
Từ thực tế triển khai, điện mặt trời mái nhà mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí điện năng, mô hình này còn góp phần nâng cao giá trị thương hiệu thông qua hình ảnh doanh nghiệp xanh, thân thiện môi trường - Ảnh minh họa
Tại Diễn đàn "Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả" do VCCI tổ chức chiều 15/5, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách và Chiến lược Trung ương đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của điện mặt trời áp mái trong các KCN. Ông cho rằng đây là một mô hình khả thi, phù hợp với định hướng chuyển đổi năng lượng và cần được thúc đẩy bằng các giải pháp chính sách đồng bộ.
Việt Nam hiện có hơn 380 khu công nghiệp và khoảng 700 cụm công nghiệp đang hoạt động – những "điểm nóng" tiêu thụ điện năng. Theo ông Trung, chỉ tính riêng tiềm năng kỹ thuật từ điện mặt trời áp mái tại các KCN cũng có thể đạt từ 12 đến 20 GWP - tương đương với công suất của hơn 10 nhà máy nhiệt điện than. Không cần mở rộng quỹ đất hay xây mới hạ tầng, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng chính mái nhà xưởng hiện hữu để lắp đặt hệ thống điện mặt trời, một giải pháp phù hợp với mô hình năng lượng phân tán mà Chính phủ đang khuyến khích.
Từ thực tế triển khai, điện mặt trời mái nhà mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí điện năng, mô hình này còn góp phần nâng cao giá trị thương hiệu thông qua hình ảnh doanh nghiệp xanh, thân thiện môi trường. Đặc biệt, việc tự sản xuất và tiêu thụ điện tại chỗ giúp giảm tải cho hệ thống điện quốc gia, nhất là vào các khung giờ cao điểm – một vấn đề ngày càng cấp bách trong bối cảnh phụ tải tăng mạnh.
Xa hơn, điện mặt trời mái nhà còn đóng góp tích cực vào mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP26, cũng như tạo nền tảng cho sự dung hòa giữa tăng trưởng kinh tế nhanh và phát triển bền vững.
Cơ sở chính sách đang dần hoàn thiện
Theo ông Nguyễn Ngọc Trung, trong thời gian qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách quan trọng định hình hướng phát triển năng lượng bền vững. Trong đó, Nghị quyết 55/2020 của Bộ Chính trị, Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2045 (ban hành tháng 3/2024), cùng Quy hoạch Điện VIII và các điều chỉnh dự kiến cập nhật trong năm 2025 là những mốc đáng chú ý, thể hiện rõ quyết tâm chuyển đổi hệ thống năng lượng theo hướng hiện đại, xanh và sạch.
Đặc biệt, Quy hoạch điện VIII điều chỉnh mới nhất đặt ra mục tiêu đến năm 2030, 50% hộ gia đình và tòa nhà công sở sẽ có hệ thống điện mặt trời mái nhà tự cung, tự cấp. Đồng thời, tỉ trọng điện tái tạo trong tổng công suất hệ thống điện dự kiến đạt 25–30% vào năm 2030 và tăng lên 74-75% vào năm 2050 – một mục tiêu đầy tham vọng nhưng khả thi nếu có sự đồng hành từ cả khu vực công và tư.
Đáng chú ý, hai nghị định mới Nghị định 57/2025/NĐ-CP và Nghị định 58/2025/NĐ-CP đang tạo thêm động lực mạnh mẽ cho phát triển điện mặt trời. Nghị định 57 mở ra cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa nhà sản xuất điện tái tạo và khách hàng lớn; trong khi đó, Nghị định 58 mang lại các ưu đãi đầu tư rõ rệt như miễn giảm tiền thuê đất, hỗ trợ lưu trữ điện và thúc đẩy chuyển giao công nghệ.
Những "nút thắt" cần tháo gỡ
Dù có tiềm năng lớn và hành lang chính sách đang mở rộng, ông Trung cũng thẳng thắn chỉ ra một số rào cản khiến việc triển khai điện mặt trời mái nhà tại các KCN còn chậm. Đầu tiên là hành lang pháp lý chưa thực sự đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong các thủ tục đấu nối và vận hành. Chi phí đầu tư ban đầu vẫn là một rào cản lớn, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm tỷ trọng cao tại các khu công nghiệp.
Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật ở nhiều KCN chưa đáp ứng được yêu cầu của điện phân tán; thiết bị đo đếm hai chiều còn thiếu, trong khi nhận thức và kỹ năng của nhiều doanh nghiệp về năng lượng tái tạo vẫn còn hạn chế.
Để giải quyết những tồn tại này, ông Trung đề xuất cần sớm ban hành hướng dẫn chi tiết cho các nghị định mới, đặc biệt là với mô hình tự sản xuất - tự tiêu thụ trong KCN. Song song, cần có chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể như miễn giảm thuế, tín dụng xanh, khấu hao nhanh tài sản đầu tư. Mô hình ESCO - bên thứ ba đầu tư hệ thống và cho thuê lại điện cũng là giải pháp cần được thúc đẩy mạnh.
Về hạ tầng, ông Trung kêu gọi các chủ đầu tư KCN phối hợp với ngành điện để nâng cấp lưới điện, triển khai thiết bị đo đếm thông minh và tạo điều kiện cho hệ thống điện mặt trời hòa lưới hoặc vận hành độc lập. Ngoài ra, việc đào tạo kỹ thuật viên, nâng cao năng lực vận hành hệ thống năng lượng tái tạo cũng cần được đầu tư bài bản. Cuối cùng, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác công – tư và quốc tế nhằm huy động vốn ODA, vốn vay ưu đãi và dòng vốn đầu tư tư nhân để triển khai các dự án một cách quy mô và bền vững.
Doanh nghiệp kiến nghị hỗ trợ về vốnGhi nhận thực tiễn tại các ngành sử dụng điện năng lớn cho thấy nhu cầu chuyển sang điện xanh ngày càng rõ nét.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khẳng định ngành dệt may tiêu thụ điện rất lớn, do đó việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là hết sức cần thiết. Ông cho biết nhiều doanh nghiệp trong ngành bày tỏ mong muốn được hỗ trợ về vốn, vì 93% doanh nghiệp là vừa và nhỏ. Ông cũng đề xuất Nhà nước xem xét các chính sách ưu đãi thuế cho các dự án xanh, đồng thời tăng cường đào tạo nguồn nhân lực để triển khai hệ thống năng lượng tái tạo hiệu quả.
Một vấn đề khác được ông Cẩm chỉ ra là cần có cơ chế để các doanh nghiệp trong KCN có thể tích điện vào giờ cao điểm và bán lại khi thiếu, điều này sẽ giúp ổn định nguồn cung và tối ưu hóa sử dụng năng lượng.
Từ góc độ ngành thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết chi phí điện cho hệ thống cấp đông là rất lớn, khiến nhu cầu sử dụng điện mặt trời mái nhà trở thành ưu tiên hàng đầu. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống và chứng minh hiệu quả rõ rệt qua việc giảm chi phí vận hành. Hơn nữa, việc sử dụng năng lượng xanh còn là "điểm cộng" lớn trong đàm phán với các nhãn hàng quốc tế, những đơn vị ngày càng đặt nặng tiêu chí phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng.
Là nhà sản xuất thiết bị, ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Damsan, cho biết doanh nghiệp của ông đang tham gia toàn bộ chuỗi sản xuất pin mặt trời từ thiết kế, lắp đặt đến vận hành hệ thống áp mái tại các KCN. Tuy nhiên, ông cũng phản ánh việc tiếp cận vốn vẫn là trở ngại lớn. Lãi suất vay trung hạn ở mức 7,5–8% và tâm lý e dè từ phía ngân hàng khiến nhà đầu tư khó mạnh dạn mở rộng quy mô.
Anh Thơ