
Ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Ảnh: VGP/HT
Lộ trình xóa bỏ trần tín dụng đang từng bước triển khai
Tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 diễn ra ngày 8/7 tại Hà Nội, vấn đề xóa bỏ công cụ trần tín dụng (hay còn gọi là "room" tín dụng) thu hút sự quan tâm lớn. Ông Phạm Chí Quang – Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, cơ chế "room" tín dụng đã được áp dụng nhiều từ năm 2012 nhằm kiểm soát tình trạng tăng trưởng tín dụng quá nóng.
Theo ông Phạm Chí Quang, trong giai đoạn chính sách tiền tệ nới lỏng trước đây, tốc độ tăng trưởng tín dụng từng có năm vượt 54%. Điều này dẫn đến nhiều tổ chức tín dụng đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh khoản, buộc NHNN phải áp dụng các biện pháp hành chính mạnh nhằm xử lý tình trạng cạnh tranh không lành mạnh về lãi suất, từ đó ngăn ngừa rủi ro nợ xấu và bảo đảm an toàn hệ thống.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cũng thẳng thắn nhận định rằng, không có một công cụ điều hành nào là vĩnh viễn. Vì vậy, trong những năm gần đây, NHNN đã bắt đầu điều chỉnh cơ chế cấp tín dụng theo hướng phù hợp hơn với diễn biến thị trường và thông lệ quốc tế.
Từ đầu năm 2024, NHNN đã chuyển sang giao chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) có kiểm soát, thay vì áp dụng đồng loạt như trước. Bước sang năm 2025, chỉ tiêu tín dụng đã được gỡ bỏ hoàn toàn đối với ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tài chính phi ngân hàng. Hiện chỉ còn áp dụng với các ngân hàng thương mại trong nước. Đây được xem là bước đệm quan trọng trong lộ trình tiến tới bãi bỏ hoàn toàn công cụ "room" tín dụng.
"NHNN cần có chính sách điều hành tổng thể, phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam, vừa bảo đảm tính tự chủ trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, vừa kiểm soát hiệu quả lạm phát và duy trì an ninh kinh tế", ông Phạm Chí Quang khẳng định.
Theo các khuyến nghị quốc tế, về lý thuyết, việc loại bỏ trần tín dụng có thể khiến dư nợ toàn hệ thống tăng nhanh hơn, khi đó, lãi suất có thể sẽ có lúc chịu áp lực tăng. Do đó, NHNN cần chủ động cao hơn điều hành chính sách lãi suất một cách linh hoạt, đảm bảo hài hòa giữa cung tiền, lãi suất và tỷ giá.
"Trong thời gian tới, NHNN sẽ báo cáo Chính phủ về lộ trình bãi bỏ hoàn toàn công cụ này, trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng tác động đối với ổn định kinh tế vĩ mô và mục tiêu kiểm soát lạm phát", ông Phạm Chí Quang nói.
Ngân hàng thương mại sẵn sàng
Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, tính đến cuối tháng 6/2025, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỉ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024. Đây là mức tăng trưởng đáng chú ý, gần gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 được đặt ra ở mức 16%, song NHNN khẳng định đây không phải là "mức trần cố định". Tùy vào khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và diễn biến lạm phát, cơ quan này sẽ tiếp tục điều chỉnh chỉ tiêu trong năm nhằm bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô.
Dưới góc độ ngân hàng thương mại, ông Lê Thanh Tùng – Ủy viên Hội đồng quản trị VietinBank chia sẻ, cơ chế "room" tín dụng đã phát huy tác dụng trong giai đoạn trước, giúp NHNN ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, theo ông Tùng, việc chuyển từ công cụ hành chính sang điều hành theo thị trường là xu hướng tất yếu.
Hiện NHNN đã có trong tay nhiều công cụ theo chuẩn quốc tế như Basel II. Cụ thể, Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn; Thông tư 13/2018/TT-NHNN về hệ thống kiểm soát nội bộ; Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng… Các quy định này giúp giám sát hiệu quả thanh khoản và rủi ro.
"Với chỉ đạo của Chính phủ cũng như việc NHNN đang tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh để tiệm cận chuẩn mực quốc tế là bước tiến lớn. Các ngân hàng thương mại hoàn toàn sẵn sàng tuân thủ quy định mới", ông Lê Thành Tùng khẳng định.
Trước đó, tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 3/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát đi thông điệp cải cách rất đáng chú ý. Đó là, yêu cầu NHNN khẩn trương gỡ bỏ công cụ hành chính trong điều hành tín dụng – cụ thể là chấm dứt việc giao chỉ tiêu (room) tín dụng cho từng ngân hàng thương mại.
Chỉ đạo này không chỉ phản ánh tinh thần cải cách quyết liệt, mà còn phù hợp với định hướng đã được nêu rõ trong Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 (Quyết định 986/QĐ-TTg), hướng tới xây dựng một hệ thống ngân hàng hiện đại, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng XHCN, cạnh tranh công bằng và minh bạch.
Thực tế, việc duy trì room tín dụng là không còn phù hợp khi ngành ngân hàng đã áp dụng chuẩn Basel II, nhiều ngân hàng tuân thủ hệ số an toàn vốn (CAR), giới hạn tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR)… Trong khi đó, room tín dụng lại là công cụ hành chính cứng nhắc, khiến thị trường tín dụng bị "trói tay", kìm hãm năng lực tự điều tiết của các ngân hàng.
Để thay thế công cụ hành chính này, NHNN có thể vận hành một loạt biện pháp thị trường. Chẳng hạn, hệ số CAR sẽ buộc ngân hàng phải tăng vốn khi muốn đẩy mạnh tín dụng vào các lĩnh vực rủi ro; công cụ dự trữ bắt buộc có thể điều tiết tổng phương tiện thanh toán; còn nghiệp vụ thị trường mở (OMO) cho phép linh hoạt bơm/hút vốn ngắn hạn mà không cần biện pháp mệnh lệnh.
Các chuyên gia nhận định, đây là thời điểm thích hợp để NHNN thực hiện chuyển đổi, khi các ngân hàng đã "trưởng thành" hơn về năng lực quản trị rủi ro. Việc bỏ room tín dụng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ sẽ giúp tăng tính cạnh tranh, tự chủ và minh bạch cho hệ thống ngân hàng, đồng thời bảo đảm mục tiêu kiểm soát tín dụng thông qua các tiêu chí tài chính cụ thể, thay vì mệnh lệnh hành chính.
Anh Minh