Địa bàn rộng thì liệu có đủ sức sát dân, gần dân?
Tham gia góp ý vào Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sáng 14/5, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) đồng tình với việc sửa đổi các nội dung liên quan đến tổ chức đơn vị hành chính và mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo đại biểu, việc này nhằm giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh gọn tổ chức bộ máy, xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
"Đây có thể xem là cuộc cách mạng trong cải cách nền hành chính nước nhà", đại biểu nói và tin tưởng vào sự thành công của các cải cách này.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Ảnh: Media Quốc hội).
Dù vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Hận cho rằng sự thay đổi này là quá lớn, ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả các mặt đời sống xã hội, từ kinh tế xã hội cho đến tâm tư nguyện vọng của người dân.
"Dưới sự sáp nhập các đơn vị hành chính, thì một số địa danh gắn liền với lịch sử dân tộc, với nhân dân địa phương sẽ chỉ còn là hoài niệm trong ký ức. Một cấp chính quyền từng đồng hành với sự phát triển của đất nước đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, chấm dứt sự tồn tại.
Một số lượng lớn công chức, cán bộ không chuyên trách sau nhiều năm gắn bó với bộ máy Nhà nước phải nghỉ việc, đang loay hoay tìm hướng đi mới, gặp không ít khó khăn trong việc tái hòa nhập thị trường lao động, số còn lại cũng chưa biết đi đâu về đâu, nơi ăn chốn ở thế nào?", ông Hận nói.
Đại biểu nói thêm: "Người dân băn khoăn, lo lắng vì địa bàn rộng, xa trung tâm hành chính của tỉnh, liệu có ảnh hưởng việc thực hiện quyền nghĩa vụ công dân? Cán bộ cấp xã có tăng nhưng còn ít hơn khi còn cấp huyện và với địa bàn rộng thì liệu có đủ sức sát dân, gần dân? Tương tự với lực lượng công an xã, liệu địa bàn rộng có đảm bảo quản lý tốt khi có tình huống xảy ra?".

Đại biểu nêu vấn đề sau khi sáp nhập tỉnh, có những xã cách trung tâm hành chính tỉnh hàng trăm km (Ảnh: Hữu Thắng).
Với một vài dẫn chứng trên, đại biểu đề nghị các ngành các cấp cần sớm có câu trả lời, cần có giải pháp để đạt được mục tiêu sau khi sáp nhập, đó là: Bộ máy hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, không bị gián đoạn, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đến hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo quốc phòng an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận cũng thống nhất cao với sửa đội các quy định phân cấp phân quyền, phân rõ nhiệm vụ quyền hạn giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với cấp xã.
"Vì sau khi sáp nhập tỉnh, có những xã cách trung tâm hành chính tỉnh hàng trăm km, với hạ tầng giao thông thấp kém ở nhiều xã vùng sâu vùng xa, vùng miền núi, sẽ tốn nhiều thời gian, kinh phí. Việc phân cấp này sẽ hết sức cần thiết", ông Hận nói thêm.
Bên cạnh việc phân cấp mạnh, giao quyền tự quyết cho cấp xã, ông cho rằng cũng cần có cơ chế phối hợp giữa các xã, phường giáp ranh một cách hiệu quả.
Ví dụ trên cùng tuyến đường nhưng cùng thuộc quản lý của 2 phường xã, thậm chí là nhiều hơn, việc đầu tư là của UBND tỉnh, nhưng những nội dung như cây xanh, vỉa hè thì cần có sự thống nhất, mà ở đó UBND tỉnh không cần tham gia.
Vấn đề địa phương tự quyết được thì không trình lên Trung ương
Góp ý về phân định thẩm quyền địa phương, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Nam Định) cho biết, trong dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định những vấn đề liên quan đến 2 đơn vị hành chính cấp xã trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính quyền cấp tỉnh. Những vấn đề thuộc 2 tỉnh trở lên thì thuộc thẩm quyền giải quyết cấp Trung ương.
Song trên thực tế có 2 xã giáp nhau nhưng thuộc 2 tỉnh. Chẳng hạn như chuyện khói bụi từ xã này đến xã kia, kè sông của xã này gây sạt lở bờ sông của xã kia, việc xả thải của xã này gây ảnh hưởng đến cuộc sống của xã kia sẽ phải đưa đến cơ quan Trung ương giải quyết vì thuộc 2 tỉnh?

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Ảnh: Media Quốc hội).
Ông khuyến cáo, nếu những việc cụ thể như thế phải đưa lên Trung ương giải quyết thì sẽ rất tốn kém thời gian, nhiều trình tự thủ tục, nhiều tổ chức phải tham gia… trong khi những việc này chính quyền 2 xã, 2 tỉnh có thể xử lý được.
Ở góc độ khác, quy định như dự thảo Luật sẽ tạo ra vấn đề của chính quyền cấp xã sẽ đẩy lên cấp tỉnh, việc cấp tỉnh đẩy lên Trung ương mà không tự giải quyết ngay từ đầu, không phát huy được tính chủ động trong phục vụ nhân dân, không thể hiện được mục tiêu của Luật là xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân.
Do đó, cần có biện pháp đơn giản hơn để giải quyết đối với trường hợp này với phương châm địa phương quyết, địa phương thực hiện, địa phương chịu trách nhiệm.
Đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề xuất bổ sung quy định loại trừ đó là trừ trường hợp các địa phương liên quan tự giải quyết được vấn đề đó. Nếu có thể tự giải quyết ngay từ đầu thì sẽ rất ổn định tình hình, không cần phải đưa lên Trung ương.