Những cách câu like vô cảm

Admin
Có một xu hướng ngày càng phổ biến khiến tôi cảm thấy không khỏi bất ổn, đó là việc nhiều người sẵn sàng giơ điện thoại lên quay phim, chụp ảnh những sự việc tiêu cực, đau lòng, thậm chí là cảnh tượng bạo lực, không phải với mục đích chính đáng mà chủ yếu để thu hút sự chú ý, để "câu like", "câu view".

Hôm qua, tôi vô tình đứng bên đường để chờ chuyến xe buýt, một phụ nữ chắc từ quê ra xuống xe để chờ người nhà đến đón. Do không biết nên chị đứng vào vòng xuyến giữa ngã tư. Một số người thay vì khuyên chị ra đứng chỗ khác thì bắt đầu chỉ trỏ rồi đưa điện thoại lên quay phim. Tôi thấy lạ định tò mò hỏi nhưng thấy video về chị kia đã được đăng lên các hội nhóm với hàng chục lượt like và biểu tượng "mặt cười".

Nhớ lại vụ tai nạn giao thông cách đây không lâu ở địa phương tôi, nạn nhân nằm bất động trên đường, máu chảy lênh láng. Xung quanh, một số người hốt hoảng, khóc lóc thảm thiết thì cũng có không giơ cao điện thoại, lia máy quay khắp nơi. Hình ảnh đó ám ảnh tôi không chỉ bởi sự thương tâm của vụ tai nạn, mà còn bởi sự lạnh lùng đến khó tin của những người chứng kiến. Phải chăng, trong khoảnh khắc đó, nỗi đau của một con người đã bị biến thành một "cảnh tượng độc lạ", một "content nóng" để họ có thể nhanh chóng đăng tải lên Facebook, TikTok? Cái thôi thúc được là người đầu tiên chia sẻ tin "hot", được nhận về những lượt tương tác ảo, dường như đã lấn át hoàn toàn lòng trắc ẩn và sự đồng cảm vốn có.

Không chỉ người lớn, nhiều học sinh trên vai còn quàng khăn đỏ nhưng cũng đã tỏ ra vô cảm trước hiện tượng bạo lực học đường. Thấy các bạn đánh nhau, thay vì can ngăn, báo cho người có trách nhiệm, các em lại chọn cách đứng nhìn, quay phim và thậm chí còn cổ vũ. Những clip này sau đó được lan truyền với tốc độ chóng mặt, kèm theo đủ loại bình luận, từ hả hê, chỉ trích... Điều đáng nói là, người quay và phát tán những clip này thường không phải để lên án bạo lực, mà đơn giản là để thu hút sự chú ý. Họ biến hành vi sai trái, đáng lên án thành một trò tiêu khiển, một phương tiện để tăng follow, tăng view cho kênh của mình.

Tôi tự hỏi, điều gì đã thúc đẩy hành vi này? Có lẽ, phần lớn xuất phát từ "cơn khát" được công nhận trong thế giới ảo. Trong một xã hội mà sự chú ý trở thành một loại tiền tệ, việc sở hữu một video nổi tiếng, một bài đăng hàng nghìn like mang lại cảm giác quyền lực và được thừa nhận tức thời, dù chỉ là phù du. Áp lực phải liên tục tạo ra nội dung mới lạ, độc đáo để giữ chân người xem, để cạnh tranh trên các nền tảng cũng góp phần đẩy một số người đi vào con đường này. Họ sẵn sàng gạt bỏ những chuẩn mực đạo đức cơ bản để đổi lấy sự nổi tiếng ảo.

Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến sự hiếu kỳ có phần lệch chuẩn của một bộ phận công chúng. Nhu cầu xem những thứ giật gân, bạo lực, khác thường luôn tồn tại. Và những người quay chụp kia đã nắm bắt được tâm lý này, cung cấp "món ăn tinh thần" lệch lạc đó để thỏa mãn đám đông và trục lợi cho bản thân (dù chỉ là lợi ích về mặt tương tác).

Một yếu tố khác có thể là "hiệu ứng đám đông" và sự thiếu nhận thức. Khi thấy người khác quay, nhiều người cũng làm theo mà không kịp suy nghĩ về hậu quả hay tính đúng đắn của hành động. Chiếc điện thoại vô tình trở thành một tấm lá chắn, tạo ra khoảng cách tâm lý giữa người quay và sự việc đang diễn ra, khiến họ cảm thấy mình chỉ là người quan sát khách quan, thay vì một phần của cộng đồng có trách nhiệm.

Hậu quả của hành vi này không chỉ dừng lại ở sự phản cảm. Nghiêm trọng hơn, nó xâm phạm trực tiếp đến nhân phẩm và quyền riêng tư của những người không may gặp nạn hoặc trở thành nạn nhân của bạo lực. Hình ảnh đau đớn, yếu đuối, hay khoảnh khắc tồi tệ nhất của họ bị phơi bày trước hàng triệu người xem, bị bình phẩm, chế giễu, đôi khi còn bị cắt ghép, xuyên tạc với mục đích xấu. Nỗi đau thể xác chưa nguôi, họ lại phải đối mặt với sự tổn thương tinh thần nặng nề từ cộng đồng mạng. Hãy thử đặt mình vào vị trí của họ, liệu chúng ta có chịu đựng nổi khi hình ảnh mình lúc thảm thương nhất lại trở thành trò mua vui cho người khác?

Ở một góc độ rộng hơn, việc liên tục tiếp xúc với những hình ảnh tiêu cực, bạo lực được lan truyền với mục đích câu view đang dần bào mòn sự nhạy cảm và lòng trắc ẩn của xã hội. Chúng ta có nguy cơ trở nên chai sạn cảm xúc khi những cảnh tượng đau lòng xuất hiện quá thường xuyên trên mạng xã hội, chúng ta dễ dàng lướt qua, coi đó là chuyện bình thường, không còn cảm thấy sốc hay phẫn nộ như trước. Ranh giới giữa việc cập nhật thông tin để cảnh báo, rút kinh nghiệm và việc tiêu thụ nỗi đau của người khác như một hình thức giải trí trở nên mờ nhạt. Sự vô cảm này len lỏi vào đời sống thực, khiến chúng ta trở nên thờ ơ hơn trước những bất công hay nỗi khổ đau diễn ra xung quanh mình.

Tất nhiên cũng phải thấy rằng, không phải mọi hành động quay phim, chụp ảnh tại hiện trường đều đáng bị lên án. Việc ghi lại bằng chứng tội phạm để cung cấp cho cơ quan điều tra, như trong các vụ việc tiêu cực của cảnh sát giao thông hay các hành vi vi phạm pháp luật rõ ràng, là hành động dũng cảm và cần thiết. Việc quay lại một sự cố để cảnh báo cộng đồng về một mối nguy hiểm tiềm ẩn (như đường sạt lở, hố tử thần) một cách có trách nhiệm, không nhằm mục đích câu view giật gân, cũng là điều nên làm. Hay việc các nhà báo tác nghiệp tại hiện trường để đưa tin một cách khách quan, chuyên nghiệp cũng hoàn toàn khác biệt.

Điểm mấu chốt nằm ở động cơ và thái độ của người cầm máy. Khi mục đích chính là thỏa mãn sự tò mò cá nhân, là khao khát những cái like ảo, là biến nỗi đau của người khác thành "content" để nổi tiếng, bất chấp việc xâm phạm nhân phẩm và sự riêng tư của họ, thì hành động đó trở nên sai trái và vô nhân đạo.

Thế giới ảo có sức mạnh kết nối và lan tỏa phi thường, nhưng nó cũng tiềm ẩn những cạm bẫy về đạo đức và giá trị. Cá nhân tôi tin rằng, mỗi chúng ta đều có trách nhiệm trong việc xây dựng một không gian mạng lành mạnh và nhân văn hơn. Trước khi giơ điện thoại lên trước một sự việc tiêu cực, hãy dừng lại một giây để tự hỏi: Mục đích của mình là gì? Hành động này có giúp ích được gì cho người trong cuộc không? Liệu nó có gây thêm tổn thương cho họ?

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả