Rạn nứt Internet giữa Nga và thế giới ngày càng trầm trọng

Admin
Facebook cho phép phát "kích động thù địch" với quân đội Nga trong khi YouTube chặn kênh truyền thông nhà nước Nga. Nga đáp trả bằng cách chặn Instagram.

Xung đột Nga-Ukraine đã khiến cho các công ty mạng xã hội phải đau đầu tìm kiếm giải pháp kiểm soát luồng thông tin dồn dập trong khi vẫn duy trì một môi trường ảo ổn định dưới sức ép của chính phủ tất cả các bên. Tuy nhiên, rạn nứt giữa Nga và phần còn lại của thế giới trên mạng xã hội đang tiếp tục trở nên trầm trọng sau các động thái mới của Meta và YouTube. 

Ngày 10/3 vừa qua, Reuters đưa tin email nội bộ của Meta cho thấy Facebook đang tạm thời thay đổi chính sách phát ngôn thù hận của mình và cho phép kêu gọi bạo lực đối với quân đội Nga và một số người Nga nhất định.

Cụ thể hơn, Meta sẽ cho phép kêu gọi hành động bạo lực và phát ngôn thù hận trên Facebook đối với quân đội Nga (trừ tù nhân chiến tranh) và người Nga trong ngữ cảnh liên quan đến chiến tranh. Chính sách mới này sẽ cho phép một số lời kêu gọi bạo lực kể cả với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, tuy vẫn cấm những lời đe dọa bạo lực có bao gồm địa chỉ, thời gian hay phương thức nhắm vào mục tiêu. 

Thay đổi của Meta sẽ áp dụng với các quốc gia sau: Armenia, Azerbaijan, Estonia, Gruzia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Romania, Nga, Slovakia và Ukraine.

Đáp trả lại thay đổi này, Đại sứ quán Nga tại Mỹ đã yêu cầu Washington dừng ngay “hoạt động cực đoan” của Meta. Ngày 12/3, người đứng đầu Instagram Adam Mosseri cho biết Nga sẽ chặn Instagram tại quốc gia này từ ngày 14/3. Quy trình để chặn Instagram đã được cơ quan quản lý truyền thông Nga Roskomnadzor hoàn thành ngày 11/3. 

Bên cạnh Meta, YouTube cũng đã có động thái mới trong quá trình kiểm soát thông tin xung đột Nga-Ukraine. Mạng xã hội video này thông báo sẽ chặn các kênh truyền thông nhà nước Nga trên toàn thế giới, bao gồm TASS, RT và Sputnik. 

Lý do được đưa ra ở đây là các kênh này lan truyền thông tin phủ nhận, giảm thiểu hoặc tầm thường hóa “sự kiện bạo lực” được ghi nhận chi tiết và rõ ràng. “Sự kiện bạo lực” ở đây chính là chiến sự tại Ukraine. 

Tùng Phong (Theo Reuters/TASS)