Tâp trung tuyên truyền các nhiệm vụ trọng tâm
Với chủ đề “Tăng cường đánh giá, nhận diện nguy cơ, rủi ro và chủ động triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc”, Tháng hành động năm nay không chỉ hướng tới mục tiêu giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà còn nâng cao ý thức chấp hành các quy định pháp luật liên quan đến phòng chống cháy nổ trong lao động, sản xuất và sinh hoạt.

Trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội ngày càng phát triển và hội nhập sâu rộng, yêu cầu về một môi trường lao động an toàn, lành mạnh càng trở nên cấp thiết. Thực tiễn cho thấy, việc chủ quan, lơ là trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động và PCCC có thể để lại hậu quả nghiêm trọng không chỉ về người và tài sản mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và toàn xã hội.
Tổ địa bàn PCCC&CNCH quận Thanh Xuân đã chủ động xây dựng các khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác an toàn, vệ sinh lao động và PCCC.
Theo đó, Tổ địa bàn PCCC&CNCH quận Thanh Xuân yêu cầu các đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm quy định pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, bố trí môi trường làm việc an toàn, trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, đồng thời tổ chức huấn luyện phòng chống cháy nổ cho người lao động; Nâng cao vai trò giám sát và tự giác chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động của mỗi cá nhân người lao động;
Bên cạnh đó, tập trung tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện và xử lý các nguy cơ gây mất an toàn, các vi phạm trong việc sử dụng máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; Tuyên truyền đến từng cụm dân cư, cơ sở, hộ kinh doanh về các biện pháp phòng cháy tại nhà và nơi làm việc, kỹ năng xử lý khi có sự cố xảy ra.
Cùng với đó là các khẩu hiệu tuyên truyền thiết thực, dễ nhớ:
1. Nhiệt liệt hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2025!
2. Chủ động phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động và cháy nổ - Vì sức khỏe và tính mạng người lao động!
3. Tuân thủ nội quy, quy trình làm việc an toàn - Bảo vệ bản thân, gia đình và doanh nghiệp!
4. An toàn lao động là hạnh phúc của mỗi gia đình!
5. Tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động - Làm việc an toàn, vững bước tương lai!
Trách nhiệm của mỗi chủ thể - Nền tảng cho sự an toàn bền vững
Theo đó, người sử dụng lao động cần thực hiện nghiêm các quy định như: xây dựng nội quy an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, đầu tư cải thiện điều kiện sản xuất, tổ chức khám sức khỏe định kỳ, bố trí công việc phù hợp với sức khỏe người lao động và đảm bảo đầy đủ phương tiện, thiết bị phòng hộ cá nhân.
Về phía người lao động, cần tuyệt đối tuân thủ nội quy an toàn, chủ động phát hiện và báo cáo các yếu tố nguy hiểm, sẵn sàng phối hợp xử lý khi có tình huống khẩn cấp. Tính kỷ luật, tinh thần trách nhiệm và sự hiểu biết của người lao động chính là tuyến phòng thủ đầu tiên trong công tác phòng ngừa tai nạn lao động và cháy nổ.
Không chỉ dừng lại ở các hoạt động trong Tháng hành động, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục duy trì nền nếp công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, lồng ghép nội dung tuyên truyền phòng chống cháy nổ trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, huấn luyện định kỳ. Đồng thời, chú trọng đánh giá, kiểm soát nguy cơ rủi ro, cải thiện môi trường làm việc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người lao động, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và xã hội.