
Ngân hàng lớn đồng loạt nâng cảnh báo, bảo vệ khách hàng trước lừa đảo trực tuyến
Mới đây, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) phát đi cảnh báo khẩn về một hình thức mạo danh thương hiệu nhằm chiếm đoạt thông tin cá nhân và tài sản của người dùng. Cụ thể, nhiều khách hàng nhận được tin nhắn giả mạo thông báo "điểm thưởng sắp hết hạn" và được yêu cầu truy cập liên kết lạ để đổi quà.
Kẻ gian gửi tin nhắn SMS mạo danh Vietcombank thông báo điểm thưởng hết hạn và hướng dẫn đổi quà. Trong tin nhắn có chứa đường link bất thường như: vietcomm.top; vieetcom.top; viettcamd.top-vn; viettcad.top; vietcommbank.top…Nếu bấm vào đường link trong tin nhắn, khách hàng sẽ được điều hướng đến trang website giả mạo Vietcombank. Tại đây, chúng yêu cầu khách hàng nhập thông tin cá nhân và thông tin thẻ, mã OTP để nhận hoàn tiền mặt từ điểm tích lũy. Nếu khách hàng nhập thông tin theo yêu cầu, kẻ gian có thể lấy cắp thông tin thẻ, mã OTP để chiếm đoạt tiền từ thẻ của khách hàng.
Vietcombank khẳng định: chương trình VCB Loyalty không quy đổi điểm thưởng sang tiền mặt, chỉ dùng để đổi quà theo chính sách. Ngân hàng không bao giờ yêu cầu cung cấp mã OTP, thông tin thẻ hoặc mật khẩu qua email, tin nhắn hay bất kỳ kênh nào khác
"Không truy cập vào các đường link lạ hoặc quét mã QR không rõ nguồn gốc được gửi qua thư điện tử (email), tin nhắn (SMS) hoặc mạng xã hội. Vietcombank KHÔNG gửi thư điện tử, tin nhắn SMS có chứa đường link tới khách hàng. Khách hàng chỉ liên hệ và nhận thông tin qua các kênh chính thức của Vietcombank, ngoài ra, thực hiện khóa thẻ khẩn cấp nếu phát hiện đã nhập thông tin thẻ vào website giả mạo", Vietcombank lưu ý.
Song song, các ngân hàng lớn đã tích hợp nhiều công cụ cảnh báo ngay trong các ứng dụng giao dịch. Ngày 21/7, Agribank chính thức triển khai AgriNotify trên nền tảng Agribank Plus, cho phép cảnh báo tài khoản có dấu hiệu lừa đảo ngay khi khách hàng nhập số tài khoản người nhận.
Hệ thống đối chiếu dữ liệu cảnh báo do Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng cung cấp với cơ sở dữ liệu nội bộ. Cảnh báo được phân loại ba cấp độ: tài khoản rủi ro cao thuộc danh sách chính thức; tài khoản có dấu hiệu giao dịch bất thường; hoặc tài khoản chưa xác thực, thông tin không khớp cơ sở dữ liệu quốc gia.
Một số ngân hàng cũng triển khai tính năng tương tự khi khách hàng thực hiện chuyển tiền nhanh NAPAS 24/7. Hệ thống tự động phân tích ba yếu tố chính: tên người nhận không khớp dữ liệu quốc gia, tài khoản nằm trong danh sách cảnh báo, hoặc tài khoản có lịch sử giao dịch bất thường, nhận tiền từ nhiều nguồn lạ trong thời gian ngắn. Khi phát hiện, ứng dụng hiển thị cảnh báo ngay trước khi giao dịch được xác nhận, giúp người dùng cân nhắc trước khi chuyển tiền.
Ngoài các giải pháp truyền thống, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa bổ sung tính năng "Khiên thép" trên ứng dụng MBBank. Tính năng này tự động quét và đối chiếu thông tin tài khoản thụ hưởng ngay khi người dùng nhập lệnh chuyển tiền. Nếu phát hiện dữ liệu không khớp dân cư, tài khoản trong danh sách cảnh báo hoặc lịch sử giao dịch nghi vấn, hệ thống lập tức cảnh báo trước khi giao dịch diễn ra.
"Khiên thép" áp dụng cho các giao dịch Napas 24/7, cung cấp cảnh báo thời gian thực mà không gây gián đoạn trải nghiệm... Theo các chuyên gia an ninh tài chính, các giải pháp cảnh báo từ ngân hàng chỉ là một lớp bảo vệ.
Trong thời đại giao dịch số, cảnh giác và chậm lại trước khi xác nhận chuyển tiền là yếu tố then chốt để bảo vệ tài sản. Các cảnh báo từ ứng dụng ngân hàng là công cụ hỗ trợ, nhưng ý thức tự bảo vệ của người dùng vẫn là lá chắn quan trọng nhất trước các chiêu trò lừa đảo công nghệ cao.
Anh Minh