Liên Hợp Quốc đồng hành cùng Việt Nam trong bảo đảm an toàn giao thông

Admin
(Chinhphu.vn) - Đại diện từ phía cơ quan Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới đã đưa ra các cam kết tiếp tục đồng hành hỗ trợ Việt Nam cải thiện tình hình giao thông, bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em, giảm thiểu tai nạn giao thông, thực hiện tăng trưởng xanh và chuyển đổi số…
Liên Hợp Quốc đồng hành cùng Việt Nam trong bảo đảm an toàn giao thông- Ảnh 1.

Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành chủ trì buổi làm việc - Ảnh: VGP/PT

Ngày 25/4, trong chuyến thăm, làm việc tại Việt Nam, ông Jean Todt, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về an toàn giao thông đường bộ đã làm việc với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các cơ quan liên quan, trao đổi giải pháp phối hợp nhằm nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành chủ trì buổi làm việc.

Liên Hợp Quốc cam kết hỗ trợ Việt Nam đạt mục tiêu đề ra

Thông tin về tình hình tai nạn giao thông toàn cầu, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về an toàn giao thông đường bộ Jean Todt cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,19 triệu người tử vong do tai nạn giao thông đường bộ và khoảng 50 triệu người bị thương. 

Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho thế hệ trẻ từ 15 - 29 tuổi. 90% nạn nhân tử vong, bị thương đó là ở những nước đang phát triển. Việc giảm thiểu số người tử vong do tai nạn giao thông và đưa ra các giải pháp để đạt được điều này là mục tiêu hàng đầu của Liên Hợp Quốc.

Từ trải nghiệm của mình trong chuyến công tác lần này, ông Jean Todt cũng chia sẻ, hàng ngày Việt Nam vẫn phải đối mặt với thực tế mất an toàn giao thông. Chẳng hạn, vỉa hè dành cho người đi bộ bị lấn chiếm, người tham gia giao thông bằng xe máy không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ không đạt chuẩn, xe ôtô bị tháo dây đai an toàn…

Theo ông Jean Todt, đội mũ bảo hiểm mà không đạt chất lượng thì "đội cũng như không". Ở Việt Nam có công ty sản xuất mũ bảo hiểm, nhiều mũ bảo hiểm được lưu hành nhưng lại không đạt tiêu chuẩn. Do đó, việc giáo dục và hướng dẫn người dân đội mũ bảo hiểm chất lượng để bảo vệ đầu là rất quan trọng. 

Bên cạnh đó, Việt Nam phải đưa ra hành động thiết thực để giải quyết vấn đề đó và Liên Hợp Quốc cam kết hỗ trợ Việt Nam để có thể đạt được mục tiêu đề ra. 

Dẫn chứng từ đất nước Thụy Sỹ của ông, tỷ suất tử vong do tai nạn giao thông là 2 người/100.000 dân, lái xe quá tốc độ sẽ bị thu giấy phép lái xe, thậm chí bị thu xe, vi phạm lần 2 có thể bị phạt tù, quy định nghiêm ngặt như vậy khiến người dân phải tôn trọng pháp luật, Đặc phái viên Jean Todt nhận định, chế tài của Việt Nam còn nhẹ, "cùng lắm bị phạt tiền". Theo ông, điều quan trọng là thay đổi hành vi, thói quen của người dân.

Ông nêu một số khuyến nghị cho Việt Nam như chú trọng tuyên truyền an toàn giao thông đường bộ cho người đi xe máy, tuyên truyền đội mũ bảo hiểm, giáo dục pháp luật an toàn giao thông cho tuổi trẻ.

Liên Hợp Quốc đồng hành cùng Việt Nam trong bảo đảm an toàn giao thông- Ảnh 2.

Ông Jean Todt, Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về an toàn giao thông đường bộ đã làm việc với Ủy ban An toàn giao thông quốc gia và các cơ quan liên quan, trao đổi giải pháp phối hợp nhằm nâng cao an toàn giao thông tại Việt Nam - Ảnh: VGP/PT

Còn nhiều thách thức

Cảm ơn Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về an toàn giao thông đường bộ đã mang đến những thông điệp Việt Nam rất quan tâm, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Lê Kim Thành cho biết, an toàn giao thông luôn là vấn đề nóng và mang tính toàn cầu, Việt Nam không nằm ngoại lệ. Đặc biệt, với điều kiện giao thông, vận tải của Việt Nam hiện nay, còn nhiều việc phải làm để hướng tới mục tiêu đã cam kết với Liên Hợp Quốc trong Thập kỷ vì an toàn giao thông đường bộ.

Trong thời kỳ đầu tiên thực hiện Thập kỷ vì an toàn giao thông đường bộ (2011-2020), Việt Nam đã được vinh danh là 1 trong 35 quốc gia giảm thiểu tỷ lệ nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông đường bộ/100.000 dân trên 30%. Đây là sự cố gắng của Chính phủ, cả hệ thống chính trị trong nỗ lực giảm thiểu tai nạn giao thông. Trong thập kỷ đó, một trong những hành động thành công là chiến dịch đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe máy.

Năm 2024, Việt Nam đã có những đột phá về thể chế, thể hiện qua việc thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và Luật Đường bộ với nhiều điểm rất tiên tiến, toàn diện, đã có tác dụng rất lớn. Ba tháng đầu năm nay, cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương giảm đáng kể. Bên cạnh tuyên truyền, giáo dục, việc tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm, sử dụng camera để phạt nguội, công bố danh sách người vi phạm phát hiện thông qua hệ thống phạt nguội… đã góp phần thay đổi hành vi của người tham gia giao thông.

Việt Nam cũng đang tập trung phát triển các hệ thống vận tải công cộng và đường sắt. Hà Nội hiện có 1,5 tuyến đường sắt đô thị được khai thác, mang hiệu quả cao, riêng tuyến Cát Linh – Hà Đông đã vận chuyển khoảng 45 - 50 nghìn lượt hành khách/ngày.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Lê Kim Thành cho biết tình hình an toàn giao thông tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức.

Theo thống kê, năm 2024, toàn quốc xảy ra 23.837 vụ tai nạn giao thông làm chết 10.996 người, bị thương 17.705 người. Trong đó, số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông ở nam giới gấp 4 lần nữ giới. Đặc biệt, tai nạn giao thông vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi từ 15 -27 tuổi.

TIN LIÊN QUANBộ Ngoại giao thông tin về các đoàn tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nướcTăng cường triển khai Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộBảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp lễ 30/4Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp lễ 30/4

Ông Thành nhấn mạnh, mô hình giao thông hỗn hợp với tỷ lệ xe máy cao, phương tiện sở hữu cá nhân lớn là những thách thức ảnh hưởng đến an toàn giao thông trong thời gian tới.

"Theo thống kê, tai nạn giao thông liên quan tới nhóm người dưới 18 tuổi chiếm khoảng 7-9% trong các năm gần đây. Trong đó, có 2 độ tuổi được xếp vào nhóm rủi ro cao. Nhóm đầu tiên, dưới 16 tuổi. Đây là nhóm thường được cha mẹ, người lớn chở đi học hoặc tự đạp xe tới trường. Với những em tự đi xe đạp tới trường trong trong môi trường giao thông phức tạp, hỗn hợp mà các em thiếu kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện nên gặp rủi ro rất lớn. Các vụ tai nạn đều rơi vào điểm mù xe tải, va chạm với xe tải, xe khách trên quốc lộ, xe tải lùi làm trẻ em thiệt mạng...", ông Thành thông tin.

Nhóm thứ 2, từ 16-18 tuổi. Ông Thành cho biết đây cũng là nhóm có rủi ro cao. Lý do là bởi trong độ tuổi này, trẻ đã được điều khiển xe đạp điện, xe máy điện và xe máy có dung tích nhỏ hơn 50cc tham gia giao thông không cần có giấy phép lái xe.

"Khảo sát của Đại học Việt Đức tại Hà Nội cho thấy 90% tai nạn giao thông với các em rơi vào nhóm tự đi. Thực chất độ tuổi 15 tuổi 11 tháng và 16 tuổi 1 tháng không có gì khác nhau nhiều về mặt thể chất, tư duy nhưng từ 16 tuổi được điều khiển loại phương tiện có gắn động cơ (

Đặc biệt, ở nhóm từ 18-27, do kinh nghiệm của các em chưa nhiều lại thích thể hiện, bốc đồng nên thường đi với tốc độ cao hơn, có thể vi phạm quy định... Nguy cơ gặp tai nạn giao thông cũng rất cao, tỷ lệ tai nạn giao thông trong nhóm này chiếm đến 18-20%.

Thay đổi hành vi, thói quen của người dân

Tại buổi làm việc, đại diện từ phía cơ quan Liên Hợp Quốc và Tổ chức Y tế thế giới cũng đã đưa ra các cam kết tiếp tục đồng hành hỗ trợ Việt Nam cải thiện tình hình giao thông, bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em, giảm thiểu tai nạn giao thông, thực hiện tăng trưởng xanh và chuyển đổi số…

Ông Lê Kim Thành cũng đề nghị Liên Hợp Quốc hỗ trợ kỹ thuật về xây dựng khung chương trình và các tài liệu đào tạo, huấn luyện kỹ năng cơ bản cho trẻ em các lứa tuổi; tuyên truyền các quy định mới về nâng cao an toàn giao thông trong hai luật (thiết bị an toàn trên xe ô-tô đối với trẻ em-CRS, xe chở học sinh....). 

Đồng thời, hỗ trợ hoàn thiện các thể chế (tốc độ lưu thông phương tiện ở khu vực cổng trường, tổ chức giao thông,...), triển khai các chương trình giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông. Cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, hai bên tin tưởng Việt Nam sẽ triển khai các giải pháp hiệu quả, nhằm hoàn thành mục tiêu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên phạm vi cả nước.

Phan Trang