Ngày 24/5, theo thông tin từ báo Tin tức và Dân tộc, dẫn nguồn từ Đài RT, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố Moskva sẽ sẵn sàng gửi bản dự thảo đề xuất hòa bình cho Ukraine ngay sau khi cuộc trao đổi tù binh mới nhất kết thúc.
Theo ông Lavrov, bản dự thảo đang được hoàn thiện, dựa trên những nội dung đã thống nhất tại cuộc đàm phán ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) diễn ra vào tuần trước giữa hai phái đoàn Nga và Ukraine.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov. (Ảnh: Reuters)
Đài RT nhận định việc chuẩn bị và gửi dự thảo đề xuất hòa bình là một trong hai động thái quan trọng mà Moskva và Kiev đạt được trong cuộc họp ở Istanbul – cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa hai bên tham chiến kể từ năm 2022. Động thái thứ hai chính là cuộc trao đổi tù nhân quy mô lớn với 1.000 người từ mỗi bên – tiến trình đã được bắt đầu từ ngày 13/5. Moskva và Kiev vẫn đang tiếp tục nỗ lực tiến hành các cuộc trao đổi tiếp theo trong cuối tuần này.
Ông Lavrov cho biết, đề xuất hòa bình của Nga sẽ bao gồm các điều kiện để đạt được một thỏa thuận toàn diện, bền vững và lâu dài về giải pháp hòa bình.
"Ngay sau khi trao đổi tù nhân kết thúc, chúng tôi sẽ sẵn sàng gửi dự thảo tài liệu này cho phía Ukraine", Ngoại trưởng Nga nói với các phóng viên vào ngày 23/5, đồng thời cho biết thêm rằng đề xuất này đang được hoàn thiện.
Theo VTC News, trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ông đạt được sự đồng thuận với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng bước tiếp theo trong tiến trình hòa bình nên là xây dựng bản ghi nhớ chung về các nguyên tắc và lộ trình giải quyết xung đột. Từ khi nhậm chức vào tháng 1, ông Trump tích cực thúc đẩy đối thoại trực tiếp giữa Moskva và Kiev.
Tại Istanbul, hai phái đoàn đồng ý nối lại liên lạc sau khi mỗi bên đưa ra bản dự thảo đề xuất của mình. Tuy nhiên, theo ông Lavrov, thời gian cụ thể cho vòng đàm phán tiếp theo vẫn chưa được ấn định.
Theo một số nguồn tin, Ukraine tiếp tục yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức, nhưng Nga từ chối với lý do lo ngại việc tạm dừng giao tranh sẽ bị lợi dụng để Kiev tái vũ trang và củng cố lực lượng. Nga nhấn mạnh họ ưu tiên giải pháp toàn diện giải quyết tận gốc nguyên nhân xung đột thay vì một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời.
Quốc Tiệp (t/h)