
Mức tăng bình quân 300.000 đồng/tháng
Theo phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2026 được Hội đồng Tiền lương quốc gia chốt trình Chính phủ, mức tăng bình quân sẽ là 300.000 đồng/tháng so với năm 2025.
Cụ thể, lương tối thiểu Vùng I tăng từ 4,96 triệu đồng/tháng lên 5,31 triệu đồng/tháng (tăng thêm 350.000 đồng, 7,1%); Vùng II tăng từ 4,41 triệu đồng/tháng lên 4,73 triệu đồng/tháng (tăng 320.000 đồng, 7,3%); Vùng III tăng từ 3,86 triệu đồng/tháng lên 4,14 triệu đồng/tháng (tăng 280.000 đồng, 7,3%); Vùng IV tăng từ 3,45 triệu đồng/tháng lên 3,7 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng, 7,2%).
Đây là mức tăng được đánh giá là phù hợp với sự phát triển kinh tế của đất nước, hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc cũng như mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% theo chủ trương của Đảng trong năm nay và hai con số trong những năm tiếp theo.
Trước đó, tại phiên thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra vào ngày 26/6, các bên liên quan còn chưa tìm được tiếng nói chung về mức đề xuất lương tối thiểu vùng. Tại phiên này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ VN) đề xuất 2 phương án tăng lương tối thiểu là 9,2% và 8,3%. Trong khi đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất mức điều chỉnh từ 3-5%. Bộ phận kỹ thuật của hội đồng cũng đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng từ 6,5-7%.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia đánh giá mức đề xuất lương tối thiểu vùng tăng 7,2% từ ngày 1/1/2026 đã đáp ứng được kỳ vọng của Tổng LĐLĐ VN. Mức đề xuất tăng này sẽ cải thiện một phần đời sống của người lao động, vì trên thực tế bản thân các doanh nghiệp đã có mức lương nhìn chung cao hơn mức lương tối thiểu. Đây là mức lương tham khảo trước hết dành cho đối tượng là người lao động thuộc nhóm hưởng mức lương tối thiểu và nhóm khác cũng có thể được tham khảo để xây dựng mức lương. Mức đề xuất tăng cũng sẽ tạo động lực để người lao động làm việc với tinh thần phấn chấn, nỗ lực phấn đấu để năm nay đạt mục tiêu tăng trưởng 8% và từ năm sau trở đi có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng hai con số.
Sau khi Chính phủ có quyết định chính thức mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2026, Tổng LĐLĐ VN sẽ tổ chức thực hiện và tuyên truyền để người lao động đồng tình và ủng hộ mức tăng này và tiếp tục lao động có năng suất cao, chất lượng tốt, cùng phát triển doanh nghiệp để cả nước bước vào kỷ nguyên mới.
Người lao động hài lòng, đánh giá mức tăng là phù hợp
Thông tin Hội đồng Tiền lương quốc gia “chốt” phương án đề xuất Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng 7,2% áp dụng từ 1/1/2026 đã nhận được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và người lao động.
Chị Hà Thị Phương Anh, công nhân Công ty TNHH may xuất khẩu DHF, là lao động nhập cư, đã có 21 năm sinh sống tại Hà Nội - cho biết, với mức thu nhập làm công ăn lương khoảng 8-9 triệu đồng/tháng, vợ chồng chị đang phải tằn tiện để chi cho các khoản nuôi con, chợ búa, đóng tiền điện, nước đang tăng cao. Mỗi tháng, hai vợ chồng cố gắng tiết kiệm chỉ được tối đa khoảng 4 triệu đồng/tháng nhưng chỉ sau 1 lần con ốm phải đi viện thì tiền dự trữ cũng hết. Vì vậy, chị cũng như mọi người lao động khác đều mong muốn được tăng lương, tăng thu nhập, có điều kiện nâng cao chất lượng cuộc sống. Về lý thuyết, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng càng cao, người lao động sẽ càng phấn khởi.
Song, trên thực tế, hiện nay, tình hình phát triển kinh tế nói chung và hoạt động của doanh nghiệp nói riêng đang chịu tác động lớn của vấn đề thuế quan và nhiều yếu tố khác. Theo quan điểm cá nhân chị, nếu mức tăng tối thiểu quá cao, rất có thể sẽ vượt quá khả năng chịu đựng của doanh nghiệp. Đã từng là Chủ tịch Công đoàn công ty FDI, tham gia Ban Thường vụ ngành Dệt may Hà Nội, chị Phương Anh cho biết, đơn cử trong ngành dệt may, hiện doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như trước dịch Covid-19, đơn giá một sản phẩm dệt may có thể ký được ở mức 30.000 đồng, thì nay chỉ còn 20.000 đồng, thậm chí thấp hơn. Đơn giá giảm nhưng chi phí sản xuất không giảm là bài toán khó cho doanh nghiệp. Đó là lý do thời gian qua, đã có nhiều doanh nghiệp phải dừng hoạt động. “Là người lao động, chúng tôi chỉ mong được đi làm trong điều kiện bình ổn. Doanh nghiệp còn hoạt động thì công nhân mới có việc làm, có thu nhập. Vì vậy, tôi thấy đề xuất tăng lương ở mức 7% là hợp lý, phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp và mong muốn của người lao động”, chị Phương Anh bày tỏ.
Chị Bùi Thị Hòa, nữ công nhân cũng đã có 8 năm làm trong ngành dệt may cho biết: Mức lương của công nhân may hiện còn thấp hơn so với công nhân ở các lĩnh vực khác do ngành này không kén trình độ của người lao động. Muốn tăng thu nhập trong hoàn cảnh mức lương nhận về còn thấp, công nhân may thường dựa vào làm thêm, tăng ca. Vì vậy, đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, dự kiến từ 1/1/2026 thực sự là tin vui, giúp đông đảo anh chị em công nhân ngành dệt may giảm bớt phần nào khó khăn trong sinh hoạt thường ngày. Đề xuất tăng lương cũng cho thấy sự quan tâm của Nhà nước đối với đời sống của người lao động.
Cần sự linh hoạt của doanh nghiệp
Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Đinh Quốc Toản, Chủ tịch Công đoàn, Trưởng phòng Sản xuất nhà máy Hà Nội thuộc Công ty TNHH Lixil Việt Nam (xã Gia Lâm, Hà Nội) cho rằng, mức tăng 7,2% như đề xuất của Hội đồng Tiền lương quốc gia là phù hợp và kịp thời. Lý do là mức thu nhập bình quân hiện nay nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mức sống tối thiểu của người lao động. So sánh với các quốc gia khác ở khu vực Đông Nam Á, xa hơn là thế giới, cụ thể là so với các nhà máy của Công ty TNHH Lixil Việt Nam tại các nước, thu nhập của người lao động Việt Nam còn thấp nên cần tiếp tục được cải thiện để thu hẹp khoảng cách; tăng lương cũng là yêu cầu cấp thiết để đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động;
Theo ông Toản, tất nhiên, về góc độ doanh nghiệp, tăng lương cho người lao động là áp lực. Song, mặt lợi là doanh nghiệp sẽ giữ chân được người lao động, động viên người lao động gắn bó với doanh nghiệp. Để có nguồn kinh phí tăng lương đồng thời vẫn đảm bảo hoạt động có lãi đòi hỏi doanh nghiệp cần tìm ra các giải pháp tối ưu hóa sản xuất như áp dụng công nghệ, giảm lãng phí, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm... Theo ông Toản, có 2 điểm mấu chốt hiện nay doanh nghiệp có thể làm là giảm lãng phí sản xuất - yếu tố tiêu tốn nguồn lực còn khá phổ biến và tăng năng suất lao động vì so với các nước, năng suất người lao động Việt Nam còn còn có thể được nâng cao hơn.
Thực tế, từ năm 2025, trước khi Hội đồng Tiền lương quốc gia thống nhất đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, Công ty đã thực hiện tăng lương cho công nhân ở mức 7,1%. Hiện nay, tại công ty, lương cơ bản thấp nhất của công nhân mới là 6,5 triệu đồng/tháng, mức thu nhập trung bình của người lao động đạt từ 8-10 triệu đồng/tháng, đồng đều ở các khu vực mà công ty có nhà máy hoạt động. Điều này cho thấy, chính sách tăng lương của công ty đối với người lao động cũng trùng khớp với chỉ đạo của Nhà nước và đến nay công ty vẫn đang hoạt động tốt. Vì đã thực hiện tăng lương 7,1% trong năm 2025 nên sang năm 2026, công ty có thể sẽ phải tiếp tục nghiên cứu để có các mức hỗ trợ tăng thu nhập cho người lao động phù hợp, đảm bảo được đời sống.
Cùng với đó, ông Toản cũng mong muốn, tới đây, khi đề xuất tăng lương tối thiểu vùng được phê duyệt, Nhà nước sẽ có thêm các giải pháp để điều phối, bình ổn giá cả, đặc biệt là với các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, điện, lương thực, thực phẩm..., tránh tình trạng lương tăng, giá cũng tăng theo.
Còn theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, với đề xuất tăng lương tối thiểu vùng, tới đây, các doanh nghiệp nhìn chung cần có giải pháp nâng cao năng lực quản trị, phân công công việc phù hợp, áp dụng khoa học công nghệ và cải thiện các điều kiện quản lý khác. Có như vậy mới đảm bảo duy trì các chỉ số phát triển của doanh nghiệp, bảo vệ số lượng việc làm cũng như giữ chân người lao động, đặc biệt là những lao động có tay nghề.