Tại chương trình giao lưu “Huyền thoại Trường Sơn” do Hội LHPN Hà Nội và Báo Phụ nữ Thủ đô tổ chức ngày 24/4/2025, những cựu chiến binh năm xưa đã tiếp thêm ngọn lửa tự hào dân tộc, lòng yêu nước nồng nàn và sự hy sinh cao cả cho lớp thế hệ trẻ hôm nay.
Khúc khải hoàn ca của “trung đội tóc dài”
Hơn 40 cô gái lái xe Trường Sơn ngày ấy, giờ người còn, người mất. Người còn sống thì tuổi đã cao, sức khoẻ cũng đã yếu, nhưng khi khoác lên mình chiếc áo chiến sĩ, ở họ vẫn toát lên khí chất anh hùng. Đến dự chương trình giao lưu, các cô, các bác đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng những ký ức về một thời thanh xuân đầy nhiệt huyết, tham gia nhiệm vụ tải đạn, lương thực và bộ đội dọc tuyến Bắc -Nam vẫn còn in đậm trong tâm trí.

Chia sẻ tại buổi giao lưu, Trung tá Nguyễn Thị Hòa, nguyên chính trị viên Đại đội, Trưởng ban liên lạc Đại đội nữ lái xe Trường Sơn xúc động kể: Đại đội nữ lái xe Trường Sơn (tiền thân là Trung đội nữ lái xe Nguyễn Thị Hạnh), được thành lập bởi Đảng bộ Đoàn 500 (trực thuộc Bộ Tư lệnh 559) nhằm hỗ trợ cho kho trạm thay cho lái xe nam ra trận. Trong 45 người được lựa chọn đầu tiên, có 40 nữ Thanh niên xung phong tuổi đời từ 18-20 là lái xe và 5 thợ sửa xe. Họ gặp nhau trong khóa huấn luyện cấp tốc 45 ngày ở trường lái xe 255 (nay là trường Trung cấp Kỹ thuật xe – máy Sơn Tây) và trở thành những nữ lái xe chia lửa với đồng đội trên tuyến đường Trường Sơn lịch sử.
Trong suốt thời gian từ khi thành lập đến năm 1973, Trung đội “tóc dài” ấy đã vận chuyển được hàng vạn tấn hàng, hàng trăm ngàn bộ đội, thương binh vào Nam, ra Bắc. Những chuyến hàng không ngại hiểm nguy, ngày đêm lăn bánh dưới đôi tay mềm yếu, nhưng chắc chắn kiên cường không kém gì nam giới. Dù hiểm nguy luôn chờ đón, rình rập, mặc “thần sấm”, “con ma”… của kẻ thù, những chuyến xe có “buồng con gái” vẫn hiên ngang vượt qua mưa bom bão đạn, ghi lại dấu ấn ở những trận chiến cam go nhất của lịch sử, làm chấn động cả tuyến đường Trường Sơn.
Trung tá Nguyễn Thị Hoà cho biết: “Trung đội được thành lập từ đầu năm 1968, thì đến cuối năm, chiến tranh rất ác liệt, các chị nhận lệnh tham gia vào chiến dịch. Mỗi xe có 1 người cầm lái, người nào lái chưa giỏi thì có 2 người trên 1 xe. Chúng tôi ngày nghỉ, đêm đi, băng qua nhiều trọng điểm bắn phá ác liệt, trên đường có rất nhiều hố bom. Chúng tôi phân công nhau, chị em khoẻ thì đi, yếu thì ở nhà làm lốp, làm nhíp. Có những chuyến đi không biết có trở về được không, có những trận đánh trước khi đi nhiều chị em được đơn vị làm lễ truy điệu sống, nhưng ai ai cũng luôn vững lòng, bền gan bởi phía trước là tiền tuyến, phía sau là đồng đội cần được đưa về. Những năm tháng ấy, gian khổ nhưng đầy tự hào…”.

Những chuyến xe chở hàng hóa, lương thực, bộ đội cũng “chở” luôn biết bao kỷ niệm. Các chị trên xe vừa là “thợ lái”, vừa là hộ lý, khiêng cáng thương binh. Có thương binh cụt cả hai đùi, không biết bám vào đâu, buộc phải cõng trên lưng, có ngày đêm không nghỉ, cả đoàn xe đi đêm không còn, không đèn, chỉ nhìn đương bằng đèn gầm qua những nơi trọng điểm bắn phá như Ngã ba Đồng Lộc, vị trí 050, thậm chí xe hỏng giữa đường, các chị lại là “thợ sửa chữa” di động để kịp thời giải phóng cho xe đi.
Hiện nay, Trung tá Nguyễn Thị Hòa vẫn còn giữ lại cuốn sổ liên lạc ghi chép đầy đủ cuộc sống của các đồng đội. Có 3 người đã qua đời, 19 người là thương binh, hai người đơn thân… Đa phần, các đồng đội đều chịu thiệt thòi trong cuộc sống, hiếm hoi lắm mới có người có cuộc sống ổn định, hạnh phúc.
Bà Hoà vẫn nhớ như in câu nói của Đại đội trưởng Phùng Thị Viên trước khi mất: “Đời có thể quên chúng mình, nhưng chúng mình nhất định đừng bao giờ quên nhau, bỏ nhau nhé” khiến các chị cố gắng tìm lại đồng đội. Lần mò khắp các ngõ ngách của Hà Nội, các bà vận động chồng cùng chung tay giúp đỡ, cuối cùng, cũng tìm được đồng đội của mình. Ban Liên lạc Đại đội được thành lập, được sự thăm hỏi hỗ trợ của cá nhân, tập thể. Câu chuyện của nữ chiến sĩ Đại đội nữ lái xe Trường Sơn còn được Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam triển lãm, xuất bản thành sách song ngữ…
Tình yêu “ba khoan” trong mưa bom bão đạn
Trong bão đạn, hạnh phúc nhất vẫn là những cuộc tình nảy nở trong chiến tranh. Chuyện tình của cô lái xe Bùi Thị Vân và anh chiến sỹ lái xe Trường Sơn Nguyễn Trần Đừng cũng bắt nguồn từ một chuyến xe định mệnh. Chia sẻ tại chương trình, bà Vân cho biết, 16 tuổi, bà trốn bố mẹ, tình nguyện đi thanh niên xung phong, có nhiệm vụ làm đường, làm sân bay, san lấp hố bom.
Năm 1968, đơn vị bà chuyển sang bộ đội, lúc đó, bà đã 19 tuổi. Đến trạm 12, trực thuộc Bộ Tư lệnh 559, bà được lựa chọn sang nhận nhiệm vụ lái xe. Bà Vân người nhỏ, xe to, bà ngồi lọt thỏm trong khoang lái. Để lái được xe, bà phải gấp chăn lót xuống nghế rồi cho cao, lấy can xăng 20 lít dựa vào sau lưng để điều khiển được xe.

Trong quá trình lái xe chở thương binh, bà gặp ông Đừng, lúc đó đang bị thương nặng, phải chuyển về điều dưỡng ở Thường Tín. Chuyến xe chở về quân khu điều trị đó, ông Đừng bị thương ở chân khiến bà Vân phải cõng. Tưởng cũng cõng như những thương binh khác, nhưng chàng trai gốc Hà Nội đã để lại cho cô nữ chiến sỹ lái xe một cảm giác đặc biệt. Ông Đừng cũng thế. Nhiều lần cầm bút lên rồi lại hạ xuống, ông Đừng mới quyết định viết một lá thư bày tỏ tình cảm nhưng không dám nói tên mình. Thế mà bà Vân vẫn đoán ra, nhưng không trả lời thư vì phải chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh của đơn vị. “Ba khoan” là khoan yêu, khoan cưới, khoan có con.
“Hôm sau, tôi đến trạm điều dưỡng thì lại gặp anh. Anh hỏi tôi, “Em có nhận được lá thư mà anh bạn của anh viết cho em không?”. Tôi bật cười, bảo không thấy. Rồi tôi bảo, yêu mà không dám nói, tôi sắp sửa xây dựng gia đình rồi đấy! Lúc đó, anh mới vội vàng nhận đấy là anh. Rồi chúng tôi quen nhau, trước tình cảm của anh, tôi đã đồng ý nhận lời yêu. Sau này, chúng tôi kết hôn và đã có với nhau 5 người con”- bà Vân kể. Bây giờ, dù ông Đừng đã mất, nhưng mỗi khi đến những ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, bà Vân đều nhớ đến chồng. Thắp cho ông nén hương, bà lại kể cho con cháu, cho thế hệ sau nghe tình yêu đẹp thời chiến của mình, với giọng điệu tự hào xen lẫn hạnh phúc…
Gửi lại con thơ 2 tuổi, mẹ vào tuyến lửa
Là nữ thanh niên xung phong, vợ liệt sỹ, đại diện cho những tấm gương sáng ngời của lớp lớp thanh niên Việt Nam không tiếc thanh xuân, xương máu vì hoà bình, độc lập của dân tộc, bà Hoàng Thị Kim Vinh không giấu được tự hào, khắc hoạ khí thế xung phong lên đường nhập ngũ thời điểm đó. “Năm 1965, tôi lúc đó đang là Bí thư Chi đoàn, nghe theo lời kêu gọi của phong trào “Ba sẵn sàng”, vận động đoàn viên thanh niên chi đoàn viết đơn tình nguyện tham gia, tôi cũng vậy. Thành đoàn tưởng tôi gương mẫu thôi, vì còn con nhỏ mới 2 tuổi. Nhưng, tôi đã quyết định gửi lại con thơ cho bố mẹ đẻ để đi thanh niên xung phong”- bà Vinh nhớ lại.
Ngày 17/7, mọi người tập trung ở Nhà hát Nhân dân để lên đường. “Lúc đó, một số anh em trốn về thăm nhà, bảo mẹ tôi: “Bà ơi bà bế cháu ra tiễn chị Vinh ở Nhà hát Nhân dân”. Mẹ tôi bế cháu đi xích lô ra tiễn tôi. 4h chiều, khi chuẩn bị lên tàu, tôi thấy mẹ bế cháu đứng dưới đợi. Tôi chạy ra, con chặt con vào lòng. Khi đó, nghe Đại đội trưởng hô “Nghiêm!”, con gái tôi giật mình, khóc thét lên, tôi ôm con mà nước mắt lưng tròng. Nhưng vẫn quyết định gửi con để ra trận. Khoảnh khắc ấy sau này, tôi nhớ mãi…”- bà Vinh xúc động kể.

Cả đơn vị hành quân ra ga Hàng Cỏ, lên tàu rồi, bà Vinh còn nhìn thấy mẹ bế con gái vẫy tay chào. Trong lòng bà Vinh dấy lên sự xúc động, nghẹn ngào. Quá trình hành quân qua Ninh Bình, vào Nghệ An, rồi làm nhiệm vụ mở đường 15A từ Thanh Chương đến Hà Tĩnh. “Chồng tôi lúc đó đang là bộ đội ở Vĩnh Linh ra để gặp gia đình nội ngoại, rồi vào Nghệ An tìm tôi. Chúng tôi gặp nhau được 2 hôm thì anh vào Quảng Trị và hành quân vào Nam chiến đấu. Năm 1968, tôi nghe tin anh hi sinh, khi vẫn đang mở đường từ Nghệ Tĩnh vào Quảng Bình. Nén đau thương, tôi vẫn nỗ lực để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ mở đường...”.
Ngồi lặng một góc trong suốt cuộc giao lưu, chị Đinh Ngọc Thủy, con dâu của bà Hoàng Thị Kim Vinh không ngừng lén lau nước mắt, nghẹn ngào với những ký ức xúc động mẹ chồng kể. Chị cho biết: “Khi nhận được thông báo của Hội LHPN Hà Nội và Báo Phụ nữ Thủ đô về việc mẹ là khách mời tham gia giao lưu tại chương trình “Huyền thoại Trường Sơn”, gia đình tôi rất phấn khởi và tự hào. Mẹ chồng tôi tuy tuổi cao nhưng những ký ức về những năm tháng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc luôn khắc ghi và kể lại cho các con, các cháu trong những bữa cơm gia đình để chúng tôi thêm cảm phục, biết ơn”.
Những ngọn lửa âm thầm nơi hậu phương kháng chiến
Chiến tranh không chỉ hiện hữu nơi mặt trận. Sau những chiến công, sau khói lửa, mà còn có những mất mát lặng thầm – nơi hậu phương vẫn có những con người âm thầm gánh vác phần gian khó không kém gì tiền tuyến. Nếu chiến trường là nơi bão lửa, nơi người lính giữ vững tay súng bảo vệ từng tấc đất quê hương... thì hậu phương chính là nơi gìn giữ những ngọn lửa âm thầm – lửa của yêu thương, chờ đợi và hy sinh. Chiến tranh qua đi, nhưng có những người phụ nữ vẫn mang trong mình những vết thương không hình hài – vết thương của sự mất mát, của tháng năm tảo tần, lặng lẽ chờ đợi, hy sinh vì một mái nhà, vì một người chồng đã trở về không còn nguyên vẹn, hoặc không bao giờ trở về nữa.
Trong những câu chuyện ấy, có bà Phan Thị Kim Song và ông Cao Văn Thành - thương binh nặng 1/4 tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà Song đã chờ đợi ông Thành suốt những tháng năm chiến tranh đến khi chồng trở về thì bị thương nặng, mù hai mắt, trên người còn rất nhiều mảnh đạn nhưng bà Song vẫn ở bên cạnh cùng chồng đắp xây cuộc sống hạnh phúc bền bỉ.

Có sự trùng hợp là sinh cùng ngày, cùng tháng, cùng năm mà đến khi đăng ký kết hôn mới biết. Cả hai từng học cùng lớp, cùng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Khi đất nước chiến tranh ác liệt, ông Thành theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, lên đường nhập ngũ. Bà Song - cũng như bao người phụ nữ lúc bấy giờ trong lúc tiễn người yêu lên đường nhập ngũ đều nhủ lòng: “Anh cứ yên tâm chiến đấu, khi đất nước giải phóng hết sạch quân thù, trở về quê hương, em sẽ luôn chờ đợi…”.
Ông Thành lên đường huấn luyện khẩn cấp, được chuyển vào Nam chiến đấu. Những ngày tham gia kháng chiến, cả hai ông bà vẫn giữ liên lạc. Ông Thành viết thư về động viên bà, kể chuyện chiến trường, những đêm anh cầm súng đứng gác, những cuộc chiến ác liệt... Còn bà Song kể chuyện học tập ở trường… Rồi một hôm, bà Song nhận được một bức thư chỉ vài dòng nguệch ngoạc, không giống chữ ông Thành thường ngày: “Song, anh bị thương, anh chuyển ra Bắc điều trị. Em cứ yên tâm học tập”.
Chỉ vỏn vẹn vậy, bà đã cố gắng tìm địa chỉ nơi ông điều trị, là bệnh viện 108. Những ngày ở bệnh viện, bà tranh thủ đến thăm ông, xin y tá, hộ lý được chăm sóc ông. Sau khi ông Thành ra viện, họ tổ chức đám cưới. Hiện ông bà có 3 người con, trong số đó có người con đầu bị nhiễm chất độc hoá học. Dù bị thương tật trên người nhưng ông Thành hết lòng, hết sức giúp đỡ vợ con và tham gia công tác xã hội. Ông nguyên là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam.
Nghe những chia sẻ của bà Song, ông Cao Văn Thành xúc động nói: “Trong chiến tranh, người phụ nữ là thiệt thòi nhất. Tôi may mắn khi đi bộ đội thì Song nhận lời yêu. Năm 1972, chiến trường ác liệt, tôi chiến đấu ở Quảng Trị. Cả hai liên lạc với nhau qua những cánh thư”.
Gần 50 năm qua, bà Kim Song không chỉ là vợ mà còn là người bạn tâm giao, người y tá tận tâm của thương binh Cao Văn Thành. Bà là đôi mắt, đôi tai, là cái nạng để ông nương tựa. Bà còn là thông dịch viên cho bố con ông Thành, "vì bố nói thì con không nghe thấy, con ra hiệu thì bố không nhìn thấy"- bà Kim Song cười nhẹ. “Tôi cảm thấy may mắn và biết ơn “đôi mắt” của người vợ hiền tảo tần mang lại hạnh phúc cho gia đình tôi”- ông Thành nói.
Bà Đào Thị Thạc, vợ thương binh nặng 1/4 Lê Đức Thuận, (từ chiến trường trở về mất 81% sức khỏe), hiện là Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Bà Thạc chia sẻ bà tình cờ gặp và được nghe câu chuyện về gia đình ông nên càng thấy thương hơn. Ông Thuận là người con trai duy nhất của gia đình, mồ côi bố khi mới 3 tháng tuổi. Đến năm 18 tuổi, ông Thuận xung phong lên đường nhập ngũ ra chiến trường và bị thương nặng... Cảm thương với ông, năm 1975, bà Thạc đồng ý cưới ông Thuận và có 4 người con, nay đều đã có cuộc sống ổn định.
Câu chuyện của bà Song, bà Thạc là một phần trong muôn vàn câu chuyện của phụ nữ Việt Nam bấy giờ, là câu chuyện của tình yêu, nghĩa vợ chồng, sự thủy chung son sắt. Đó cũng chính là trách nhiệm của người phụ nữ Việt Nam đối với đất nước khi có bạn đời, người yêu tham gia kháng chiến. Các bà là biểu tượng đẹp đẽ cho đức hy sinh, lòng chung thủy và sự kiên cường của người phụ nữ Việt Nam.
Tri ân những phụ nữ góp phần làm nên lịch sử
Phát biểu tại chương trình giao lưu “Huyền thoại Trường Sơn”, bà Lê Kim Anh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội xúc động cho biết, chương trình là lời tri ân gửi tới những người phụ nữ đã góp phần làm nên “Huyền thoại Trường Sơn”.
Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh bày tỏ niềm tự hào và trân trọng gửi lời tri ân các Mẹ Việt Nam anh hùng, các cựu chiến binh, thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với đất nước đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất đất nước, đặc biệt là các nữ cựu chiến sĩ Đại đội nữ lái xe Trường Sơn, nữ cựu thanh niên xung phong, các mẹ/vợ liệt sĩ, nữ thương binh, vợ thương binh tham gia chương trình.

“Noi gương những thế hệ đi trước, các tầng lớp phụ nữ và các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội đã không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập, lao động, sản xuất và công tác, luôn coi trọng thực hiện tốt các hoạt động đền ơn đáp nghĩa và công tác hậu phương quân đội, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Từ dấu mốc 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các cấp Hội và Phụ nữ toàn Thành phố sẽ tiếp tục rèn luyện, phấn đấu, không ngừng phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, của Hà Nội anh hùng, hăng hái tham gia xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, để cuộc sống của nhân dân ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của đất nước trong kỷ nguyên mới”- bà Lê Kim Anh nhấn mạnh.

Là đơn vị tổ chức chương trình, Tổng biên tập Báo Phụ nữ Thủ đô, bà Lê Quỳnh Trang xúc động cho biết: “Những câu chuyện của các nữ lái xe Trường Sơn, cựu thanh niên xung phong, mẹ, vợ thương binh, liệt sĩ đã giúp cho các thế hệ tầng lớp phụ nữ Thủ đô, cán bộ, hội viên và bạn đọc của báo hiểu hơn về những chiến công hiển hách của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đồng thời càng thêm trân trọng những mất mát, hy sinh, khắc ghi những đóng góp to lớn của thế hệ cha anh, trong đó có những người tượng đài phụ nữ Việt Nam bình dị mà phi thường, can trường, quả cảm trong chiến đấu và dựng xây đất nước trong thời bình, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.
Tri ân những con người bình dị mà phi thường trong chiến đấu, góp phần vào chiến thắng vĩ đại giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam, tại chương trình, Hội LHPN Hà Nội và Báo Phụ nữ Thủ đô đã có những phần quà tri ân, gửi gắm tình cảm của cán bộ, hội viên phụ nữ Thủ đô tới các nữ lái xe của Đại đội nữ lái xe Trường Sơn năm xưa, nữ cựu TNXP và các mẹ, vợ thương binh nặng.