Phát triển dược liệu: Cách làm giàu từ rừng

Admin
(Chinhphu.vn) - Theo đánh giá của Cục Lâm nghiệp, tài nguyên của rừng đang được khai thác một cách đơn lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng mà các hệ sinh thái rừng cung cấp.

Nhiều tiềm năng chưa được đánh thức

Tại huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông đang có hơn 1 nghìn loài cây dược liệu, trong đó có trên 70 loại cây thuốc quý, hiếm có giá trị kinh tế cao.

Các loài dược liệu tiêu biểu như: sâm cau rừng, hà thủ ô, an xoa, diệp hạ châu, mật nhân, chuối rừng, nhân trần, khúc khắc, chó đẻ, tầm bóp, càng cua, sâm đất, cỏ lào, cây xấu hổ (cây trinh nữ), mã đề...

Theo số liệu thống kê của huyện Tuy Đức, hằng năm, người dân trên địa bàn trồng được khoảng 61,7ha cây dược liệu, sản lượng thu hoạch ước đạt trên 400 tấn, bao gồm các loại cây dược liệu chính như: gừng 24 ha, sản lượng 216 tấn; nghệ vàng 8,5 ha, sản lượng 93 tấn; ý dĩ (bo bo) 12 ha, sản lượng 60 tấn; sả 13 ha, sản lượng 27 tấn; an xoa 4,2 ha, sản lượng 6,4 tấn...

Ngoài phát triển cây dược liệu trên, nhiều hộ dân đã tìm hiểu và đầu tư trồng các loại cây dược liệu quý trong vườn nhà như: đinh lăng, hương nhu, mật gấu, mã đề, bồ công anh, ngải cứu, ngũ da bì, tam thất, kim ngân...

Dược liệu mọc chủ yếu dưới tán rừng tự nhiên nhưng tiềm năng và lợi thế này chưa được khai thác hiệu quả.

Ông Kiều Quí Diện, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Đức cho biết, việc phát triển trồng cây dược liệu trên địa bàn huyện trong thời gian qua nhìn chung gặp nhiều khó khăn, diện tích trồng dược liệu còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Quá trình trồng cây dược liệu chủ yếu vẫn dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, tự phát, trồng chủ yếu để phục vụ nhu cầu nhỏ lẻ của các hộ dân trong điều trị các bệnh thông thường hoặc phục vụ cho các thầy thuốc hoạt động trong lĩnh vực y học cổ truyền.

Trên địa bàn huyện hiện không có cơ sở trồng, khai thác dược liệu nào có quy mô đáng kể, chưa hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.

Theo ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT câu chuyện tại huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông cũng khá phổ biến tại nhiều địa phương có tiềm năng phát triển các cây dược liệu dược liệu dưới tán rừng hiện nay.

"Các hệ sinh thái rừng tại Việt Nam có đóng góp rất lớn cho nền kinh tế và phúc lợi của con người thông qua các dịch vụ mà rừng cung cấp, như: gỗ, lâm sản ngoài gỗ, điều tiết nguồn nước, hấp thụ khí nhà kính… Tuy nhiên, tài nguyên của rừng mới đang được khai thác một cách đơn lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng mà các hệ sinh thái rừng cung cấp", ông Bảo cho biết thêm.

Vì vậy, chưa tận dụng được các tiềm năng của hệ sinh thái rừng, để tạo ra hoặc cải thiện sinh kế cho những người sống phụ thuộc vào rừng trong đó có các cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống gần rừng; chưa tạo được nguồn lực tài chính để tái đầu tư cho các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Theo một số kết quả nghiên cứu, các giá trị trực tiếp từ gỗ, lâm sản ngoài gỗ và thủy điện hiện nay chỉ mới chiếm khoảng 15% giá trị của hệ sinh thái rừng, phần còn lại đến từ các giá trị gián tiếp đó là cung cấp sản phẩm phi lâm sản và dịch vụ.

Chính sách đồng hành với phát triển các mô hình hiệu quả

Mới đây, trong một cuộc gặp gỡ của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan với các doanh nghiệp và trí thức trong ngành lâm nghiệp để bàn bạc về giảm phát thải ở lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã mời Tiến sĩ Lê Hoàng Thế, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài cùng trò chuyện về mô hình phát triển dược liệu dưới tán rừng.

Sau nhiều năm làm việc ở nước ngoài, ông Lê Hoàng Thế trở về Việt Nam và lựa chọn trồng rừng với mục tiêu góp phần bảo vệ, phát triển rừng trồng bền vững trước khi khai thác. Theo chia sẻ của ông, tiềm năng dưới tán rừng trồng rất lớn nhưng lâu nay vẫn chưa khai thác được, việc trồng dược liệu dưới tán rừng là một trong những giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân.

Năm 2011, ông Lê Hoàng Thế đến Cà Mau và cải tạo đất rừng, trồng keo lai dưới tài trợ từ chương trình kinh tế xanh của Chính phủ Đan Mạch. Cây keo lai thu hoạch sau 5 năm trồng, mang lại giá trị bình quân 150 triệu đồng/ha. Từ năm thứ 7 trở đi, cây keo lai khai thác được gỗ đường kính lớn cho nguồn thu cao hơn gấp 3 lần.

Với giải pháp trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo lai theo cách truyền thống, trong thời gian 3 năm chờ rừng cho gỗ lớn, ông Thế cho biết, trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng đảm bảo cho người dân có thu nhập thêm tối thiểu từ 200 triệu đồng/ha mỗi năm. Ưu điểm của canh tác rừng xen canh với trồng nấm linh chi đỏ dưới tán là trong khi rừng keo lai mất 5-7 năm mới có nguồn thu, trồng nấm linh đỏ dưới tán rừng mỗi năm thu 2 lần. Từ năm thứ 7, khai thác gỗ cho lợi nhuận nhiều hơn, đồng thời lợi nhuận thu được thừ trồng nấm linh chi đỏ giúp người dân tăng thêm khả năng giữ rừng được lâu hơn, đem lại lợi nhuận cao hơn.

Tiến sĩ Lê Hoàng Thế nhìn nhận nông nghiệp truyền thống và nông nghiệp công nghiệp thực hành cày xới, đốt ruộng, sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu đã tác động tiêu cực đến môi trường. Bằng cách thực hành nông nghiệp tái sinh, canh tác cây keo lai, canh tác xen canh cây keo lai và trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng sẽ giúp đất rừng được bảo tồn, hồi phục.

Hiện nay phát triển dược liệu dưới tán rừng là một hướng đi mới được đồng hành bằng các chính sách cụ thể của ngành nông nghiệp. Theo Cục Lâm nghiệp, thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ TN&MT rà soát, chỉnh sửa, bổ sung một số nội dung thuộc lĩnh vực lâm nghiệp vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, trong đó có quy định "nuôi, trồng phát triển cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất".

Ngày 29/5/2023, Chính phủ có Tờ trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), và nội dung này được quy định tại "Điều 256. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Lâm nghiệp". Như vậy, khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, thì việc cho thuê môi trường rừng để nuôi trồng, phát triển dược liệu dưới tán rừng sẽ được pháp luật quy định chi tiết, cụ thể hơn.

Đỗ Hương