Người lao động không được mang sản phẩm chứa 'sibutramine' sang Đài Loan (Trung Quốc)

Admin
(Chinhphu.vn) - Bộ Nội vụ yêu cầu các doanh nghiệp phái cử lao động sang Đài Loan (Trung Quốc) nghiêm túc thực hiện cảnh báo không sử dụng, vận chuyển hoặc gửi các hàng hoá có chứa chất “sibutramine” - một hoạt chất thường có trong các loại thuốc giảm cân, nay đã bị Đài Loan (Trung Quốc) xếp vào danh mục ma túy cấp 4.
Người lao động không được mang sản phẩm chứa 'sibutramine' sang Đài Loan (Trung Quốc)- Ảnh 1.

Người lao động không sử dụng, mang theo hoặc gửi bưu phẩm chứa chất "sibutramine" khi sang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc) - Ảnh minh họa

Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Nội vụ) vừa đưa ra cảnh báo về việc không sử dụng, vận chuyển hoặc gửi các hàng hoá có chứa chất "sibutramine" vào Đài Loan (Trung Quốc).

Theo đó, cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc) đưa ra thông báo về chất "sibutramine" - thường có trong các loại thuốc giảm cân - đã được phía Đài Loan (Trung Quốc) xếp vào danh mục ma túy cấp 4. Các sản phẩm chứa chất này thường được đưa vào Đài Loan thông qua hình thức gửi bưu phẩm từ các nước Đông Nam Á.

Để đảm bảo người lao động không vi phạm pháp luật sở tại, Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp phái cử lao động sang Đài Loan (Trung Quốc) tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người lao động về việc không sử dụng, mang theo hoặc gửi bưu phẩm chứa chất "sibutramine" khi sang làm việc tại Đài Loan. Đồng thời bổ sung nội dung cảnh báo vào chương trình giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh.

Cục Quản lý lao động ngoài nước nhấn mạnh, việc chấp hành nghiêm túc các quy định và hướng dẫn không chỉ là yêu cầu pháp lý, mà còn là biện pháp bảo đảm an toàn cho chính người lao động, tránh những hệ lụy đáng tiếc trong quá trình làm việc ở nước ngoài.

Trong 4 tháng đầu năm 2025, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục là một trong ba thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất của Việt Nam. Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước, đã có 47.881 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2025, đạt 36,8% kế hoạch năm 2025. Trong đó, thị trường Đài Loan (Trung Quốc) tiếp nhận 15.537 lao động, chỉ xếp sau Nhật Bản (24.358 lao động) và cao hơn cả Hàn Quốc (4.242 lao động).

Việc gia tăng số lượng lao động tại Đài Loan đồng nghĩa với việc các rủi ro pháp lý cũng cần được kiểm soát chặt chẽ hơn. Các hành vi tưởng chừng nhỏ như mang theo thuốc giảm cân chứa chất cấm cũng có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng nếu người lao động thiếu hiểu biết hoặc chủ quan.

Điều này cũng đặt ra yêu cầu trách nhiệm cao hơn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, không chỉ trong khâu tuyển chọn, đào tạo, mà còn trong việc cập nhật thường xuyên các quy định pháp lý của nới tiếp nhận.

Cùng với đó, người lao động cần chủ động tiếp nhận thông tin, tìm hiểu kỹ các quy định, tuyệt đối không sử dụng, mua bán hay vận chuyển các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể khiến người lao động phải đối mặt với án phạt nặng nề, thậm chí là trục xuất hoặc án tù.

Thu Giang

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Bộ Ngoại giao thông tin về trường hợp 4 công dân tử vong tại Đài Loan (Trung Quốc)Bộ Ngoại giao thông tin về trường hợp 4 công dân tử vong tại Đài Loan (Trung Quốc)