Quê của người viết

Admin
Với người viết, quê hết sức quan trọng. Tất nhiên, quê rất rộng, cả nghĩa đen lẫn nghĩa... rộng.

Nhớ khi tôi in tập thơ đầu tay, tập "Bến đợi", năm 1992, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, quê Nghệ An nhưng khi ấy đang sống ở Huế, còn tôi quê Huế nhưng khi ấy lại đang sống ở Gia Lai, viết về tập thơ của tôi có đoạn: "Gặp gỡ thường tạo nên những cảm hứng tức thì choáng ngợp. Biệt ly lại bàng hoàng trước bao kỷ niệm thân quen. Cả hai trạng huống này đều là cái nguyên ủy để khởi lên hồn thơ vốn ẩn chứa ở mỗi người. Hai trạng huống nên thơ ấy đều có ở Văn Công Hùng khi anh biệt xa quê Huế để đến với núi non Tây Nguyên hùng vĩ- quê hương mới của anh. Thật may mắn cho một người làm thơ có cả hai quê: Có quê mới để thương, có quê cũ để nhớ...".

Quê của người viết- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Tôi có mấy ông bạn văn, dấu ấn quê trong văn các ông ấy nó sâu đậm, nó miên man dằng dặc, nó khắc khoải và nó... phổ thông. Một thời ông nhà văn Nguyễn Quang Lập viết, đậm đặc khẩu ngữ... bọ. Ở vai người khác sẽ rất chán, thậm chí bị chê, hoặc đánh nhau (hồi sinh viên, ở ký túc xá, lâu lâu lại có một cuộc đánh nhau vì nhại tiếng quê nhau, kể chuyện tiếu lâm quê nhau, trong đó nhiều nhất là chuyện... bọ Quảng Bình, giờ đang là... đặc sản trên mạng), nhưng vào văn ông, nó thun thút tới mức có người bảo một ngày không được nghe, đọc khẩu văn Quảng Bình của bọ Lập là nhạt nguyên ngày ấy. Sau ông Lập tới ông Mai Nam Thắng, cũng dân Quảng Bình, hàm đại tá quân đội. Ông này thì đẻ hẳn ra nhân vật mự Ngụ để "giao phó trách nhiệm" cho bà mự này thay ông hiển ngôn. Giờ thì bạn bè gọi ông nhà văn đại tá này bằng danh xưng mới, "cháu mự Ngụ". Tôi có xúi anh in hẳn tập sách chuyên chuyện mự Ngụ đi, ông lưỡng lự cũng lâu rồi quyết: từ từ. Giờ in ra khéo có người vận vào rồi đi thưa kiện cũng khổ.

Lại nhớ nhà văn Sương Nguyệt Minh có hồi cũng bị tưng bừng kiện vì một cái truyện. Đấy là truyện ngắn "Nỗi đau dòng họ. Người bình thường kiện không nói làm gì, đây là anh em dòng họ kiện, vì cho rằng ông bôi nhọ dòng họ. Cũng phải khá lâu, qua rất nhiều trung gian, chuyện kiện này mới được hóa giải.

Ông kể: "Dù làng tôi là làng Côi Trì, còn trong truyện ngắn là làng Hạ; tên nhân vật, địa danh cũng không trùng với người và địa danh ở làng; nhưng người ta đọc thấy câu chuyện giống dòng họ mình, giống làng quê mình nên kiện tôi bêu rếu dòng họ, quê hương; những gì tôi tưởng tượng rồi hư cấu thì bị kiện là xuyên tạc bóp méo sự thật". Đấy, truyện ngắn nhé, tưởng tượng nhé, chả rõ tên làng tên xóm nhé, mà còn thế, thì ông Mai Nam Thắng ngần ngừ cũng đúng thôi.

Trở lại ông Nguyễn Quang Lập, hồi ấy, những là cu Hoe, là đóc Mẹt... các cái mà ông đưa được vào tác phẩm của mình thì tài quá. Nó vừa hết sức khu biệt, vừa hết sức không... vệ sinh, nhưng vào văn ông, nó... sáng lòa thái độ quyết liệt.

Còn Mai Nam Thắng, đây là một đoạn "hồi ký" của ông kể những rụt rè ban đầu về mự Ngụ: "Mấy hôm sau, tôi gửi email cho anh một chùm 5 chuyện đánh số thứ tự từ 1 đến 5, mỗi chuyện đều có tên riêng và tất cả đều đội tên chung là "Mự Ngụ làng tôi". Anh nhắn tin: Gửi tiếp nữa đi! Tôi lại hì hục sửa chữa và viết mới rồi gửi thêm cho anh 5 chuyện nữa. Anh nhắn tin: Sẽ đăng vào các chiều Chủ nhật hằng tuần nhé!

Tôi hồi hộp sung sướng chờ đợi Chủ nhật đầu tiên…

Và đến nay hơn 3 tháng đã trôi qua, 13 câu chuyện "Mự Ngụ làng tôi" đã được đăng tải trên báo. Và thật không ngờ, những câu chuyện đặc sệt Bọ ngữ quê choa lại được đông đảo bạn đọc gần xa chấp nhận. Nhiều người gọi tôi là "Mự Ngụ".

Không chỉ bạn bè bia rượu, mà mấy vị Tướng nguyên là những Thủ trưởng uy nghi đã hưu trí, thi thoảng gặp tôi hoặc trao đổi trên mạng cũng gọi tôi như thế. Hôm nọ, một ông cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội, a-lô với tôi về một bài viết trên Báo Văn Nghệ, cũng gọi tôi như thế. Nhiều bạn bè, đồng nghiệp của tôi ở miền Nam, ở Tây Nguyên… cũng gọi tôi như thế. Tôi trở thành Mự Ngụ chính danh như thế", đấy, tưng bừng như thế nhưng bảo tập hợp lại in thành sách thì vẫn... sợ.

Thì mới đây, một ông nhà báo, gần bốn mươi năm làm báo, từ phóng viên quèn lên tới Giám đốc đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, vừa nhận quyết định về hưu, thông báo với tôi một "chuyện động trời", tôi bảo biết rồi, nhận mấy tỷ về 178 trong không khí tinh giảm sáp nhập chứ gì? Không ạ, em nghỉ đúng tuổi. Thế gì mà quan trọng? Anh đọc hộ em tập này.

Thế là đẩy cho tôi một tập bản thảo.

Trời ạ, lại cũng đầy... quê.

Cái quê trong tập này là làng, những ngôi làng xứ Nghệ của tác giả Phan Xuân Luật, những là cá, lươn, là mùi khói bếp, là chuyện mất gà mất chó, là nồi cá kho, là bánh mướt xáo lòng (xáo là món ăn trứ danh xứ Nghệ, nó là món của nhà nghèo, nhưng giờ thành thứ mà nếu được ăn là có quyền... khoe ầm ĩ trên facebook), là lá lằng, su hào, chẻo, bù rợ, cà, tới mấy loại cà, kiểu cà, món cà, ruốc, cá trích..., rồi những tên người đặc Nghệ, những địa danh hết sức thân thương xứ Nghệ... nó khiến ta như được sống lại, được đẫm mình, được tắm trong ngọt ngào quê, sâu đằm quê, thơm thảo quê, ấm áp quê, ân tình quê, bao dung quê...

Mà người Nghệ xa xứ nhiều lắm. Họ đi, gánh theo cả quê hương làng mạc, nên những gì liên quan tới quê hương đều được họ nâng niu, trân trọng. Tôi được chơi với cả 2 ông tác giả nhạc và lời của ca khúc "Khúc hát sông quê" là Nguyễn Trọng Tạo và Lê Huy Mậu, nên đã chứng kiến người Nghệ quý các ông ấy như thế nào. Đi khắp nước, đâu có người Nghệ là các ông coi như nhà mình đã đành, tới sang nước ngoài, định đi một tuần do đồng hương xứ Nghệ mời, nhưng rồi những "Nghệ kiều" nhiều nước đã giữ, đã chuyền các ông cả tháng bên châu Âu.

Để thấy, quê hương quan trọng với nhà văn như thế nào. Và cũng dễ hiểu, tại sao vừa qua, các nhà văn, có tôi, ủng hộ quyết liệt việc giữ tên quê cho các địa danh mới sáp nhập. Và may mắn là, dù đã có nơi đặt tên theo số rồi, nhưng sau này, đa phần các tên quê đã được giữ, để chúng ta, vẫn sắp xếp, sáp nhập, vẫn tinh giản bộ máy, nhưng các tên quê vẫn được giữ.

Nó là hồn dân tộc. Là ký ức, là tự hào, là nỗi nhớ, là hoài niệm, là nơi để nhớ về, là nơi để kích hoạt thăng hoa...

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả