Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp

Admin
(Chinhphu.vn) - Trong dự thảo dự án luật Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp lần này, Nhà nước thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn góp tại doanh nghiệp, Nhà nước bình đẳng với các nhà đầu tư khác, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp- Ảnh 1.

Phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự án luật Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Nhà nước bình đẳng với các nhà đầu tư khác, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp

Ngày 13/5, kết thúc phiên thảo luận về dự án luật Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp hết sức tâm huyết, trách nhiệm với sự nghiên cứu kỹ lưỡng của các đại biểu Quốc hội đối với dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Bộ trưởng nhấn mạnh trong quá trình chỉnh lý dự thảo, cơ quan soạn thảo đã cố gắng tiếp thu tối đa, cập nhật kịp thời ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Cùng với đó là cập nhật thể chế hóa đầy đủ các định hướng quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước rà soát để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực thi các quyết định của Luật số 69, đảm bảo phù hợp với thực tiễn và tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong dự thảo Luật lần này, Nhà nước thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm tương ứng với tỷ lệ sở hữu vốn góp tại doanh nghiệp, Nhà nước bình đẳng với các nhà đầu tư khác, không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. “Đây là thay đổi căn bản của Luật sửa đổi lần này”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.

TIN LIÊN QUANThể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, Nhà nước về đổi mới, cơ cấu lại và phát triển doanh nghiệpThủ tướng yêu cầu chấn chỉnh kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệpGia tăng tiềm lực cho doanh nghiệp và đất nước từ nền tảng KHCNPhân loại sản phẩm theo mức độ rủi ro để cải cách kiểm tra, giảm gánh nặng cho doanh nghiệpNghị quyết 68 trao niềm tin cho doanh nghiệp tư nhânNghị quyết 68 trao niềm tin cho doanh nghiệp tư nhân

Một nguyên tắc quan trọng của dự thảo là nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh theo cơ chế thị trường bình đẳng hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cắt giảm thủ tục, đáp ứng nhu cầu quản lý và phát triển doanh nghiệp. Các vấn đề cụ thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết đảm bảo linh hoạt phù hợp với thực tiễn và sự biến động phát triển của xã hội.

Trong đó, đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, dự thảo luật đã thực hiện việc phân cấp hết sức mạnh mẽ cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch Công ty tự chịu trách nhiệm về việc huy động vốn bảo toàn và phát triển vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp được chủ động ban hành chiến lược kinh doanh 5 năm, kế hoạch kinh doanh hàng năm của doanh nghiệp; quyết định đầu tư quyết định chính sách tiền lương, thù lao, tiền thưởng; bổ sung quy định về việc cho vay công ty con, công ty con vay vốn; bổ sung quy định xử lý từ lợi nhuận sau thuế đối với chi phí theo quy định của Luật chuyên ngành; chi phí đầu tư thất bại; chi phí thực hiện nhiệm vụ chính trị do cấp có thẩm quyền giao theo quy định của Chính phủ. 

Ngoài ra, nâng mức trích tối đa vào quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp; hoàn thiện quy định về chuyển nhượng vốn đầu tư của doanh nghiệp, cho thuê, thuê mua thế chấp, cầm cố tài sản bán tài sản cố định và bổ sung quy định về chuyển nhượng dự án đầu tư của doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, dự thảo luật cũng đã phân cấp cho người đại diện phần vốn Nhà nước để chủ động quyết định nhiều nội dung theo thẩm quyền; chỉ báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu trước khi tham gia biểu quyết tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên đối với một số nội dung quan trọng.

Bên cạnh việc mở rộng phân cấp, phân quyền, mở rộng tự chủ cho các người đại diện vốn của Nhà nước tham gia vào doanh nghiệp này, Bộ trưởng cũng nêu rõ nhiệm vụ của người đại diện vốn tham gia Hội đồng thành viên cũng sẽ hết sức nặng nề, với các quy định cụ thể trong Nghị định của Chính phủ.

Cụ thể, hằng năm Nhà nước sẽ giao các chỉ tiêu kế hoạch, trên cơ sở đó có khen thưởng và chế tài nếu không hoàn thành nhiệm vụ. Tất cả những việc này đều được cân đong đo đếm bằng những con số cụ thể.

“Phải có thước đo để đánh giá. Có hiệu quả nhưng hiệu quả như thế nào so với lãi suất ngân hàng, so với hiệu quả của các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề lĩnh vực, chứ không phải cứ có lãi có nghĩa là thành tích”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh về việc quản lý đối với các doanh nghiệp mà nhà nước tham gia vốn dưới 50 %, cũng như vai trò của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Theo Bộ trưởng, phải xác định đối với các trường hợp Nhà nước góp vốn dưới 50% thì vai trò của Nhà nước chỉ là vai trò đầu tư tìm kiếm lợi nhuận. Tất cả các doanh nghiệp mà Nhà nước tham gia dưới 50% đều thông qua người đại diện để theo dõi, đánh giá. Nếu hiệu quả thì sẵn sàng tiếp tục góp vốn. Còn nếu không có cơ hội phát triển thì phải thoái vốn.

Hiện nay, rất nhiều nước có những tập đoàn doanh nghiệp của Nhà nước tham gia đầu tư góp vốn vào doanh nghiệp và thành công. Ví dụ như Tập đoàn Temasek của Singapore tham gia vào rất nhiều các tập đoàn, doanh nghiệp hiện nay đang đầu tư vào nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam. Hầu hết các doanh nghiệp lớn của Singapore hoạt động hiệu quả Việt Nam đều có phần vốn của Temasek, đem lại nguồn lợi rất lớn cho chính phủ.

“Nếu như chúng ta quan tâm cân nhắc tham gia góp vốn vào những ngành, lĩnh vực có hiệu quả thì rất thuận lợi. Đây cũng là việc chúng ta cần làm để tăng thu ngân sách cùng với các doanh nghiệp Nhà nước”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Đánh giá, xếp loại doanh nghiệp qua hiệu quả hoạt động đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các quy định về đánh giá, xếp loại doanh nghiệp. Đánh giá doanh nghiệp dựa trên hiệu quả hoạt động tổng thể của doanh nghiệp, có tính đến thực hiện nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh, nhiệm vụ không vì mục tiêu lợi nhuận, việc thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới và tác động của yếu tố khách quan. 

Dự thảo Luật cũng quy định doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ an sinh xã hội, đây là nội dung để đánh giá mức độ hoàn thành của doanh nghiệp trong thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao và trách nhiệm xã hội…

Hải Liên