gian cả buổi sáng ngày 14/5, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường về hai dự thảo này. Quốc hội còn một phiên nữa để thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Góp ý về bỏ quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND

Đề nghị giữ lại quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND - ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP. Đà Nẵng) thảo luận

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn TP. Đà Nẵng) góp ý về bỏ quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND và Viện trưởng VKSND quy định tại khoản 5 Điều 1 dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp năm 20213, đại biểu cho biết, theo giải thích của Ban soạn thảo, có 2 lý do để bỏ quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND.  

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy băn khoăn: “Không lẽ Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân khu vực sẽ là những cơ quan tư pháp duy nhất ở nước ta nằm ngoài sự giám sát bằng hình thức chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân. Nếu vậy thì dân bị oan sai, sẽ nhờ cậy ai chất vấn để mà bảo về quyền lợi của họ?”.

Trước khi thông qua mô hình Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân khu vực, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị Quốc hội xem xét kỹ cơ chế giám sát quyền lực đối với các cơ quan này. 

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nhận thấy, lập luận của Ban soạn thảo đánh đồng  các hình thức giám sát khác nhau, trong khi chúng có ý nghĩa, vai trò và tính chất pháp lý khác nhau, và quyền kiến nghị hoàn toàn không thể thay thế cho quyền chất vấn, vốn là hình thức giám sát trực tiếp, công khai, buộc người chất vấn phải trả lời trực tiếp, phải chịu trách nhiệm về phần trả lời của mình.

Đại biểu cho rằng, không có quyền chất vấn đại biểu HĐND sẽ khó có thể yêu cầu Chánh án hoặc Viện trưởng ra trước kỳ họp Hội đồng nhân dân để trả lời cụ thể từng vấn đề đối thoại công khai với đại biểu và cử tri.

Đề nghị giữ lại quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND - ảnh 3
Các đại biểu dự kỳ họp

Theo đại biểu, trong điều kiện hiện nay, chất vấn là cơ chế hiệu quả hiếm hoi để đại biểu HĐND và rộng hơn là cử tri, nhân dân địa phương yêu cầu thông tin trao đổi trực tiếp với Chánh án, Viện trưởng.

Do đó, nhận định rằng HĐND vẫn giám sát được là chưa phản ánh đúng thực tiễn hoạt động giám sát. Việc Hiến pháp không còn quy định thẩm quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng VKSND là đi ngược lại với Nghị quyết 27 của Trung ương để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội giữ lại quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND trong Hiến pháp. Trên cơ sở đó, luật chuyên ngành quy định cụ thể, phù hợp với mô hình tổ chức mới, đây chính là cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước và nội dung này hiện chưa phát sinh vướng mắc.

Đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh

Đề nghị giữ lại quy định quyền chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chánh án TAND, Viện trưởng VKSND - ảnh 4

Góp ý Dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang) đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong việc trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã  tại khoản 4 Điều 11

Đại biểu cho rằng cần thiết phải bổ sung vào Điều 11 của dự thảo Luật quy định trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, trong trường hợp cần thiết, trực tiếp chỉ đạo, điều hành việc giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp mình, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã  như khoản 4 Điều 11 đã thể hiện. 

Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy việc quy định rất chung chung thẩm quyền này của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh “trong trường hợp cần thiết” là chưa thể hiện rõ trách nhiệm của cấp tỉnh và có thể dẫn đến những vướng mắc, bất cập, thiếu thống nhất trong tổ chức thi hành; do đó đề nghị có quy định chặt chẽ hơn ngay trong Luật này hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để tăng cường trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp xã.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản QPPL, nhất là Luật có liên quan về phân cấp, phân quyền, ủy quyền để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất về cơ sở pháp lý cho việc thực hiện tổ chức thực hiện.

Theo đại biểu, Chương III dự thảo Luật đã quy định về khái niệm, quy tắc, điều kiện, cách thức thực hiện, trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực hiện phân công, phân cấp, ủy quyền. Để đẩy mạnh và bảo đảm việc thực hiện có hiệu quả trong QLNN theo ngành, lĩnh vực, rất cần thiết phải gắn kết chặt chẽ, đồng bộ với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là các luật chuyên ngành, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành các VBQPPL có liên quan đến phân công, phân cấp, ủy quyền cho phù hợp. 

Về nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương (mục 1 Chương IV), đại biểu đề nghị tiếp tục thể chế kịp thời, đầy đủ hơn nữa một số Nghị quyết của Bộ Chính trị vừa ban hành trong một số lĩnh vực khi quy định nhiệm vụ quyền hạn của chính quyền địa phương 

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề nghị rà soát để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung các quy định trong chương này để thể chế hóa kịp thời một số Nghị quyết khác của Bộ Chính trị trong một số lĩnh vực khác, đơn cử như Nghị quyết 66 của Bộ Chính trị ngày 30/4/2025 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới – đây là Nghị quyết hết sức quan trọng, có rất nhiều nội dung thể hiện rõ tính đột phá để tăng cường hơn nữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật và cũng có rất nhiều nội dung cần phải được thể chế hóa không chỉ trong Nghị quyết của Quốc hội quy định cơ chế, chính sách đặc thù trong công tác xây dựng pháp luật và một số nội dung về tổ chức thi hành pháp luật đang được trình tại kỳ họp này, mà còn trong các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các Luật có liên quan, trong đó có nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương.