
TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT công bố chương trình đào tạo lực lượng dự bị chiến lược của Trường
Chương trình được thiết kế dành riêng cho sinh viên công nghệ thông tin Trường Đại học FPT, nhằm xây dựng lực lượng dự bị chiến lược, sẵn sàng tham gia triển khai Nghị quyết 57/NQ-TW của Bộ Chính trị về đột phá trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
TS Lê Trường Tùng cho biết, chương trình dự kiến gồm hai học phần chuyên sâu và được triển khai theo hình thức học trực tuyến, sử dụng nền tảng của đối tác chiến lược là Coursera, nhằm tận dụng tối đa chất lượng của các chương trình học online.
Việc kiểm tra, đánh giá sẽ thực hiện thông qua các bài tập lớn (project), có hệ thống chấm điểm, kèm theo chứng chỉ Coursera do trường Đại học FPT xác nhận. Chương trình dự kiến bắt đầu triển khai từ học kỳ hè năm 2025 (summer 2025) với module 1 và tiếp tục module 2 vào học kỳ mùa thu năm 2025 (fall 2025).
Chương trình gồm 8 khối kiến thức. Trong đó, 4 nội dung đầu tiên được xem là những cấu phần quan trọng của hệ sinh thái chuyển đổi số, bao gồm: quản lý nhà nước và hành chính công; quản lý doanh nghiệp và tổ chức; kinh tế số và tài chính số; trải nghiệm khách hàng và tiếp thị số.
Bốn nội dung tiếp theo thuộc nhóm năng lực cốt lõi, giúp trang bị khả năng triển khai chuyển đổi số ở cấp hệ thống cho tổ chức, doanh nghiệp và bộ máy công quyền.
Các nội dung đào tạo được thiết kế xoay quanh hệ sinh thái chuyển đổi số, bao gồm các yếu tố nhà nước, doanh nghiệp, kinh tế số, tài chính số, và tiếp thị số. Nhóm năng lực cốt lõi sẽ hướng đến việc hình thành khả năng tổ chức và thực thi chuyển đổi số ở tầm hệ thống – điều thiết yếu cho nguồn nhân lực trong tương lai.
Toàn bộ các nội dung trên được cụ thể hóa thành bài giảng, có thể sẵn sàng triển khai cho số lượng lớn sinh viên của trường Đại học FPT.

Lễ ký kết liên minh nhân lực Chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW
Chương trình sẽ được triển khai thí điểm bằng cách cho sinh viên đăng ký tự nguyện, trước mắt áp dụng cho các sinh viên ngành công nghệ thông tin từ học kỳ 3 trở lên, có kết quả học tập khá giỏi trong học kỳ gần nhất.
Sinh viên được miễn phí tham gia, được cấp chứng chỉ sau khi đạt kỳ kiểm định riêng để đảm bảo chất lượng và đưa vào danh sách nguồn nhân lực chiến lược – sẵn sàng đáp ứng nhu cầu từ phía các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp khi cần thiết.
Theo TS Lê Trường Tùng, đây là bước thử nghiệm ban đầu của trường Đại học FPT, trong đó AI được ứng dụng tối đa vào các công đoạn như xây dựng nội dung, thiết kế bài kiểm tra và sản xuất video. Toàn bộ quá trình đều tuân theo sự chỉ đạo của bộ phận chuyên môn, với mục tiêu làm chủ công nghệ để AI thực hiện đúng theo yêu cầu, thay thế những công việc thủ công tốn nhiều thời gian trước đây.
"Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đã và đang vượt qua nhiều thách thức, trong đó có một thách thức lớn tại trường Đại học FPT – đó là, chúng ta phải đào tạo được một lực lượng đủ đông và chất lượng, để đáp ứng cho công cuộc chuyển đổi mạnh mẽ sắp tới của quốc gia. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng yếu mà trường Đại học FPT đã xác định" TS Lê Trường Tùng chia sẻ.
Trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển nguồn nhân lực - xung lực mới thực thi Nghị quyết 57/NQ-TW, bà Phạm Thị Ngọc Thuỷ, Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân của FPT cũng bày tỏ đồng quan điểm về những kỹ năng mà nhân lực thời đại mới cần có.
Hiện nay, cả khu vực công và tư đều đang thiếu hụt nghiêm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân sự am hiểu chuyên sâu về KHCN, chuyên gia chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và những người có khả năng tái cấu trúc quy trình vận hành doanh nghiệp.
Bà Thuỷ đề xuất ba nhóm nhân lực chiến lược cần được đào tạo: kỹ sư KHCN chuyên ngành, nhà quản trị thông minh và chuyên gia phân tích nghiệp vụ. Đây là những lực lượng then chốt để thực hiện thành công chuyển đổi số và phát triển kinh tế số trong thời kỳ mới.
Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cũng cho rằng, nhân lực trong thời đại mới cần có tư duy và hiểu biết về pháp luật, tư duy thiết kế hệ thống.
"Trước đây, chúng ta tập trung vào người dùng cuối, nhưng bây giờ, cần phải mở rộng tầm nhìn, hướng đến doanh nghiệp, người dân và nhà nước. Kiến thức về tư duy hệ thống cần được đưa vào chương trình giảng dạy, các trường trong liên minh sẽ sử dụng chung công nghệ và nền tảng đào tạo. Các em tốt nghiệp sẽ có nền tảng vững chắc để có thể đột phá. Các thầy cô có thể xây dựng bộ tiêu chí, từ đó các trường cá nhân hóa phù hợp với học sinh, sinh viên của mình", ông Khoa cho biết.
Bên cạnh việc công bố bổ sung chương trình đào tạo lực lượng dự bị chiến lược thực thi Nghị quyết 57/NQ-TW, Trường Đại học FPT ký kết thành lập và ra mắt Liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW với 4 học viện, đại học và trường đại học hàng đầu gồm: Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Học viện Kỹ thuật mật mã; Đại học Bách khoa Hà Nội; Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội; Trường Đại học FPT.
Liên minh được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng và phát triển một thế hệ nhân sự có năng lực chuyên môn tốt, am hiểu công nghệ, được trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết, sẵn sàng tham gia triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW, các học viện, đại học sẽ ký kết thành lập và ra mắt Liên minh nhân lực chiến lược thực thi Nghị quyết 57-NQ/TW.
HM