Gặp sự cố trên biển, bơi kiểu nào tăng cơ hội sống sót?

Admin
"Survival swimming" (bơi sinh tồn) được xem là kỹ năng bơi lội cực kỳ quan trọng với những người làm việc trong ngành hàng hải hoặc cứu hộ. Mục đích của kỹ năng bơi này là giúp bạn có thể kịp thích nghi nhanh nhất một khi có sự cố xảy ra.

Bơi trên sông, hồ, biển vốn đã luôn khác xa so với việc bơi trong hồ nhân tạo. Và để đề phòng việc gặp phải sự cố ở biển, sông, hồ, bạn sẽ phải làm quen với khái niệm "bơi sinh tồn".

"Survival swimming" (bơi sinh tồn) được xem là kỹ năng bơi lội cực kỳ quan trọng với những người làm việc trong ngành hàng hải hoặc cứu hộ. Mục đích của kỹ năng bơi này là giúp bạn có thể kịp thích nghi nhanh nhất một khi có sự cố xảy ra.

Trước tiên là nhóm kỹ thuật cốt lõi được đánh giá cao:

Gặp sự cố trên biển, bơi kiểu nào tăng cơ hội sống sót? - Ảnh 1.

Hướng dẫn tư thế drownproofing. Ảnh: N.T/Tuổi Trẻ Online.

Drownproofing - nổi tĩnh sinh tồn: phương pháp này do Fred Lanoue - HLV nổi tiếng tại Học viện công nghệ Georgia Tech phát triển từ những năm 1940 và trở thành môn học bắt buộc tại đây. Kỹ thuật này cho phép người bơi thả lỏng toàn thân, gập nhẹ như hình chữ "C", giữ thân lơ lửng ngay dưới mặt nước chỉ chờ đến khi cần thở mới ngoi lên nhanh và lại chìm xuống. Nghiên cứu ghi nhận người bình thường giữ nổi bằng cách này trong hàng giờ, thậm chí hơn 24 giờ nếu tỉnh táo.

Survival breaststroke - bơi ếch đầu nổi: đây là biến thể của bơi ếch dùng trong huấn luyện của Bộ Quốc phòng Mỹ, giữ đầu trên mặt nước để quan sát và hít thở dễ dàng. Không có nhiều khác biệt giữa kiểu bơi này so với bơi ếch truyền thống. Trọng tâm của kiểu bơi này là luôn giữ đầu trên mặt nước, thay vì ngoi lên ngụp xuống như bơi ếch truyền thống.

Sidestroke - bơi nghiêng: kỹ thuật này phổ biến trong huấn luyện quân sự nước Mỹ (US Army – TC 21 21) và lực lượng lính thủy quân lục chiến. Người bơi nghiêng cơ thể, dùng tay đá quạt và chân "cắt-kéo" (scissor kick), tay phía trên điều khiển hướng, tay phía dưới cung cấp lực đẩy.

Head-up front crawl - bơi sải giữ đầu nổi: kỹ thuật sải biến thể này tương tự với survival breaststroke, và vẫn đảm bảo tốc độ cao nhưng giữ đầu trên mặt, được khuyên dùng trong nhiều huấn luyện cứu hộ.

Tuy nhiên, điều quan trọng là việc áp dụng khi gặp tình huống cụ thể. Thông tin trên Tuổi Trẻ Online, chuyên gia bơi sinh tồn Trev Hollenbeck (Mỹ) - chuyên gia về drownproofing - nhấn mạnh: "Khi bị lật thuyền, chìm tàu, và chưa xác định được hướng bờ gần đó, điều quan trọng nhất là bạn phải tuân theo nguyên tắc ở lại gần thuyền, bám vào một vật nổi, và chờ đợi khả năng cứu hộ.

Trong trường hợp này, drownproofing là lựa chọn tốt nhất. Hãy dùng phương pháp này để không bị chìm, chờ cơ hội tóm được một vật nổi gần nhất. Nếu buộc phải bơi đến một nơi nào gần đó, hãy dùng survival breaststroke hoặc sidestroke, bảo toàn năng lượng trong giai đoạn đầu".

Khi gặp mưa bão, dòng nước mạnh, chiến thuật hợp lý là sử dụng survival breaststroke và sidestroke để bơi trong điều kiện sóng, rác và dầu trôi nổi. Nhưng hãy nhớ bắt đầu bằng drownproofing để ổn định hơi thở, giữ nhịp cho chân, sau đó chuyển sang survival breaststroke để di chuyển chậm mà ổn định. Khi cần tốc độ, có thể chuyển sang sidestroke.

Trong điều kiện thuận lợi và cần tự bơi đến bờ, nếu thấy rõ hướng bờ, tốc độ là tiêu chí, chuyên gia Mỹ khuyến nghị dùng head-up front crawl - tốc độ cao mà vẫn giữ tầm nhìn.

Dù vậy, đây vẫn chỉ là hành động được khuyến khích cho nhân viên cứu hộ hoặc thủy thủ - những người đã quá quen với việc đối phó các tình huống trên sông nước. Trong trường hợp đang bơi và cảm thấy mệt, bạn có thể chuyên sang kiểu drownproofing để kéo dài sức lực.

Sau tất cả, có 2 yếu tố tiên quyết cần nhớ khi gặp sự cố, đó là cố gắng bám vào một vật nổi; và nếu phải bơi - cần giữ đầu nổi. Việc để đầu chìm, dù giúp giảm cản lực trong bơi thể thao, lại có thể gây lúc ngớp nước, nhầm lẫn hướng, va vào vật cản - cực kỳ rủi ro khi dòng nước lũ, sóng, rác tràn đều có khả năng gây khó dễ cho bạn.

Gặp sự cố trên biển, bơi kiểu nào tăng cơ hội sống sót? - Ảnh 2.

Đội trưởng của Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel Phạm Quốc Việt. Ảnh: Công an nhân dân.

Chia sẻ thêm về kỹ năng sinh tồn trên biển khi tàu gặp nạn, anh Phạm Quốc Việt, Đội trưởng của Đội Hỗ trợ sơ cứu FAS Angel, một tổ chức tình nguyện chuyên hỗ trợ sơ cứu cho người gặp tai nạn trên các tuyến đường, đã tập hợp qua kinh nghiệm của các ngư dân miền biển để có thể sinh tồn khi gặp hoạn nạn:

- Người dân đi biển cần trang bị các kỹ năng thiết yếu như bơi lội và sinh tồn dưới nước (bơi thành thạo, thả nổi, giữ ấm), sơ cứu và cấp cứu cơ bản (xử lý vết thương, hô hấp nhân tạo cho người đuối nước) và sử dụng thiết bị an toàn (áo phao, phao cứu sinh, pháo hiệu, bộ đàm, la bàn). Đồng thời, họ cũng cần nắm vững kỹ năng sinh tồn trên biển (tạo tín hiệu, thu thập nước, tìm thức ăn, xây nơi trú ẩn) và kỹ năng phòng ngừa, ứng phó sự cố (kiểm tra tàu thuyền, nắm quy tắc an toàn hàng hải, lập kế hoạch chuyến đi, ứng phó cháy nổ). Việc trang bị những kỹ năng này giúp họ tự bảo vệ bản thân và hỗ trợ người khác khi gặp tình huống khẩn cấp trên biển.

- Để duy trì thân nhiệt và tránh sốc lạnh khi rơi xuống biển, điều cốt yếu là hạn chế cử động tối đa bằng cách áp dụng tư thế HELP (co gối lên ngực, ôm chặt) nếu đơn độc hoặc tư thế Huddle (ôm sát vào nhau) nếu có nhiều người. Hãy luôn giữ phần đầu và cổ trên mặt nước, mặc càng nhiều quần áo càng tốt (kể cả khi ướt) vì chúng tạo ra lớp cách nhiệt. Tuyệt đối tránh uống nước biển và cố gắng giữ bình tĩnh, kiểm soát hơi thở để không tiêu hao năng lượng. Hạn chế tối đa vùng da tiếp xúc với nước và tận dụng mọi thiết bị nổi có sẵn để tiết kiệm sức lực. Nếu có thể, hãy tìm kiếm nơi trú ẩn hoặc bám vào vật thể lớn.

- Khi một người bị sặc nước, người cứu hộ cần đánh giá nhanh tình trạng nạn nhân (ý thức, hô hấp, mạch). Nếu nạn nhân còn tỉnh và ho được, hãy khuyến khích họ ho mạnh và không dốc ngược hay ép bụng. Trong trường hợp nạn nhân bất tỉnh hoặc có dấu hiệu ngừng thở/ngừng tim, cần gọi cấp cứu 115 ngay lập tức và thực hiện hồi sinh tim phổi (CPR) nếu cần (ép tim kết hợp thổi ngạt). Quan trọng là phải giữ ấm cho nạn nhân sau khi sơ cứu và luôn đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra, tránh nguy cơ đuối nước thứ cấp. Cuối cùng, đảm bảo an toàn cho chính người cứu hộ.

- Để thoát hiểm an toàn khi tàu thuyền bị chìm, điều cốt yếu là phải giữ bình tĩnh và mặc áo phao ngay lập tức. Nhanh chóng tìm lối thoát gần nhất, ưu tiên các thiết bị an toàn như phao cứu sinh hay bè cứu sinh, và tuyệt đối không quay lại lấy đồ đạc cá nhân. Khi rời tàu, hãy nhảy xuống nước an toàn (chân xuống trước, cách xa tàu để tránh bị hút vào) và nhanh chóng bơi ra xa tàu khoảng 100-200 mét. Sau đó, hãy cố gắng tập hợp với những người sống sót khác và áp dụng các tư thế sinh tồn (HELP hoặc Huddle) để giữ ấm, đồng thời phát tín hiệu cầu cứu. Luôn nhớ không uống nước biển và không bơi vô định để bảo toàn năng lượng.

Minh Hoa (t/h theo Tuổi Trẻ Online, Công an nhân dân)