Hôm qua, trong cuộc trao đổi với thầy trò một trường Phổ thông trung học ở Pleiku nhân đang là những ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, tôi có nói đại ý, đang còn tuổi, nếu ham đọc sách thì cố dành thời gian mà đọc, chứ tới một độ tuổi nào đấy, đọc sách cũng không dễ nữa. Từ tôi mà ra, bây giờ, mỗi cuốn sách hay, mà tôi rất nhiều sách hay, tủ sách của tôi thuộc loại cũng khủng, đọc cho hết cũng khá... vật vã.
Thời tôi còn nhỏ, sách là một thứ xa xỉ. Tôi nhớ mỗi khi lĩnh lương thì mẹ cho tôi mấy hào mua sách. Và tôi lội bộ ra cái hiệu sách phố huyện cách nhà mấy cây số, chọn mua một quyển và đứng tại chỗ đọc rất nhanh vài ba quyển khác. Quyển sách mua về thì sẽ không được đọc ngay, mà cất kỹ, vài ba hôm sau mới đọc, có lẽ là để "tiêu hóa" cho xong hai ba quyển đọc chùa kia đã, chỉ khi đã "đầy đủ tâm thế’ thì tôi mới mang quyển sách của mình ra nhâm nhi, vừa đọc vừa sợ hết.
Mà thời ấy thì đọc rất hổ lốn. Ngoài sách tôi mua, đa phần là của nhà Kim Đồng, còn thì vớ gì đọc nấy. Tam Quốc Diễn Nghĩa thì đọc lẻ từng cuốn không phân biệt tập trước tập sau mà tùy vào mượn được tập nào thì ngốn tập ấy. Đọc cả cuốn "Làm mẹ" dịch của Liên Xô, cuốn "Những bức thư không gửi" cũng dịch của nước nào đấy, toàn thư tình, mẹ tôi bắt được không cho đọc nữa. Rồi "Rừng thẳm tuyết dày", "Người mẹ", "Thép đã tôi thế đấy", "Bất khuất"... Đọc như thần trùng, vớ được gì đọc nấy.
Những cuốn in vào tâm trí tôi tới giờ là "Trong rừng" của nhà văn Đỗ Quang Tiến, mà sau nay tôi được chơi với cả mấy người con của ông. Cuốn "Ti mua và đồng đội" dịch của Liên Xô, cuốn truyện cổ tích Việt Nam, có mấy cái truyện cổ tích của dân tộc thiểu số phía Bắc mà đọc xong không dám ngồi một mình...
Đọc công khai rồi còn đọc bí mật, có những lúc ba mẹ không cho đọc vì sợ con trai đọc nhiều quá sẽ bị... loạn thần kinh. Thì bèn chui xuống hầm đọc, ra bụi cây đọc.
Và hồi ấy, tôi có mơ ước là lớn lên sẽ làm người bán sách, hoặc thủ thư, chỉ để thỏa mãn ham muốn đọc sách.

Tác giả ở hoạt động ngày sách ở Pleiku.
Hôm rồi, mấy chị em nhà xuất bản Phụ nữ vào nhà, vợ tôi còn mách: ngày xưa, lĩnh lương xong là ông ấy trích 1/3 lương ra mua sách... Mà cái hồi ấy nghèo, còn phải nuôi con nhỏ nữa.
Nhưng bây giờ thì khác rồi.
Người yêu sách, thích đọc sách vẫn còn nhưng có vẻ như không còn như ngày xưa nữa.
Và nó hợp quy luật thôi.
Ngày xưa, có nhiều việc để thư giãn, để chơi, để bồi bổ kiến thức đâu, còn việc gì ngoài đọc sách là chủ yếu. Giờ, thông tin vào tận buồng ngủ, toàn thông tin khiến con người... lười đi. Trước khi ngủ thay vì đọc sách thì hẹn giờ tivi nghe nhạc, hoặc nghe những gì mình thích, lúc nào ngủ thì ngủ.
Sách bây giờ cũng rất nhiều, có người ví là phải... rẽ sách ra mà chọn.
Và nữa, không phải cuốn sách nào cũng hay cũng đúng như ta tưởng.

Có ông nhà báo tên Sơn, trí nhớ cực tốt, sự đọc rất siêu, lâu lâu ông mua một "mớ" sách từ các bà đồng nát mà ông hay đùa ở ở rốn rùa (ngay bên bờ hồ Hoàn Kiếm). Có 2 việc ông hay phát hiện, một là sách được tặng chả hiểu sao lại vào thúng sách của bà đồng nát, nhiều cái tên được tặng và tặng rất nổi tiếng giờ lênh đênh trên vai bà đồng nát và ông mua lại, tất nhiên là theo cân ký. Và hai, quan trọng hơn, ông bắt giò rất nhiều lỗi sai, có những lỗi sai trầm trọng.
Tôi cũng biết có một số bạn yêu sách, lập với nhau một nhóm để chơi và sinh hoạt. Một anh bạn trẻ là kỹ sư xây dựng, người Hà Nội quen với tôi là thành viên nhóm này. Họ tổ chức những cuộc gặp mặt theo chủ đề, hôm thì nói chuyện sách, hôm thì nói về tác giả, có hôm mời tác giả hoặc thân nhân tác giả tọa đàm. Anh bạn kia vào Pleiku làm việc tận một huyện biên giới, chủ nhật phi xe ra phố, mua hàng đống sách để đọc dần trong tuần. Gặp nhau anh này trân trọng tôi vì tôi là người có sách, còn tôi trân trọng anh ấy vì anh ấy đam mê đọc sách.

Tác giả ở hoạt động ngày sách ở Ấn Độ.
Hay những người như anh Nguyễn Quang Thạch, yêu sách và muốn thúc đẩy văn hóa đọc tới... hy sinh, dành gần như cuộc đời cho việc "sách hóa nông thôn", từng đi bộ gần 2000km từ Hà Nội đến TP.HCM để đánh thức cộng đồng với chương trình "Sách hóa nông thôn", sau khi làm ở Việt Nam thì sang tận Ấn Độ, cũng đi bộ 3000 km để tiếp tục lan tỏa tình yêu sách. Là người Việt Nam đầu tiên đoạt giải "Vua Sejong" về xóa mù chữ của UNESCO năm 2016 - một giải thưởng tôn vinh những người khai trí.
Ngồi nói chuyện với Nguyễn Quang Thạch thì mãi vẫn không dứt ra được những câu chuyện về sách, về khai trí, về những dự định mà người thường có lúc sẽ nghĩ là rất... trời ơi.
Cũng có một tác giả sách ở Nghệ An, Tô Giang, nguyên là nhà báo truyền hình, sang Úc trồng... cần sa, bị bắt, ra tù bị trục xuất về nước. Và anh viết sách về những gì mình đã trải qua, rồi thành người truyền tình yêu sách cho xã hội, nhất là tù nhân ở các trại giam. Những ngày sách và văn hóa đọc này anh cũng đang miệt mài truyền tình yêu đọc sách cho mọi người. Hôm qua trên facebook của mình anh viết: "Sau buổi chiều hoàn thành 3 vai, người lái xe, diễn giả, tư vấn xây dựng tủ sách thư viện tủ sách lớp học cho nhà trường. Tối tớ trở về phố đi bộ TP Vinh, gặp mấy cậu trẻ gọi toáng lên Dân chăn mèo. Hiii! Dân chăn mèo thất nghiệp đi bán sách dạo nè bà con". "Dân chăn mèo" là biệt danh dành cho những người trồng cần sa và canh cảnh sát bên Úc, tức câu chuyện anh viết thành sách đã rất nhiều người đọc và nhớ.
Và hôm qua của tôi ấy, sau cuộc trao đổi sách chung với học sinh và giáo viên thì có một nhóm các cháu "quây" tôi sau chương trình chính thức. Các cháu khoe là đọc thơ tôi từ hồi học lớp 6 lớp 7, và để chứng minh, chúng đọc làu làu những bài chúng thích. Ôi giời, hồi ấy thơ tôi toàn thơ tình mà chúng thì mới lớp 6 lớp 7. Và tôi có hứa với chúng, là sẽ trở lại trường chuyện trò với chúng về sách và văn chương, cũng hẹn với lãnh đạo trường là bố trí đi, tôi sẽ nói chuyện free để các bạn ấy yên tâm.
Tức là vẫn có những người yêu sách, yêu văn chương, và yêu mãnh liệt, yêu đắm say, bên cạnh những thờ ơ, những nghi ngại kiểu như in sách xong biếu mãi không hết, kiểu như bán sách theo mớ, theo cân, giá đồng hạng, kiểu như xin bỏ dép và... thơ bên ngoài...
Và vì thế mà giữa những ngày sách và văn hóa đọc này, người từng mê sách tới bỏ cơm hồi nhỏ, giờ cũng là tác giả của mười mấy đầu sách, cứ nôn nao...
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả