Phát huy vai trò trụ cột của ngành công thương trong phát triển kinh tế đất nước

Admin
(Chinhphu.vn) - Trong nhiệm kỳ 2025 - 2030, Đảng bộ Bộ Công Thương xác định rõ phương hướng hoạt động là tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng toàn diện, tạo chuyển biến rõ nét, xây dựng Đảng bộ Bộ Công Thương trong sạch, vững mạnh. Lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển ngành, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.
Phát huy vai trò trụ cột của ngành công thương trong phát triển kinh tế đất nước- Ảnh 1.

Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 - 2030 gồm 29 đồng chí

Ngày 16/7, Bộ Công Thương tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ I nhiệm kỳ 2025-2030. Đến dự và chỉ đạo Đại hội có Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Cùng dự Đại hội có đồng chí Phạm Tất Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương.

Về phía Bộ Công Thương có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, các ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành cùng 250 đại biểu ưu tú đại diện cho 2.671 đảng viên của 38 tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương.

Đột phá chiến lược quyết tâm vì đất nước hùng cường

Với chủ đề "Đổi mới tổ chức hoạt động, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, đảng viên; xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh; phát huy vai trò nòng cốt, trụ cột của ngành công thương trong phát triển kinh tế đất nước; vững bước tiến vào kỷ nguyên mới", Đại hội có nhiệm vụ tổng kết, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020-2025; rút ra các bài học kinh nghiệm và quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, mang tính đột phá để lãnh đạo, chỉ đạo ngành công thương tiếp tục phát triển bền vững trong 5 năm tới; đồng thời, thảo luận, đóng góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2025-2030 và Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Phát huy vai trò trụ cột của ngành công thương trong phát triển kinh tế đất nước- Ảnh 2.

Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bí thư Đảng ủy Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 - 2030

Báo cáo chính trị tại Đại hội nêu rõ: Nhiệm kỳ 2020-2025, trong bối cảnh nhiều biến động lớn của tình hình kinh tế thế giới và khu vực, Đảng bộ Bộ Công Thương đã phát huy tinh thần đoàn kết, bản lĩnh chính trị vững vàng, trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ trước. Toàn Đảng bộ đã nỗ lực thực hiện tốt vai trò hạt nhân chính trị, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đảng ủy Chính phủ triển khai đồng bộ nhiệm vụ quản lý nhà nước trong các lĩnh vực then chốt của Ngành; dẫn dắt ngành Công Thương hoàn thành tốt các mục tiêu, kế hoạch, đóng góp thiết thực và quan trọng trong các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế vĩ mô của đất nước.

Trong nhiệm kỳ 2025 - 2030, Đảng bộ Bộ Công Thương xác định rõ phương hướng hoạt động đó là việc tiếp tục nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng toàn diện, tạo chuyển biến rõ nét, xây dựng Đảng bộ Bộ Công Thương trong sạch, vững mạnh. Lãnh đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển ngành, góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Hiện thực hóa phương hướng trên, ngành Công Thương đã xác lập 7 nhiệm vụ trọng tâm, 6 đột phá chiến lược để góp phần xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng.

Theo đó, 7 nhiệm vụ trọng tâm gồm:

Một là, xây dựng Đảng bộ vững mạnh toàn diện, giữ vai trò hạt nhân đoàn kết, gương mẫu, đủ năng lực lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong hệ thống chính trị.

Hai là, kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh gọn, rõ chức năng - nhiệm vụ, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong lãnh đạo, điều hành; nâng cao chất lượng tham mưu chiến lược, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số.

Ba là, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển ngành, khơi thông nguồn lực.

Bốn là, ưu tiên xây dựng hệ thống pháp luật về công nghiệp thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và các ngành, lĩnh vực trọng điểm.

Năm là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao giá trị gia tăng nội địa trong sản xuất công nghiệp và hàng hoá xuất nhập khẩu, phát triển hạ tầng công nghiệp, năng lượng, thương mại hiện đại và cạnh tranh.

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nâng cấp và ký kết các FTA mới, mở rộng hợp tác quốc tế về công nghiệp, thương mại, năng lượng.

Bảy là, đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân và doanh nghiệp nhà nước theo hướng bền vững, cạnh tranh toàn cầu; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị, hình thành các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu, năng lượng, phân phối, logistics.

6 đột phá chiến lược gồm:

Một là, đột phá về hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, hiện đại cho lĩnh vực công nghiệp và thương mại, tạo nền tảng giải phóng mọi nguồn lực phát triển ngành.

Hai là, đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng hạ tầng năng lượng, công nghiệp, thương mại hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và năng suất ngành.

Ba là, đột phá về phát triển mạnh khu vực doanh nghiệp, ưu tiên hình thành các tập đoàn tư nhân và nhà nước có năng lực cạnh tranh toàn cầu, làm chủ các chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.

Bốn là, đột phá về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, gắn với chuyển đổi số toàn diện trong công tác đảng, từng bước xây dựng mô hình tổ chức đảng hiện đại, linh hoạt, thích ứng với thời đại số.

Năm là, đột phá trong công tác cán bộ, tập trung xây dựng đội ngũ cấp ủy và kế cận có bản lĩnh, phẩm chất, năng lực, khát vọng cống hiến; khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Sáu là, đột phá về cải cách hành chính trong Đảng, tinh gọn tổ chức, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả phối hợp và điều hành; đẩy mạnh phân cấp gắn với kiểm soát quyền lực và quy trình làm việc thông minh, liên thông.

Phát huy vai trò trụ cột của ngành công thương trong phát triển kinh tế đất nước- Ảnh 3.

Đoàn Chủ tịch điều hành Đại hội

Tại Đại hội, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi đóng góp vào Báo cáo Chính trị, Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025; Báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Cũng tại Đại hội, các đại biểu tham dự đã được nghe Đảng ủy Chính phủ công bố các quyết định chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Đảng ủy Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Theo đó, tại Quyết định số 199-QĐ/ĐU ngày 14/7/2025, Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ chỉ định Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 - 2030 gồm 29 đồng chí; Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 - 2030 gồm 7 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bí thư Đảng ủy Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020 - 2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương được chỉ định giữ chức Bí thư Đảng ủy Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đồng chí Nguyễn Sinh Nhật Tân, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thứ trưởng Bộ Công Thương giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đồng chí Phan Văn Bản, Phó Bí thư chuyên trách, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020 - 2025 giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy chuyên trách Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Bên cạnh đó, Đảng ủy Chính phủ cũng công bố quyết định chỉ định Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025-2030, gồm 7 đồng chí và công bố quyết định chỉ định Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 - 2030 gồm 5 đồng chí.

Tại Quyết định số 197-QĐ/ĐU ngày 14/7/2025, Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ chỉ định đại biểu chính thức thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Chính phủ lần thứ I, nhiệm kỳ 2025 - 2030 gồm 9 đồng chí, đại biểu dự khuyết gồm 02 đồng chí.

Ngay sau khi công bố các quyết định, Ban Chấp hành Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2025 - 2030 đã ra mắt Đại hội.

Anh Thơ

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Bộ Công Thương hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ IBộ Công Thương hướng tới Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ I
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong lĩnh vực công thươngĐẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương trong lĩnh vực công thương