Các quan chức cấp cao của Mỹ và Trung Quốc sẽ đến Geneva, Thụy Sĩ vào cuối tuần này để khởi động lại các cuộc đàm phán thương mại bị đình trệ sau khi Tổng thống Donald Trump công bố thuế quan toàn diện, theo tuyên bố từ cả hai nước.
Các cuộc đàm phán đánh dấu sự tham gia công khai chính thức đầu tiên giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới kể từ khi ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1. Đây có thể là bước đầu tiên hướng tới giải quyết cuộc chiến thương mại đang làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) Jamieson Greer sẽ đại diện cho phía Mỹ tham dự các cuộc đàm phán tại châu Âu, các văn phòng của họ cho biết.
Ông Bessent nói với Fox News rằng hai bên sẽ tổ chức các cuộc họp vào thứ Bảy và Chủ Nhật (ngày 10-11/5) nhằm đặt nền tảng cho các cuộc đàm phán trong tương lai.
"Chúng tôi sẽ thống nhất về những gì chúng tôi sẽ nói đến. Theo tôi, đây sẽ là về việc hạ nhiệt căng thẳng, không phải về thỏa thuận thương mại lớn", ông Bessent cho biết. "Chúng ta phải hạ nhiệt căng thẳng trước khi có thể tiến lên phía trước".
USTR thông báo rằng ông Greer cũng sẽ gặp "người đồng cấp của ông từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa để thảo luận về các vấn đề thương mại".

Cuộc đàm phán đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là bước đầu tiên hướng tới giải quyết cuộc chiến thương mại đang làm gián đoạn nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: Getty Images
Đại diện cho phía Trung Quốc tại cuộc đàm phán sắp tới ở quốc gia vùng Alps là Phó Thủ tướng Hà Lập Phong (He Lifeng), Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo.
"Phó Thủ tướng He, với tư cách là người đứng đầu Trung Quốc về các vấn đề kinh tế và thương mại Trung-Mỹ, sẽ có cuộc họp với người đứng đầu bên phía Mỹ là Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent", Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Gọi các cuộc đàm phán được lên lịch với phía Mỹ là cuộc họp kinh tế-thương mại cấp cao, một phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc lưu ý rằng lập trường của Trung Quốc vẫn nhất quán – nếu buộc phải chiến đấu, Trung Quốc sẽ chiến đấu đến cùng, và đối với các cuộc đàm phán, cánh cửa luôn rộng mở.
Kể từ khi Tổng thống Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1, chính quyền của ông đã áp dụng mức thuế quan mới tổng cộng lên tới 145% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, với một số biện pháp cụ thể theo từng lĩnh vực được áp dụng.
Bắc Kinh đã đáp trả bằng cách áp dụng mức thuế 125% đối với hàng Mỹ vào Trung Quốc, cùng với các biện pháp có mục tiêu hơn, bao gồm hạn chế xuất khẩu đất hiếm.
Các biện pháp trả đũa qua lại đã khiến hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới phải chịu mức thuế cao ngất ngưởng, gây chấn động thị trường tài chính toàn cầu, và được cho là đã khiến thương mại song phương chậm lại đáng kể.
Minh Đức (Theo France24, Xinhua)