Để người dân có thể làm giàu trên chính mảnh đất của mình
Chỉ sau hơn một năm đầu tư nhà máy chế biến tại Sơn La, Doveco không chỉ mở ra hướng đi mới cho những cây trồng chủ lực như xoài, nhãn, ngô ngọt hay rau chân vịt, mà còn định vị lại tiềm năng nông nghiệp vùng cao với tư duy "làm lớn từ những điều giản dị".
Đây là những chia sẻ của ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) tại Diễn đàn "Kết nối sản xuất và thương mại nông lâm sản các tỉnh Tây Bắc" được tổ chức vào chiều 1/7.

Ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.
Ông Khuê cho biết, Doveco không chỉ đóng vai trò người mua, mà còn là đơn vị tư vấn kỹ thuật, cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm và cùng chính quyền địa phương xây dựng chiến lược dài hạn.
Trong số đó, xoài Sơn La, đặc biệt là giống Đài Loan, nổi bật với độ Brix cao nhờ chênh lệch nhiệt độ ngày đêm, rất phù hợp với tiêu chuẩn chế biến và xuất khẩu. "Chúng tôi đã hỗ trợ tiêu thụ được 10% sản lượng xoài địa phương năm vừa rồi và phấn đấu đạt 20% vào năm tới", ông Khuê nói.
Không dừng lại ở xoài, Doveco mở rộng thu mua với các loại cây trồng dễ chăm, ít rủi ro như dứa và chanh leo, 2 sản phẩm gần như không có tính thời vụ. "Dứa có thể thu hoạch quanh năm, chanh leo cũng vậy, dễ trồng, ít sâu bệnh. Đây là điều mà ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Bắc nên đặc biệt quan tâm để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi linh hoạt và có thu nhập ổn định hơn", Chủ tịch HĐQT Doveco nhấn mạnh.
Bà Vũ Thị Vân Phượng - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần VietRAP Đầu tư Thương mại.
VietRAP tập trung vào các loại dược liệu quý như thất diệp nhất chi hoa, tam thất, sâm... Đây đều là cây dài ngày, rủi ro cao nếu thiếu bao tiêu và mô hình bền vững. Do đó, công ty chú trọng chọn giống tốt, xây dựng bao bì, nhãn mác và liên kết đầu ra.
Phải mất 5 năm, VietRAP mới hoàn thiện vùng nguyên liệu đầu tiên. Tại Vân Hồ (Sơn La), nhờ kinh nghiệm tích lũy, chỉ sau một năm, công ty đã liên kết với 3 hợp tác xã, hàng trăm hộ dân, mở rộng vùng trồng lên 60ha, trong đó 20ha đã thu hoạch đến chu kỳ thứ tư.
Bà Phượng nhấn mạnh: "Điều quan trọng là lựa chọn đúng loại cây, giống tốt, có đơn vị bao tiêu và đầu tư vào phát triển bao bì, nhãn mác. Khi có mô hình mẫu rõ ràng, bà con không chỉ thấy dược liệu là cây thuốc mà còn là công cụ nâng cao sinh kế, phát huy giá trị bản địa".
Làm chủ được vùng nguyên liệu sẽ làm chủ được chuỗi giá trị nông sản
Trước những vấn đề được đặt ra tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&MT Trần Thanh Nam đề nghị lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc phải đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch sau sáp nhập đơn vị hành chính. Cần rà soát, quy hoạch lại từng xã để xác định các vùng trồng chủ lực, quy mô sản xuất phù hợp, từ đó định hướng lại và tích hợp vào quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp địa phương.

Thứ trưởng Bộ NN&MT Trần Thanh Nam
"Xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn là yếu tố cốt lõi, quyết định khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Điển hình như tỉnh Sơn La đã xây dựng thành công 50.000ha vùng nguyên liệu dứa và chanh leo đạt chuẩn về giống, hạ tầng và quy trình canh tác", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh. "Ai làm chủ được vùng nguyên liệu sẽ làm chủ được chuỗi giá trị nông sản".
Cùng với đó, các tỉnh Tây Bắc cần tập trung xây dựng chuỗi giá trị và tăng cường liên kết sản xuất. Với lợi thế của từng tỉnh, lãnh đạo địa phương cần khuyến khích doanh nghiệp và nông dân hợp tác theo chuỗi sản xuất khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn từ đầu vào đến đầu ra, thay vì chỉ ký hợp đồng mua bán đơn thuần.
Bên cạnh tổ chức lại sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đề xuất nâng cao năng lực chế biến sâu và bảo quản sau thu hoạch. Trong đó, các cơ quan quản lý và hợp tác xã cần tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp lớn để xây dựng hệ thống sơ chế, đóng gói, kho lạnh tại các hợp tác xã, tổ hợp tác và đại lý thu gom, bảo đảm chất lượng nông sản theo yêu cầu thị trường.
Về giải pháp quản lý chất lượng, giảm chi phí sản xuất cho nông dân, Thứ trưởng Trần Thanh Nam gợi ý xây dựng các cơ sở vệ tinh, hệ thống giống thương mại, đồng thời đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP của vùng.
Nhằm kiện toàn bộ máy nông nghiệp, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị Văn phòng SPS Việt Nam chủ động tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan và chính quyền địa phương để cập nhật, hoàn thiện dữ liệu vùng trồng. Đây là bước quan trọng nhằm đảm bảo tính minh bạch, chính xác trong truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nông sản ra thị trường quốc tế.