Người lao động chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng

Admin
Theo UBTVQH, việc khống chế thời gian hưởng (12 tháng) và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa nhằm thúc đẩy người lao động tìm kiếm việc làm, gia nhập lại thị trường lao động thay vì chờ hưởng hết bảo hiểm thất nghiệp.

Sáng 7/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Dự thảo Luật sau khi được rà soát, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn bao gồm 8 chương, 58 Điều (giảm 1 chương và 36 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8).

Ông Vinh cho biết, Dự thảo Luật đã triệt để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp, quy định người lao động phải thông báo về việc tìm kiếm việc làm cho tổ chức dịch vụ việc làm công trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hình thức thông báo do Chính phủ quy định để bảo đảm thuận lợi cho người dân thay vì phải đến trực tiếp tổ chức dịch vụ việc làm công.

Về nội dung trợ cấp thất nghiệp, có ý kiến cho rằng khoản 2 Điều 40 quy định về người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến 12 tháng là chưa phù hợp với Bộ luật Lao động vì Bộ luật Lao động chỉ quy định 2 loại hợp đồng lao động.

Người lao động chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Việc làm sửa đổi (Ảnh: Media Quốc hội).

Theo ông Vinh, tại Điều 40 quy định về điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó, có điều kiện là người lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc chấm dứt làm việc theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, để bảo đảm quyền lợi đối với người lao động chỉ thực hiện những công việc mùa vụ, thời hạn hợp đồng ngắn (thời hạn dưới 12 tháng), thì họ chỉ cần đóng đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động.

"Nội dung này được kế thừa từ quy định hiện hành nhằm duy trì quyền lợi tốt hơn cho người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp không liên tục, vì vậy không mâu thuẫn với quy định về loại hợp đồng lao động tại Điều 20 của Bộ luật Lao động", ông Vinh nêu.

Có ý kiến đề nghị nâng thời hạn nộp hồ sơ từ 3 tháng tại khoản 3 thành 6 tháng để bảo đảm quyền lợi của người lao động khi rơi vào trường hợp doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm thất nghiệp.

Cơ quan soạn thảo cho rằng, quy định thời hạn 3 tháng để có những hỗ trợ kịp thời về trợ cấp để người lao động nhanh chóng ổn định cuộc sống khi không có thu nhập do bị mất việc làm.

Mặt khác, có những hỗ trợ khác về tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề để người lao động có cơ hội tìm được việc làm mới. Thời hạn 3 tháng cũng là phù hợp với thông lệ quốc tế. Do đó, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Người lao động chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng- Ảnh 2.

Luật Việc làm sửa đổi quy định người lao động chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng.

Có ý kiến đề nghị nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp lên mức 70% hoặc 75%. Có ý kiến đề nghị bỏ quy định về thời gian hưởng tối thiểu 3 tháng. Có ý kiến đề nghị bỏ quy định hưởng tối đa không quá 12 tháng và mức trần mức hưởng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, bảo hiểm thất nghiệp là loại hình bảo hiểm ngắn hạn, tính chia sẻ rủi ro cao, việc chi trả trợ cấp thất nghiệp nhằm hỗ trợ một phần thu nhập cho người lao động khi gặp rủi ro về việc làm nên cần khống chế thời gian hưởng và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa để góp phần bảo đảm an toàn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.

"Việc khống chế thời gian hưởng (12 tháng) và mức hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa thúc đẩy người lao động tìm kiếm việc làm, gia nhập lại thị trường lao động thay vì chờ hưởng hết bảo hiểm thất nghiệp", cơ quan soạn thảo chỉ ra.

Còn thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối thiểu là 3 tháng với mức hưởng là 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp (180%) là tương đối phù hợp với các mức trợ cấp thôi việc mà người lao động được nhận khi mất việc làm theo quy định hiện hành, kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới và thông lệ quốc tế. Do đó, xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp có phải đóng thuế thu nhập cá nhân?Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp cao nhất năm 2025 là bao nhiêu?

Có nhiều ý kiến đề nghị bỏ quy định thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng thì không được bảo lưu để tính hưởng trợ cấp thất nghiệp cho lần tiếp theo.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, nội dung này không có trong quy định của Luật hiện hành mà được quy định tại Thông tư số 15 ngày 29/12/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Dự thảo Luật khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã bổ sung nội dung này.

Trên tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng luật, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Có ý kiến cho rằng, trong thời kỳ công nghệ phát triển mạnh, việc người lao động phải trực tiếp đến Trung tâm dịch vụ việc làm, nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, để thông báo về việc tìm kiếm việc làm là không cần thiết.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý theo hướng trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, hằng tháng, người lao động phải thông báo về việc tìm kiếm việc làm cho tổ chức dịch vụ việc làm công nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm linh hoạt, thuận lợi cho người lao động.