Washington đang thúc giục các đồng minh châu Á đưa ra cam kết chính thức đối với một dự án LNG trị giá 44 tỷ USD ở Alaska, vốn đã bị trì hoãn từ lâu nhưng hiện là trọng tâm trong chương trình nghị sự năng lượng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Trong số các đồng minh châu Á có liên quan, Nhật Bản đang phải đối mặt với sức ép ngày càng tăng từ chính quyền Tổng thống Trump về chính thức đầu tư vào dự án, mà nếu hoàn thành, sẽ cung cấp LNG của Mỹ cho Nhật Bản thông qua tuyến đường ngắn nhất có thể giữa hai nước.
Hồi tháng 2, Tổng thống Trump đã công bố khả năng liên doanh với Nhật Bản về dự án này trong Hội nghị Thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba.
Hồi tháng 3, Thống đốc Alaska Mike Dunleavy đã đến thăm Tokyo để vận động chính phủ và ngành công nghiệp tư nhân.
Một hội nghị năng lượng cấp cao đã được lên lịch diễn ra vào đầu tháng 6 tại Alaska có thể sẽ chứng kiến áp lực tiếp theo từ Mỹ đối với Nhật Bản để ký kết dự án.
Về phần mình, người Nhật Bản vẫn do dự tham gia vào dự án LNG này vì còn hoài nghi về lợi nhuận và tính khả thi của dự án.
Phát biểu tại một cuộc họp báo cuối tháng trước, ông Takashi Uchida, Chủ tịch Hiệp hội Khí đốt Nhật Bản – đại diện cho tất cả các công ty khí đốt lớn của Nhật Bản, cho rằng mặc dù các kế hoạch thiết kế cơ bản vẫn chưa được hoàn thiện, nhưng rõ ràng là dự án này sẽ cực kỳ tốn kém.

Dự án LNG trị giá 44 tỷ USD ở Alaska là trọng tâm trong chương trình nghị sự năng lượng của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Asia Sentinel
Tuy nhiên, sự cấp bách mới đã xuất hiện kể từ khi ông Trump công bố các mức thuế quan "có đi có lại" nặng nề nhằm vào vô số các đối tác thương mại của Mỹ, trong đó Nhật Bản phải chịu mức thuế 24%, và mức thuế riêng cao hơn đối với ô tô và phụ tùng của nước này.
Cũng như nhiều nước khác, Nhật Bản có thời gian tạm dừng thuế quan 90 ngày, kết thúc vào ngày 9/7, để tìm cách đàm phán một thỏa thuận thương mại mà Mỹ cảm thấy hài lòng.
Một phát ngôn viên của Bộ Năng lượng Mỹ nói trên New York Times rằng, dự án Alaska LNG có tiềm năng cung cấp an ninh năng lượng cho Mỹ và các đồng minh, cũng như tạo việc làm và giảm thâm hụt thương mại của Mỹ, và dự án nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ Tổng thống Trump và Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright.
Trong bối cảnh mới, một số công ty năng lượng Nhật Bản đã thận trọng cho biết họ có thể sẵn sàng thảo luận về việc tham gia vào dự án Alaska LNG.
Đại diện của JERA, nhà cung cấp điện lớn nhất Nhật Bản, cho biết công ty muốn xem xét Alaska là một trong nhiều nhà cung cấp LNG đầy triển vọng.
Chủ tịch Tập đoàn Mitsubishi Katsuya Nakanishi cho biết tập đoàn công nghiệp này có thể cân nhắc đầu tư vào dự án LNG Alaska, đồng thời nói thêm rằng cần phải tiến hành thẩm định cẩn thận trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào.
Đường ống dẫn LNG Alaska, nếu được xây dựng, sẽ chạy từ khu vực North Slope của tiểu bang ở cực bắc xuống cơ sở xuất khẩu LNG Nikiski ngay bên dưới Anchorage, ở phía Nam của tiểu bang.
Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Dan Sullivan của Alaska cho biết các lô hàng từ cảng Nikiski có thể đến Nhật Bản và Hàn Quốc trong khoảng một tuần mà không có điểm nghẽn chiến lược nào.
Tiền để xây dựng đường ống sẽ đến từ đâu vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, các kế hoạch chính thức kêu gọi bắt đầu xây dựng vào năm tới và LNG bắt đầu chảy vào năm 2028. Cơ sở Nikiski dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2030, với đợt xuất khẩu LNG đầu tiên sang Đông Á vào thời điểm nào đó sau đó.
Liệu lịch trình đó có thực tế hay không vẫn còn phải chờ xem. Giấc mơ về đường ống LNG xuyên Alaska đã tồn tại trong nhiều thập kỷ và các quan chức Mỹ qua các thời kỳ đều đã cố gắng thu hút sự quan tâm nhiều hơn của Nhật Bản đối với dự án Alaska LNG.
Vào ngày đầu tiên nhậm chức nhiệm kỳ 2, Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm mục đích "giải phóng" tiềm năng năng lượng của Alaska, bao gồm cả đề xuất về đường ống LNG này.
Mặc dù tính khả thi của dự án còn là dấu hỏi, nó chiếm một vị trí nổi bật trong nỗ lực của ông Trump nhằm định hình lại bối cảnh năng lượng của Mỹ và khôi phục động lực cho nhiên liệu hóa thạch.
Minh Đức (Theo Japan Times, NY Times)