Miền Trung chủ động phòng ngừa bệnh COVID-19

Admin
(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh giao mùa và cao điểm của mùa du lịch hè, các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Huế đã chủ động tái kích hoạt hệ thống phòng chống COVID-19, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó để bảo vệ cộng đồng.
Miền Trung chủ động phòng ngừa bệnh COVID-19- Ảnh 1.

Người dân đăng ký khám, chữa bệnh tại Trung tâm y tế quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Minh Trang

Theo Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, TP. Đà Nẵng ghi nhận 13 ca mắc COVID-19, trong đó có 12 ca phát hiện trong 4 ngày 19-22/5. Dù chưa xuất hiện ổ dịch hay ca bệnh nặng, ngành y tế Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp phòng chống, sẵn sàng ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch.

Ông Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết các trung tâm y tế quận, huyện được yêu cầu giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, đánh giá nguy cơ và thực hiện các biện pháp ứng phó phù hợp. Các lực lượng cơ sở như cộng tác viên y tế, tổ dân phố, đoàn thể địa phương được huy động để đẩy mạnh truyền thông, phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ, bảo đảm kiểm soát hiệu quả tại cộng đồng.

Ngành y tế cũng tăng cường giám sát chủ động, theo dõi các trường hợp viêm phổi nặng nghi do virus, kiểm tra việc thực hiện phòng dịch tại các cơ sở, doanh nghiệp, dịch vụ trên địa bàn. Các cơ sở khám chữa bệnh có trách nhiệm báo cáo đầy đủ ca mắc lên Hệ thống giám sát dịch bệnh.

CDC Đà Nẵng cập nhật thường xuyên thông tin và khuyến cáo phòng dịch trên fanpage "CDC Đà Nẵng - cộng đồng phòng chống dịch", khuyến khích người dân đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, hạn chế tụ tập đông người, theo dõi sức khỏe và đến cơ sở y tế khi có triệu chứng như sốt, ho, khó thở.

Sở Y tế Thành phố cũng yêu cầu các đơn vị theo dõi diễn biến dịch trong và ngoài nước, chuẩn bị sẵn sàng các phương án điều trị, đảm bảo đầy đủ vật tư, thuốc men, nhân lực và trang thiết bị y tế. Trong thời gian cao điểm du lịch Hè, nguy cơ gia tăng ca mắc là hiện hữu, vì vậy việc chủ động phòng dịch là yêu cầu cấp thiết.

*Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Khánh Hòa, từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh Khánh Hòa đã ghi nhận 12 ca mắc COVID-19, với triệu chứng chủ yếu là ho, sốt nhẹ, đau họng và mệt mỏi. Tất cả các trường hợp đều đã hồi phục hoàn toàn.

Dù số ca bệnh không lớn, nhưng trong bối cảnh thời tiết giao mùa và mật độ du lịch tăng cao, ngành y tế Khánh Hòa đã chủ động xây dựng hai phương án ứng phó rõ ràng nhằm kịp thời kiểm soát tình hình.

Theo CDC Khánh Hòa, phương án thứ nhất được áp dụng trong tình huống xuất hiện rải rác các ca bệnh nhẹ trong cộng đồng. Với tình huống này, lực lượng y tế địa phương sẽ lập tức phối hợp với các cơ sở y tế và điểm ghi nhận ca bệnh để tăng cường giám sát dịch tễ, theo dõi sát diễn biến sức khỏe của người bệnh, xử lý nhanh các ca nghi ngờ, không để tạo thành ổ dịch.

Trong phương án thứ hai, khi xuất hiện ổ dịch hoặc số ca bệnh có dấu hiệu gia tăng nhanh, CDC Khánh Hòa sẽ triển khai ngay lực lượng chuyên trách đến hiện trường, thực hiện khoanh vùng, cách ly, dập dịch theo quy trình khẩn cấp. Đồng thời, tất cả các trường hợp mắc bệnh sẽ được cách ly nghiêm ngặt để tránh lây nhiễm chéo trong cộng đồng, bảo vệ nhóm đối tượng dễ tổn thương như người cao tuổi, người mắc bệnh nền, phụ nữ mang thai…

Ngoài việc triển khai hai phương án ứng phó, CDC Khánh Hòa cũng chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn chủ động rà soát, bổ sung vật tư, trang thiết bị y tế, đảm bảo năng lực thu dung, điều trị, nâng cao năng lực cấp cứu – hồi sức tích cực. Công tác truyền thông được đẩy mạnh thông qua các kênh chính thống để hướng dẫn người dân các biện pháp phòng dịch cơ bản, như đeo khẩu trang nơi công cộng, rửa tay sát khuẩn thường xuyên, ăn uống đủ chất và theo dõi sức khỏe chủ động.

TP. Huế chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 mới, nhưng trước diễn biến dịch gia tăng tại một số quốc gia, ngành y tế tỉnh đã nhanh chóng tái kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch bệnh trên toàn tuyến.

Sở Y tế TP. Huế đã tổ chức rà soát lại các cơ sở từng điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là các khu điều trị truyền nhiễm, hệ thống giường bệnh, khu cách ly, oxy y tế… nhằm bảo đảm sẵn sàng vận hành trở lại nếu cần. CDC thành phố cũng chuẩn bị lượng test nhanh, thuốc men và vật tư để chủ động khoanh vùng, cách ly và điều trị khi có ca bệnh xuất hiện.

Tại Trung tâm Y tế quận Thuận Hóa, các biện pháp 2K (khẩu trang – khử khuẩn) đã được áp dụng lại, khu điều trị nội nhi - truyền nhiễm được kích hoạt. Trong khi đó, Trung tâm Y tế huyện Phú Vang chuẩn bị 26 phòng thu dung bệnh truyền nhiễm, sẵn sàng bố trí khu điều trị tạm thời khi cần thiết.

Bệnh viện Trung ương Huế cũng lên kế hoạch ứng phó theo chỉ đạo của Bộ Y tế. Trung tâm Nghiên cứu và Điều trị COVID-19 tại cơ sở 2 đã sẵn sàng tái hoạt động với đầy đủ cơ cấu như trước.

Minh Trang

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tổ chức chiến dịch cao điểm phòng bệnh sốt xuất huyết, COVID-19...Tổ chức chiến dịch cao điểm phòng bệnh sốt xuất huyết, COVID-19...
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Bệnh COVID-19 chưa có biến thể mớiBệnh COVID-19 chưa có biến thể mới