Động thái cho thấy EU quyết tâm bứt tốc với năng lượng tái tạo

Admin
Tiến bộ đáng kể về năng lượng tái tạo đã mang lại những lợi ích to lớn cho châu Âu, vượt ra ngoài việc giảm phát thải.

Cơ cấu năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đã trải qua một sự chuyển đổi sâu sắc và nhanh chóng trong những năm qua, theo Đánh giá Điện châu Âu 2025 của Ember, một tổ chức tư vấn về năng lượng.

Được thúc đẩy bởi sự mở rộng của năng lượng gió và mặt trời ngay trong nội khối, năng lượng tái tạo đã tăng từ 34% vào năm 2019 lên 47% vào năm 2024, trong khi tỉ lệ nhiên liệu hóa thạch giảm từ 39% xuống mức thấp kỷ lục là 29%.

Năng lượng mặt trời vẫn là nguồn năng lượng tăng trưởng nhanh nhất của EU vào năm 2024, lần đầu tiên vượt qua than. Năng lượng gió vẫn là nguồn năng lượng lớn thứ hai của khối 27 quốc gia, xếp trên khí đốt và dưới điện hạt nhân.

Tiến bộ đáng kể về năng lượng tái tạo đã mang lại những lợi ích to lớn cho châu Âu, vượt ra ngoài việc giảm phát thải.

Sự tăng trưởng về mặt cấu trúc trong điện gió và điện mặt trời đã làm giảm hóa đơn nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của EU và tình trạng dễ bị tổn thương của khối này đối với khí đốt nhập khẩu.

Mặc dù tiến bộ đạt được trong nửa đầu thập kỷ này là ấn tượng, nhưng EU cần phải tăng tốc từ bây giờ đến năm 2030, Ember cho biết.

Động thái cho thấy EU quyết tâm bứt tốc với năng lượng tái tạo- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trong bối cảnh đó, hồi đầu tháng này, Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành EU – đã phân bổ 52 triệu Euro (58,7 triệu USD) thông qua Cơ chế tài trợ năng lượng tái tạo của EU, gọi là RENEWFM, cho 9 dự án tại 2 quốc gia thành viên là Phần Lan và Estonia.

Khoản tài trợ này nhằm mục đích tăng cường năng lực năng lượng tái tạo của EU và thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới giữa các quốc gia thành viên, thông cáo báo chí của EC nêu rõ.

Các dự án hưởng lợi sẽ bổ sung tổng cộng 445,65 megawatt (MW) công suất dự kiến sẽ được đưa vào vận hành trong giai đoạn 2027-2028, thông cáo cho biết thêm.

Cụ thể, trong số 9 dự án có 7 dự án điện mặt trời được xây dựng trên khắp quốc gia Bắc Âu Phần Lan, và 2 dự án điện gió ở quốc gia vùng Baltic Estonia.

Các dự án quang năng ở Phần Lan sẽ góp phần vào việc mở rộng công suất năng lượng mặt trời của đất nước. Chúng bao gồm:

Công viên năng lượng mặt trời Laivakangas với khoản tài trợ 4,2 triệu Euro (4,7 triệu USD); Công viên năng lượng mặt trời Lamminneva với khoản tài trợ 3,5 triệu Euro (3,9 triệu USD); và Công viên năng lượng mặt trời Isoneva với khoản tài trợ 5,6 triệu Euro (6,3 triệu USD). Ba dự án này sẽ tái sử dụng các địa điểm khai thác sỏi và than bùn hiện có thành các nhà máy điện mặt trời.

Một khu vực bãi rác cũng sẽ được chuyển đổi mục đích sử dụng thành Công viên Điện mặt trời Lålby, với khoản tài trợ 5,9 triệu Euro (6,6 triệu USD) từ EC cho dự án.

7,7 triệu Euro (8,7 triệu USD) đã được phân bổ để xây dựng Nhà máy điện mặt trời Kouvola Lakiasuo quy mô công nghiệp tại Kouvola (nội địa phía Đông Nam của Phần Lan), chuyển đổi mục đích sử dụng của các khu vực sản xuất than bùn Lakiasuo và Heposaari rộng 150 ha.

Dự án JoSoleilTwo đã nhận được 5,7 triệu Euro (6,4 triệu USD) để xây dựng một dự án điện mặt trời trên mặt đất tại Joroinen, Bắc Savo, trong khi nhà máy điện mặt trời Pori Peittoo đã nhận được 1,1 triệu EUR (1,2 triệu USD) để xây dựng một nhà máy điện mặt trời trên một khu vực xử lý vật liệu.

Tại Estonia, Dự án Püssi và Công viên Điện gió Maima, cả hai đều là dự án điện gió trên bờ, đã nhận được lần lượt 9,8 triệu Euro (11 triệu USD) và 8,2 triệu Euro (9,2 triệu USD) tài trợ từ EC.

EC thành lập RENEWFM vào năm 2020, nhằm mục đích hỗ trợ các dự án năng lượng tái tạo trên khắp EU bằng cách kết nối các quốc gia đóng góp và quốc gia chủ nhà.

Minh Đức (Theo Ember Energy, Rigzone)

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Bước tiến đáng kinh ngạc ở cánh đồng lúa cực Nam thế giớiBước tiến đáng kinh ngạc ở cánh đồng lúa cực Nam thế giới
Tham khảo thêm
Siêu dự án tổng hợp hạt nhân ITER đạt cột mốc quan trọngSiêu dự án tổng hợp hạt nhân ITER đạt cột mốc quan trọng