Bộ GD&ĐT đã có thông tin về công tác đăng ký dự thi trực tuyến kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Cụ thể tính đến 17h00 ngày 28/04, tổng số đăng ký dự thi: 1.165.289 em. Với 1.122.507 (chiếm 96,33%) thí sinh lớp 12 thuộc Chương trình GDPT 2018.
Số thí sinh tự do là 42.782 (chiếm 3,67%), trong đó có 16.072 (chiếm 1,38%) thí sinh tự do Chương trình GDPT 2018. Thí sinh tự do Chương trình GDPT 2006: là 26.711 em (chiếm 2,29%).
Năm nay, thí sinh thi bắt buộc 2 môn, gồm: Ngữ văn, Toán và 2 môn tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12, gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, công nghệ.
Trong đó, môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm. Kỳ thi được tổ chức trên toàn quốc theo cách thức chung đề, chung đợt thi, cùng thời gian theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Năm nay lần đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018 được diễn ra (Ảnh: Hữu Thắng).
Đối với điểm cộng của thí sinh, Bộ GD&ĐT đánh giá bên cạnh thực trạng có thể mất công bằng trong tuyển sinh do lạm dụng xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ, việc quy định tổng điểm cộng (điểm cộng, điểm thưởng, điểm khuyến khích) đối với các thành tích, các chứng chỉ khác nhau của thí sinh quá lớn cũng có thể dẫn tới mất công bằng với các thí sinh không có điểm cộng cùng xét tuyển.
Vì vậy, Quy chế năm nay đưa ra giới hạn tổng điểm cộng không vượt quá 10% mức điểm tối đa của thang điểm xét (ví dụ với thang điểm 30, tối đa là 3 điểm) để tạo cơ hội công bằng hơn trong xét tuyển.
Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo vẫn có điểm cộng dựa trên đặc thù của cơ sở đào tạo, của yêu cầu đầu vào và khai thác tối đa thế mạnh riêng của thí sinh. Mỗi thí sinh đều có cơ hội đạt mức điểm tối đa của thang điểm xét nhưng không có thí sinh nào có điểm xét (tất cả các loại điểm cộng, điểm ưu tiên) vượt quá mức điểm tối đa này.