Gia Lai đẩy mạnh khai thác yếu tố ẩm thực trong phát triển du lịch bền vững

Hoàng Huyền
Những năm gần đây, việc khai thác xu hướng trải nghiệm văn hóa, bao gồm trải nghiệm ẩm thực là hướng phát triển du lịch bền vững được nhiều địa phương thực hiện. Trong đó, Gia Lai - vùng đất hội tụ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử và ẩm thực độc đáo đang từng bước khai thác du lịch ẩm thực để lan tỏa nét đẹp văn hóa địa phương tới đông đảo du khách.
gia-lai-day-manh-khai-thac-yeu-to-am-thuc-trong-phat-trien-du-lich-ben-vung1-dulichgiaitri-du-lich-1654678103.jpg

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc lưu giữ, phát triển những món ăn, thức uống từ truyền thống đến hiện đại đã trở thành yếu tố kích cầu du lịch, nhằm quảng bá thu hút đầu tư cũng như phát triển du lịch. Có thể kể đến một số quốc gia đã thành công trong việc đưa những món ăn truyền thống thành điểm nhấn trong tour du lịch như Thái Lan với đặc sản gỏi đu đủ, xôi xoài; Hàn Quốc nổi tiếng với món kim chi, mì Udong cũng như các tour hướng dẫn du khách tham gia chế biến kim chi; Nhật Bản với ẩm thực đặc trưng như Sushi, Sashimi, mì Ramen…

Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, trong giai đoạn 2017 - 2019, doanh thu ăn uống chiếm 33% trong cơ cấu tổng thu từ khách du lịch. Đây là một tỷ lệ khá cao cho thấy nhu cầu ẩm thực của khách du lịch là yếu tố thiết yếu trong chuyến đi, cao hơn việc chi tiêu cho dịch vụ lưu trú (lưu trú chỉ đạt 26%). Tỷ lệ này tương đồng với một số quốc gia có du lịch phát triển trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ…

gia-lai-day-manh-khai-thac-yeu-to-am-thuc-trong-phat-trien-du-lich-ben-vung2-dulichgiaitri-du-lich-1654678123.jpg

Bên cạnh đó, Gia Lai có nguồn nguyên liệu tại chỗ phục vụ cho ẩm thực cực kỳ phong phú và đang được thực khách đánh giá cao, đặc biệt là những món ngon được chế biến từ đặc sản của dòng sông Sê San như cá lăng, cá anh vũ, cá chình, heo sọc dưa 7 món, gà đi bộ lên mâm, bò một nắng - muối kiến vàng, phở khô Gia Lai… Trong hành trình khám phá Gia Lai, du khách còn được hòa mình trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên để thưởng thức cơm lam, gà nướng, uống rượu cần. Tuy nhiên, ẩm thực của Gia Lai chưa đầy đủ các yếu tố để hình thành sản phẩm du lịch ẩm thực và mới dừng lại là một phần dịch vụ trong chuyến đi của du khách.

gia-lai-day-manh-khai-thac-yeu-to-am-thuc-trong-phat-trien-du-lich-ben-vung3-dulichgiaitri-du-lich-1654678155.jpg

Để đưa ẩm thực Gia Lai trở thành sản phẩm du lịch nổi bật trong thời gian tới, ngành du lịch Gia Lai có thể triển khai một số giải pháp cần thiết như: Hình thành khu phố ẩm thực đặc trưng phục vụ người dân và du khách; Xây dựng thực đơn tiêu biểu phổ biến đến hệ thống nhà hàng, khách sạn, xây dựng và tổ chức theo mô hình lớp học nấu ăn hay trình diễn nấu ăn để đem đến trải nghiệm chân thực cho du khách; Kết hợp loại hình du lịch cộng đồng, khai thác trải nghiệm văn hóa cồng chiêng gắn với trải nghiệm ẩm thực truyền thống; Tổ chức các lễ hội ẩm thực trong đó có nhiều hoạt động phong phú như hội thi nấu ăn, giới thiệu món ngon; Có chiến lược quảng bá xúc tiến về du lịch ẩm thực trên các phương tiện truyền thông đại chúng, tăng cường liên kết vùng giữa các địa phương về du lịch ẩm thực…

Việc nghiên cứu, phát triển đúng hướng, đúng nhu cầu và đúng đối tượng của du lịch trải nghiệm ẩm thực sẽ mở ra hướng đi mới cho ngành du lịch Gia Lai trong việc xây dựng một sản phẩm du lịch mới mẻ, chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế cao.

Phan Ngọc Diệp