
Sau hơn hai thập kỷ phát triển với không ít thăng trầm, ngành bán hàng đa cấp Việt Nam đang bước vào giai đoạn bước ngoặt khi khái niệm “bán hàng trực tiếp” chính thức được luật hóa.
Tiếp tục đóng đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn 2 ngàn tỷ đồng
Mặc dù số lượng doanh nghiệp được cấp phép hoạt động liên tục giảm trong những năm gần đây, ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam vẫn ghi nhận sự phát triển ổn định, với các chỉ số cơ bản duy trì mức tăng trưởng hợp lý.
Theo Ban Quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp – Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương), tính đến nay, cả nước còn 16 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp, giảm 4 doanh nghiệp so với đầu năm 2024.
Các doanh nghiệp rút khỏi thị trường bao gồm: Công ty TNHH Phong Cách Sống Kim Cương Việt Nam (bị thu hồi giấy phép), Công ty TNHH Người Lái Xe Mặt Trời (tự ngừng hoạt động), cùng hai doanh nghiệp khác do Giấy chứng nhận hết hiệu lực.
Trong năm 2024, ngành đạt tổng doanh thu 16.206 tỷ đồng, với gần 700.000 người tham gia và đóng góp 2.262 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước.
Chia sẻ tại hội nghị tổng kết hoạt động của ngành hàng khu vực miền Nam năm 2024 được tổ chức mới đây tại TPHCM, ông Trịnh Anh Tuấn - Chủ tịch Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) - nhấn mạnh: Năm 2024, hầu hết các doanh nghiệp bán hàng đa cấp đều có lợi nhuận, một số doanh nghiệp thậm chí duy trì được đà tăng trưởng về doanh thu, góp phần tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng tham gia tích cực vào các hoạt động thiện nguyện, đóng góp vào sự phát triển cộng đồng.
Để đạt được những thành quả như trên là kết quả của sự phối hợp đồng bộ và hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước, đặc biệt là vai trò chủ đạo của Bộ Công Thương trong việc điều phối và giám sát hoạt động bán hàng đa cấp, cùng với sự nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng, đặc biệt là Bộ Công Thương và các Sở Công Thương địa phương đã không ngừng nỗ lực xây dựng một khung khổ pháp lý vững chắc nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Khung pháp lý mới: Mở rộng và định danh "bán hàng trực tiếp"
Một bước tiến quan trọng trong công tác hoàn thiện khung pháp lý là việc ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và Nghị định 55/2024/NĐ-CP hướng dẫn thi hành. Đáng chú ý, Luật năm 2023 đã lần đầu tiên định nghĩa rõ ràng khái niệm "bán hàng trực tiếp" và đưa "bán hàng đa cấp" trở thành một phần trong phạm vi khái niệm này.
Cụ thể theo khoản 7 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023, bán hàng trực tiếp được định nghĩa là việc tổ chức, cá nhân kinh doanh chủ động tiếp cận người tiêu dùng, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ để bán, cung cấp cho người tiêu dùng, bao gồm các hình thức:
Thứ nhất là bán hàng tận cửa là hoạt động bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại nơi ở, nơi làm việc của người tiêu dùng;
Thứ hai, bán hàng đa cấp là hoạt động bán hàng hóa thông qua mạng lưới cá nhân tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó cá nhân tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả bán hàng hóa của mình và của cá nhân khác trong mạng lưới;
Thứ ba, bán hàng không tại địa điểm giao dịch thường xuyên là hoạt động giới thiệu, bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ tại các địa điểm không phải là địa điểm bán lẻ sản phẩm, hàng hóa cố định, giới thiệu, cung cấp dịch vụ thường xuyên.
Đây là bước phát triển quan trọng về tư duy lập pháp, khi phạm vi điều chỉnh không chỉ tập trung vào "kết quả giao dịch", mà mở rộng sang cách thức tiếp cận người tiêu dung. Góc nhìn này phù hợp với xu thế pháp lý hiện đại tại EU, Nhật Bản hay Hàn Quốc.
Việc đưa khái niệm "bán hàng trực tiếp" vào luật với ba hình thức cụ thể vào luật đã tạo nên nền tảng pháp lý rõ ràng. Nhờ đó, các cơ quan thực thi pháp luật như quản lý thị trường, UBND các cấp có cơ sở cụ thể để nhận diện và xử lý hiệu quả các hành vi vi phạm. Doanh nghiệp được vận hành trong khuôn khổ minh bạch, đúng chuẩn mực, giảm thiểu rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động. Đồng thời, người tiêu dùng cũng có thể dễ dàng phân biệt giữa các mô hình kinh doanh hợp pháp với các hình thức trá hình, lừa đảo, từ đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của mình.
Bước chuyển mình về pháp lý cũng song hành với nỗ lực tái định vị hình ảnh ngành. Dự kiến, tại Đại hội Hiệp hội Bán hàng đa cấp Việt Nam nhiệm kỳ IV (2025–2030), Ban chấp hành Hiệp hội sẽ tiến hành biểu quyết và trình Bộ Nội vụ xem xét đổi tên thành Hiệp hội Bán hàng Trực tiếp Việt Nam, phản ánh định hướng rõ ràng trong việc xây dựng nhận diện mới, phù hợp với pháp lý đã được luật hóa.
Trên thực tế, bán hàng đa cấp hay nói rộng hơn là bán hàng trực tiếp là mô hình đã được công nhận và bảo vệ tại nhiều quốc gia, đồng thời cũng là một trong các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Trên thế giới, mô hình này có lịch sử hơn 60 năm, phổ biến ở các nước phát triển. Đây là kênh bán lẻ kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng cuối cùng, đồng thời chi trả một phần thu nhập cho hoạt động tiếp thị cá nhân dựa trên hiệu quả kinh doanh thực tế.
Việc lần đầu luật hóa khái niệm "bán hàng trực tiếp" tại Việt Nam không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý mà còn thể hiện rõ bước tiến trong quá trình hội nhập hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Đồng thời, điều này cũng khơi dậy kỳ vọng về một thị trường công bằng, minh bạch, nơi người tiêu dùng được bảo vệ và doanh nghiệp phát triển bền vững được ghi nhận. Qua đó, Việt Nam ngày càng khẳng định vị thế là điểm đến đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.