
Giá dầu phục hồi, tiến sát mốc 70 USD/thùng
Theo ghi nhận từ MXV, kết thúc phiên hôm qua, sắc xanh bao phủ trên hầu hết các mặt hàng trong nhóm năng lượng khi xuất hiện những lo ngại mới về an ninh tại khu vực Trung Đông.
Trong đó, giá dầu WTI đã ghi nhận mức tăng lên tới 1,75%, dừng ở mốc 67,54 USD/thùng, giá dầu Brent cũng đã tiệm cận ngưỡng 70 USD/thùng, leo lên mốc 69,52 USD/thùng, tương ứng với mức tăng khoảng 1,46%.

Động lực chính hỗ trợ giá dầu tăng mạnh trong những phiên gần đây đến từ lo ngại gián đoạn nguồn cung tại Iraq – quốc gia có sản lượng dầu thô lớn thứ hai trong nhóm OPEC. Hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các mỏ dầu ở khu vực bán tự trị người Kurd, khiến hàng loạt các dự án phải tạm dừng hoạt động, qua đó kéo giảm hơn một nửa sản lượng dầu hàng ngày tại khu vực này.
Căng thẳng khu vực tiếp tục leo thang khi quan hệ giữa Israel và Syria trở nên đặc biệt nóng bỏng, nhất là sau hàng loạt cuộc không kích của quân đội Israel nhắm vào thủ đô Damascus trong những ngày gần đây. Tình hình tại dải Gaza cũng như nguy cơ mất an toàn hàng hải tại Biển Đỏ đã đe dọa tự do hàng hải và làm gia tăng áp lực rủi ro đối với dòng chảy thương mại quốc tế.
Trái ngược diễn biến chung của thị trường năng lượng, giá khí tự nhiên trong phiên hôm qua ghi nhận mức giảm nhẹ 0,25%, xuống còn 3,54 USD/MMBtu. Trước đó, mặt hàng này đã có 4 phiên tăng giá liên tiếp nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao sau các dự báo về tình trạng nắng nóng quay trở lại.
Trong báo cáo hàng tuần mới được công bố trong ngày hôm qua của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho khí tự nhiên tại Mỹ đã tiếp tục tăng hơn 1,3 tỷ mét khối trong tuần kết thúc vào ngày 11/7, cao hơn nhiều so với mức dự đoán của thị trường. Trong khi đó, cơn bão mới tại vịnh Mexico cũng đang gây khó khăn cho hoạt động xuất khẩu khí hóa lỏng LNG từ các cảng tại miền Nam nước Mỹ, bao gồm điểm trung chuyển Henry Hub tại bang Lousiana.
Giá bạch kim thiết lập mức cao nhất trong hơn 11 năm
Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua (17/7), thị trường kim loại chứng kiến lực mua áp đảo với 8/10 mặt hàng trong nhóm đồng loạt tăng giá. Trong đó, giá bạch kim tiếp tục tăng thêm 2,6% lên mức 1.472 USD/ounce, mức cao nhất trong hơn 11 năm trở lại đây.

Thị trường bạch kim toàn cầu tiếp tục đối mặt với tình trạng mất cân đối cung – cầu nghiêm trọng, khi thâm hụt dự kiến kéo dài sang năm thứ ba liên tiếp, yếu tố then chốt nâng đỡ giá kim loại quý này trong thời gian qua. Trong khi đó, nhu cầu trang sức bạch kim tại Trung Quốc đang ngày càng gia tăng. Ghi nhận thực tế cũng cho thấy sản lượng chế tác trang sức bạch kim tại thị trường này trong quý I đã vọt lên 26% so với cùng kỳ năm trước.
Về phía nguồn cung, tổng sản lượng bạch kim trong năm 2025 dự kiến sẽ giảm 4% xuống còn khoảng 7 triệu ounce, mức thấp nhất trong vòng 5 năm gần đây, do sản lượng khai thác giảm ở các khu vực sản xuất chính. Lượng tồn kho bạch kim trên toàn cầu trong năm nay cũng dự kiến sẽ giảm 31%, xuống còn 2,2 triệu ounce – tương đương với chỉ ba tháng nhu cầu toàn cầu, làm trầm trọng thêm lo ngại về thiếu hụt nguồn cung trong trung và dài hạn.
Ở chiều ngược lại, môi trường lãi suất cao kéo dài đã cản bớt đà tăng giá trong phiên, khi thị trường đón nhận thêm những thông tin mới về sức khỏe thị trường lao động. Theo Bộ Lao động Mỹ, trong tuần kết thúc ngày 12/7, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã giảm 7.000, xuống còn 221.000 hồ sơ – mức thấp nhất kể từ giữa tháng 4 và ghi nhận tuần suy giảm thứ năm liên tiếp. Tuy nhiên, số đơn tiếp tục xin nhận trợ cấp thất nghiệp trong tuần kết thúc ngày 05/07 vẫn tiệm cận mức cao nhất kể từ cuối năm 2021, với tổng cộng 1,96 triệu hồ sơ.
Lãi suất duy trì ở mức cao tiếp tục củng cố sức mạnh của đồng USD, khiến các mặt hàng định giá bằng USD như bạch kim trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua sử dụng ngoại tệ khác. Thực tế này đang làm gia tăng lo ngại về khả năng suy giảm nhu cầu toàn cầu đối với bạch kim, khi chi phí mua vào tăng lên ở hầu hết các thị trường ngoài Mỹ.