Khan hiếm xăng dầu: Giải pháp nào “hạ nhiệt” thị trường?

Hoàng Huyền
Trước thực trạng nhiều cây xăng, cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành bán cầm chừng, nhỏ giọt với lý do không nhập được xăng dầu, khiến nguồn cung thị trường khan hiếm cục bộ, Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành đã nhanh chóng vào cuộc.

khan-hiem-xang-daugiai-phap-nao-ha-nhiet-thi-truong-dulichgiaitri-thi-truong-1667985078.jpg

Cửa hàng bán lẻ xăng dầu số 48 Thanh Nhàn trưa ngày 1/11/2022 đề biển “đang nhập hàng, không đi lối này”

Hà Nội: Cửa hàng xăng dầu hết cục bộ

Ghi nhận của phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô, những ngày qua, tình trạng người dân không mua được xăng hay phải xếp hàng chờ đợi lâu mới được mua, thậm chí là mua với số tiền mặc định như 50.000 đồng với xe máy, 500.000 đồng với ô tô, diễn ra ở một vài cửa hàng xăng dầu trên địa bàn Hà Nội khiến người dân vô cùng bức xúc.

Bà Lê Vân Anh, ở quận Tây Hồ cho biết: “Chiều tối ngày 4/11, tôi vào cửa hàng xăng dầu Thuỵ Khuê để mua nhưng thấy nhân viên ngồi chơi, tôi đành đi về. Sáng 5/11, tôi ngại xếp hàng chờ nên đã đổ tạm 2 lít xăng ở đầu phố Yên Phụ với giá 70.000 đồng. Chưa bao giờ, tôi lại thấy cảnh thiếu xăng dầu như hiện nay”.

Thông tin về vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 4/11, trên địa bàn thành phố có 8 cửa hàng hết xăng cục bộ. Ngày 5/11, lượng xăng vận chuyển về Hà Nội vẫn diễn ra bình thường. Sở Công Thương đã gửi công văn cho Sở Giao thông Vận tải cấp phép cho 114 xe chở xăng dầu hoạt động 24/24 giờ, để cung cấp xăng cho các cửa hàng. Hiện Thành phố vẫn đang bảo đảm ở mức cao nhất nhu cầu cho người dân trong việc mua xăng dầu.

Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn Hà Nội bình quân 1 tháng khoảng 146.500m3; trong đó nhu cầu xăng khoảng 97.500m3, dầu khoảng 48.750m3. Tuy nhiên, từ tháng 8/2022 đến nay, nhu cầu xăng dầu tăng đột biến, trung bình tăng 20%, tương đương 175.800m3/tháng, một số cửa hàng tăng hơn 30%. Hiện nay, 73% nguồn hàng xăng dầu cung cấp cho thị trường Hà Nội là từ các doanh nghiệp (DN) đầu mối và công ty thành viên, 27% nguồn hàng từ những thương nhân phân phối.

Qua kiểm tra, khảo sát, hiện mạng lưới cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Hà Nội có 493 cửa hàng, trong đó có 20 cửa hàng xăng dầu đang ngừng hoạt động kinh doanh với lý do là hết hợp đồng thuê mặt bằng, đang trong quá trình chuyển giao cho đơn vị khác, đang giải quyết tranh chấp… không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Nguyên nhân khiến lượng tiêu thụ xăng dầu trên địa bàn Hà Nội tăng đột biến là do ngoài phục vụ hơn 10,3 triệu người dân Thủ đô, còn phải đáp ứng thêm khách hàng ở các tỉnh, thành phố lân cận về mua. Điều này gây áp lực rất lớn lên công tác chỉ đạo, điều hành và chuẩn bị nguồn lực của các (DN) kinh doanh xǎng dầu những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán 2023 (dự báo nhu cầu tăng từ 10 - 20%, chưa kể tăng đột biến). Bên cạnh đó, tình trạng thiếu xăng cục bộ tại một số cửa hàng bán lẻ còn do một số cửa hàng trong khu vực nội thành có dung lượng bể chứa nhỏ, nguồn dự trữ xăng dầu ít mà nhu cầu tăng cao. Các thương nhân phân phối xăng dầu gặp khó khăn trong quá trình lấy hàng từ kho, có thời điểm 400 xe/ngày tập trung lấy hàng tại kho nhưng vẫn không đủ cung ứng.

Nhận biết tình hình trên, ngày 3/11, Sở Công Thương Hà Nội đã kiểm tra hoạt động dự trữ, kinh doanh tại một số cửa hàng xăng dầu trên địa bàn. Qua đó, yêu cầu các DN phải có phương án bảo đảm, duy trì nguồn cung trong hệ thống, tăng cường lượng dự trữ tại các kho, bể chứa; các cửa hàng bán lẻ không được có hành vi đầu cơ, găm hàng, đóng cửa không bán hàng không có lý do và chưa được sự chấp thuận của Sở.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, ngày 4/11, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 3694/UBND-KTN về việc thực hiện Công điện số 1039/CĐ-TTg ngày 2/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. UBND Thành phố giao Sở Công Thương thường xuyên nắm bắt tình hình nguồn cung xăng dầu của các DN đầu mối và thương nhân phân phối, rà soát, tổng hợp các vấn đề vướng mắc phát sinh, báo cáo đề xuất UBND thành phố có phương án điều tiết hợp lý, kịp thời.

Nhiều giải pháp gỡ khó

Vấn đề xăng dầu cũng nhanh chóng được các đại biểu Quốc hội chất vấn người đứng đầu Bộ Công Thương tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV đang diễn ra. Sáng ngày 5/11, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong việc điều hành thị trường xăng dầu thời gian qua. Theo ông, thị trường xăng dầu trong nước liên thông với thị trường thế giới và giá thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Tuy nhiên, việc điều hành giá xăng dầu trong nước thực hiện theo Nghị định 95/2021/NQ-CP của Chính phủ đang cho thấy nhiều bất cập. Nghị định 95 quy định căn cứ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước là lấy giá bình quân 10 ngày liên tiếp của kỳ điều chỉnh giá trước, tính toán cho lần điều chỉnh sau là có độ sai lệch so với diễn biến giá dầu thế giới. Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, việc để thị trường xăng dầu hỗn loạn, khó kiểm soát như hiện nay có vai trò cấp giấy phép tràn lan cho quá nhiều đầu mối kinh doanh xăng dầu. Đến nay, theo thống kê, Bộ Công Thương đã cấp phép tràn lan tới 36 đầu mối xuất nhập khẩu xăng dầu với hơn 330 thương nhân phân phối xăng dầu dẫn đến hệ lụy khó quản lý.

Giải trình chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Trí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, hiện các quy định về kinh doanh xăng dầu đang thực hiện theo Nghị định 95, thay thế Nghị định 83 trước đây, quy định là 10 ngày/lần điều chỉnh giá xăng dầu và căn cứ điều chỉnh là tính giá bình quân 10 ngày trước của thị trường thế giới để tính toán điều chỉnh giá xăng dầu cho chu kỳ 10 ngày kế tiếp. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thừa nhận, đó là trong những lúc bình thường. Còn hiện nay, với thị trường xăng dầu thế giới biến động khó lường, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, phải coi thị trường xăng dầu là rất dị biệt, thì Nghị định 95 đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết cần điều chỉnh. Chính phủ cũng đã nhận thấy điều này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu sửa Nghị định 95 cho phù hợp với thực tiễn.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, hiện nay, hệ thống kinh doanh xăng, dầu đang rất đa tầng nấc, và vì vậy sẽ rất rối trong những tình huống như thế này. Nhiều tầng nấc thì cũng sẽ bị tăng chi phí và tất cả đều cộng vào giá bán lẻ. Vì vậy, tới đây phải sắp xếp lại hệ thống từ doanh nghiệp đầu mối đến đại lý, cửa hàng bán lẻ, để giảm được tầng nấc. Việc điều hành theo ngày cũng là hướng chỉ đạo của Chính phủ, Bộ sẽ nghiên cứu làm sao chỉ đạo sát hơn, nếu 10 ngày không phù hợp thì có thể rút xuống 5 ngày, thậm chí nếu lấy ý kiến rộng rãi người dân và các đối tượng chịu sự tác động mà điều chỉnh theo ngày là ý kiến đa số thì sẽ nghiên cứu để tham mưu cho cấp có thẩm quyền.

Chiều ngày 4/11, Bộ Tài chính đã có phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu về Việt Nam để lấy ý kiến Bộ Công Thương; Bộ Công Thương đã đồng thuận. Nếu không có gì thay đổi lớn, trong kỳ điều chỉnh ngày 11/11, các chi phí sẽ được cập nhật. Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các Ngân hàng thương mại xem xét cụ thể những DN đang gặp khó khăn về vốn, bảo lãnh và hỗ trợ thanh toán. Tổng cục QLTT tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm. Hy vọng những ngày tới, thị trường xăng dầu sớm được giải quyết.

HOÀNG NGUYÊN