Người phụ nữ mất 400 triệu sau cuộc điện thoại từ người lạ

Admin
Vì thiếu hiểu biết và nhẹ dạ cả tin, trong phút chốc bà D. đã mất trắng số tiền 400 triệu đồng cả đời tích góp.

Nhẹ dạ cả tin lời người lạ

Thời gian qua, Công an tỉnh Quảng Bình đã liên tục cảnh báo người dân cần cảnh giác, tránh sập bẫy của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng. Tuy nhiên, vì thiếu sự hiểu biết, vẫn có không ít người nhẹ dạ cả tin đã bị các đối tượng dẫn dụ, lừa đảo với số tiền rất lớn.

Cũng như những người đang ở độ tuổi nghỉ hưu, chiếc điện thoại thông minh trở thành "người bạn" thân thiết trong cuộc sống hàng ngày của bà Lê Thị D. trú tại xã Quang Phú, Tp.Đồng Hới. Nhưng không ngờ, cũng chính từ chiếc điện thoại ấy và sự nhẹ dạ cả tin, trong phút chốc bà D. đã mất trắng số tiền 400 triệu đồng cả đời tích góp.

Người phụ nữ mất 400 triệu sau cuộc điện thoại từ người lạ - Ảnh 1.

Vì nhẹ dạ cả tin, không ít người đã mang tiền đi chuyển khoản cho các đối tượng lừa đảo.

Từ một số điện thoại lạ gọi đến, bà D. bàng hoàng khi được thông báo mình liên quan đến vụ án mua bán ma túy xuyên quốc gia. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng lừa đảo qua mạng đã dẫn dụ, đe dọa và yêu cầu bà Lê Thị D. phải hợp tác với cơ quan điều tra do nghi ngờ bà liên quan đến vụ án ma túy.

Đối tượng gọi zalo hình ảnh để xác thực mình là Công an và yêu cầu bà phải tuyệt đối giữ bí mật vì trong quá trình điều tra. Để chứng minh mình không liên quan đến sự việc và tin những thông tin của đối tượng trên là thật nên bà đã chuyển số tiền hơn 400 triệu đồng vào tài khoản do các đối tượng gửi qua tin nhắn.

Bà D. buồn bã kể lại: "Nội dung trao đổi nói tôi có một tài khoản ngân hàng tại Đà Nẵng, có một khoản tiền rất lớn mà nghi có liên quan đến vụ án mua bán ma túy xuyên quốc gia. Sau đó tôi khẳng định mình không có liên quan gì đến và cũng không có tài khoản nào ở Đà Nẵng. Các đối tượng nói kiểm tra tài chính của tôi và thanh tra tài chính để xác minh lại vụ việc".

Trung tá Trần Hải Lưu, Trưởng Công an xã Quang Phú, Tp.Đồng Hới cho biết, đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn khác nhau như lợi dụng lực lượng công an gọi điện kết bạn, sau đó quay hình ảnh của công an để từ đó làm cho người dân lo sợ mình đang bị theo một đường dây phạm tội nào đó. Đối tượng khống chế, lấy được lòng tin của người dân, từ đó đã lừa đảo trót lọt rất nhiều vụ.

Trường hợp bà Trần Thị H. trú Tp.Đồng Hới cũng là một nạn nhân tương tự của chiêu trò lừa đảo tinh vi. Sau khi đặt mua đơn hàng trên mạng, bà H. nhận được yêu cầu của một người tự xưng bên đơn vị giao hàng là phải thanh toán trước khoản dịch vụ giao hàng. Sau khi thanh toán số tiền dịch vụ giao hàng theo yêu cầu, đối tượng thông báo bà chuyển nhầm tài khoản và gửi một đường link rồi yêu cầu bà H. truy cập vào để thanh toán với số tiền từ 80 triệu hoặc 100 triệu đồng.

Không thực hiện theo hướng dẫn của người lạ

Trước đó, bà H.T.L (SN 1957), trú xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cũng bị các đối tượng gọi điện lừa đảo. Sự việc may mắn được ngăn chặn kịp thời.

Theo đó, bà L. bị một nhóm đối tượng giả danh hải quan, công an, viện kiểm sát gọi điện lên kịch bản lừa đảo. Sau vài giờ đồng hồ, bà L. mang 160 triệu đồng tiền mặt (vừa vay cho con trai đi xuất khẩu lao động) đến nhà hàng xóm nhờ chuyển khoản cho đối tượng lừa đảo.

Trong quá trình thao tác chuyển tiền, anh Nguyễn Văn Nam, Tổ trưởng ANTT thôn 2, xã Xuân Trạch ở trong nhà thấy dấu hiệu nghi vấn nên đã ra gặng hỏi. Cùng lúc đó đối tượng lừa đảo gọi điện để thúc giục bà L. chuyển tiền nhanh thì anh Nam đã lấy máy nghe và đối tượng nhanh chóng tắt máy. Hành động kịp thời của anh Nam đã giúp bà L. không bị lừa đảo số tiền lớn trên.

Người phụ nữ mất 400 triệu sau cuộc điện thoại từ người lạ - Ảnh 2.

Các đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại khác nhau để gọi điện, tạo lòng tin cho nạn nhân.

Đây chỉ là 3 trong số những thủ đoạn mà các đối tượng trên không gian mạng lợi dụng để hoạt động lừa đảo và dường như ai cũng có thể trở thành nạn nhân của các đối tượng phạm tội. Đặc biệt, gần đây, lợi dụng một số cơ quan Nhà nước và Bộ Công an đang triển khai một số phần mềm dịch vụ công trực tuyến, đối tượng lừa đảo đã tạo và sử dụng ứng dụng mạo danh các cơ quan Nhà nước… để lừa đảo chiếm quyền sử dụng điện thoại, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.

Từ những sự việc trên, cơ quan chức năng khuyến cáo hiện nay các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội ngày càng tinh vi, người dân cần tuyệt đối cảnh giác, không nghe và thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng lạ.

Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới mọi hình thức hoặc truy cập vào những đường dẫn do đối tượng không rõ danh tính gửi đến. Trong trường hợp trở thành nạn nhân của đối tượng lừa đảo, người dân cần báo cáo ngay với cơ quan Công an để có thể hỗ trợ và giải quyết kịp thời.

ĐỌC THÊMCác thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại: Cách nhận biết và biện pháp ứng phóCách nhận biết cuộc gọi lừa đảo qua điện thoại, nên biết để tránh bị sập bẫy