Kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam quý I/2024 tăng mạnh

Admin
Quý I/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 600 nghìn tấn cà phê đi các thị trường đạt kim ngạch 1,93 tỷ USD, tăng mạnh 57,3% chủ yếu nhờ giá cà phê tăng.

Thông tin từ Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) cho biết, trong tháng 3 năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 185.281 tấn cà phê với kim ngạch khoảng 680,86 triệu USD. So với cùng kỳ, giảm 11,9% về lượng nhưng tăng 41,1% về giá trị.

Tính chung 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu khoảng 579.449 tấn cà phê, kim ngạch xuất khẩu khoảng 1,93 tỷ USD. Mặc dù lượng chỉ tăng 4,9% nhưng giá trị tăng mạnh 57,3% so với cùng kỳ nhờ giá xuất khẩu tăng cao.

Kinh tế - Kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam quý I/2024 tăng mạnh

Nhiều chuyên gia nhìn nhận khả quan về mục tiêu xuất khẩu cà phê 5 tỷ USD trong năm nay - Ảnh minh họa

Theo thông tin trên báo Chính phủ, ghi nhận từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá Robusta hợp đồng tháng một kết phiên 16/1 ở mức 3.435 USD/tấn, thiết lập mức đỉnh mới trong 28 năm. Cùng với đó, giá cà phê nhân xô tại Việt Nam cũng xác lập kỷ lục với mức giá hiện đã vượt mốc 72.000 đồng/kg.

Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Intimex Group, đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng một phần nhờ giá bán cao kỷ lục, chạm mốc 100.000 đồng/kg trong những ngày gần đây. Với diễn biến hiện tại, mục tiêu xuất khẩu cà phê 5 tỷ USD trong năm nay là không khó.

Báo Công thương đưa tin, theo VICOFA, trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê Robusta nhiều nhất với 515.164 tấn, kim ngạch trên 1,57 tỷ USD; còn cà phê nhân Arabica chỉ xuất khẩu 16,474 tấn, kim ngạch trên 69,27 triệu USD.

Thống kê từ VICOFA cho thấy, Công ty Vĩnh Hiệp, Simexco Daklak, Louis Dreyfus Company Việt Nam, Tuấn Lộc Commodities, Intimex Group, Intimex Mỹ Phước, NKG Việt Nam, Phúc Sinh, Olam Việt Nam, và Mascopex là những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê nhân sống hàng đầu.

Ở mảng cà phê rang xay và hòa tan ghi nhận xuất khẩu khoảng 35.853 tấn, kim ngạch trên 246,41 triệu USD.

VICOFA cũng cho biết, trong 3 tháng đầu năm nay, châu Âu là thị trường nhập khẩu khoảng cà phê nhân của Việt Nam nhiều nhất với 278.718 tấn (chiếm 51,3%), trong đó Đức dẫn đầu với khối lượng 69.924 tấn, Italy thứ 2 với 63.952 tấn, Tây Ban Nha thứ 3 với 43.287 tấn…

Kinh tế - Kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam quý I/2024 tăng mạnh (Hình 2).

Xuất khẩu tăng mạnh về giá trị tạo động lực nâng giá cà phê nội địa lên cao, cải thiện đời sống của người trồng cà phê. Ảnh minh họa từ internet 

Với kết quả xuất khẩu trong 3 tháng đầu năm nay, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch VICOFA- cho rằng, đây cũng là mức cao nhất trong những năm qua và mức tăng này là nhờ giá cà phê.
Cụ thể, theo ông Hải, trong niên vụ cà phê 2023-2024 và đặc biệt là năm 2024, giá cà phê đã lên mức cao nhất trong tất cả các năm. Hiện mỗi tấn cà phê xuất khẩu có giá trên dưới 4.000 USD.

“Trong rất nhiều năm, giá cà phê luôn ở mức thấp, chỉ ngang hoặc thấp hơn giá thành, nhưng riêng năm 2024 cũng như niên vụ 2023-2024 giá cà phê đã tăng rất mạnh”- ông Hải nói.

Theo các chuyên gia, với tình hình giá thị trường như hiện nay, thì kim ngạch xuất khẩu 5 tỷ USD của ngành cà phê trong năm 2024 chắc chắn đạt được. Tuy nhiên, việc quan trọng là phải xây dựng ngành này phát triển một cách bền vững.

Để giữ vững được kết quả này, ông Hải cho biết, Việt Nam cần phát triển cà phê bền vững từ sản xuất đến chế biến đến xuất khẩu. Đặc biệt là phải tạo ra mối liên hệ giữa doanh nghiệp và người nông dân để xây dựng được các vùng cà phê đạt chất lượng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, phải đáp ứng các quy định của châu Âu về chống phá rừng và gây suy thoái rừng có hiệu lực từ tháng 6/2023 để thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên.

Ông Gruber Alexander Lukas, đại diện thương hiệu Alambe' Finest Vietnamese Coffee, cho rằng Việt Nam nên "cá nhân hóa" mặt hàng cà phê. Cà phê Việt Nam nổi tiếng với số lượng lớn, giá thấp. Hương vị cà phê Việt đang được thế giới ưa chuộng.
Do đó, Việt Nam cần đầu tư xây dựng thương hiệu, tạo nên chất lượng độc đáo, phân loại cà phê thành các phân khúc khác nhau để xuất khẩu.
Việc hỗ trợ nông dân, tạo liên kết bền vững để phát triển ngành hàng cà phê đang được coi là một trong những chìa khóa để đưa các sản phẩm cà phê Việt nâng cao giá trị hơn nữa.

KHÁNH LINH (t/h)