Diễn đàn sản xuất thông minh Việt Nam 2025: Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi số toàn diện

Add
Tại Diễn đàn “Sản xuất thông minh Việt Nam 2025” do Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam phối hợp với Hội Doanh nghiệp Chủ lực Hà Nội tổ chức chiều 16/7 tại Hà Nội, các chuyên gia nhấn mạnh vai trò then chốt của tư duy đúng và chiến lược đúng trong chuyển đổi số và sản xuất thông minh của doanh nghiệp Việt Nam.

Diễn đàn sản xuất thông minh Việt Nam 2025: Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư chuyển đổi số toàn diện

san-xuat-thong-minh-viet-nam-2025-2-dulichgiaitrivn-1753194199.jpg
Sự kiện do ACT International phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA) tổ chức

Phát biểu tại Diễn đàn, các đại biểu cho rằng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng số hóa toàn cầu, chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Quản lý kỹ thuật Tập đoàn Hồng Hải (Foxconn), việc ứng dụng công nghệ tự động hoá và công nghệ 4.0 đã giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu suất, giảm chi phí và rút ngắn thời gian sản xuất. Hiện công ty áp dụng AI trong khâu kiểm tra chất lượng và thống kê dữ liệu dây chuyền sản xuất. Nhờ vậy, độ chính xác cao hơn, giảm thời gian thao tác và tăng hiệu quả lao động.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang lúng túng trong quá trình chuyển đổi số. Theo ông Phạm Văn Đồng, Giám đốc Công ty tư vấn năng suất và chất lượng quốc tế, nguyên nhân là do thiếu một chiến lược tổng thể và nhận thức chưa đầy đủ về công nghệ như AI, IoT, dữ liệu lớn hay nhà máy thông minh. Chuyển đổi số và sản xuất thông minh sẽ không hiệu quả nếu không bắt đầu từ tư duy đúng và chiến lược đúng.

san-xuat-thong-minh-viet-nam-2025-dulichgiaitrivn-1753193875.jpg
Doanh nghiệp cần đi theo một lộ trình gồm bốn bước: Chuẩn hóa – Tối ưu hóa – Số hóa – Thông minh hóa

Theo ông Đồng, doanh nghiệp cần đi theo một lộ trình gồm bốn bước: Chuẩn hóa – Tối ưu hóa – Số hóa – Thông minh hóa. Đây không chỉ là một tiến trình kỹ thuật mà còn là chuyển đổi tư duy quản trị và mô hình kinh doanh toàn diện. Không chỉ có Diễn đàn lần này, Nghị quyết số 57-NQ/TW cũng đặt ra yêu cầu đột phá về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Trước đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn 2021–2030, đặc biệt trong năng suất, chất lượng và tự động hóa. Do đó, nếu doanh nghiệp tận dụng tốt các chương trình hỗ trợ và đồng thời xây dựng được kế hoạch chuyển đổi số chi tiết, chia theo giai đoạn cụ thể thì sẽ tăng cơ hội thành công. Việc chuyển đổi cần thực hiện tuần tự, có kiểm soát và gắn liền với năng lực nội tại - ông Đồng chia sẻ.

Ông Mak Adonis - Tổng Giám đốc ACT International nhấn mạnh Diễn đàn là bước đi cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp sản xuất điện tử và bán dẫn. Sự kiện là cầu nối để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các giải pháp công nghệ tiên tiến, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Đồng thời, góp phần xây dựng một hệ sinh thái sản xuất thông minh tại Việt Nam - nơi các doanh nghiệp không chỉ tiếp cận công nghệ mà còn tạo ra giá trị mới thông qua đổi mới sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.

san-xuat-thong-minh-viet-nam-2025-1-dulichgiaitrivn-1753193875.jpg
Diễn đàn là bước đi cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo trong ngành công nghiệp sản xuất điện tử và bán dẫn

Diễn đàn cũng dành thời gian để các chuyên gia trong và ngoài nước thảo luận về các chủ đề then chốt như: ứng dụng công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo trong sản xuất thông minh; nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đổi mới sáng tạo; kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng nhà máy thông minh; giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong quá trình chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Triển lãm công nghệ Confex đã được tổ chức trong khuôn khổ diễn đàn, với hơn 20 gian hàng từ các tập đoàn công nghệ hàng đầu, doanh nghiệp khởi nghiệp và các tổ chức nghiên cứu. Triển lãm giới thiệu các giải pháp tự động hóa và robot công nghiệp, phân tích dữ liệu lớn cho sản xuất, công nghệ in 3D và các giải pháp sản xuất linh hoạt, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quản lý chuỗi cung ứng và tối ưu hóa sản xuất…

Các hoạt động kết nối giao thương cũng được tổ chức với các phiên tọa đàm, giao lưu, kết nối doanh nghiệp tạo cơ hội để doanh nghiệp sản xuất, nhà cung cấp công nghệ và các tổ chức nghiên cứu thiết lập quan hệ hợp tác chiến lược, thúc đẩy các dự án đổi mới sáng tạo.

https://thoibaonganhang.vn/doi-moi-sang-tao-va-chuyen-doi-so-don-bay-phat-trien-cong-nghiep-dien-tu-viet-nam-167409.html