Sở Y tế Tp.HCM khẳng định không thiếu thuốc điều trị Covid-19

Admin
Trước tình trạng người dân đổ xô mua thuốc điều trị Covid-19 trên thị trường, đại diện Sở Y tế Tp.HCM lên tiếng cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy đến.

Chiều tối 7/3, tại họp báo tình hình kinh tế - xã hội 2 tháng đầu năm và công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Tp.HCM, Chánh văn phòng Sở Y tế Tp.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai kêu gọi người dân không nên trữ thuốc điều trị Covid-19. 

Cụ thể, theo bà Huỳnh Mai, người dân Tp.HCM đang có xu hướng trữ thuốc điều trị Covid-19 và điều này là không tốt. 

“Bộ Y tế đã có kế hoạch làm việc với 3 đơn vị có năng lực sản xuất thuốc điều trị là 2 triệu viên/tháng, Tới đây, Bộ Y tế sẽ cấp phép hàng loạt cho cá công ty nếu đủ điều kiện sản xuất thuốc nên chúng ta không lo thiếu thuốc. Thậm chí giá thành sẽ giảm khi các công ty sản xuất hàng loạt”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai nói.

Cùng với đó, việc trữ thuốc ảnh hưởng đến thời hạn, hiệu quả sử dụng thuốc cũng như khi mắc Covid-19, để điều trị cần theo toa của bác sĩ.

Sự kiện - Sở Y tế Tp.HCM khẳng định không thiếu thuốc điều trị Covid-19

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế Tp.HCM cảnh báo việc tích trữ thuốc điều trị Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến thời hạn sử dụng của thuốc.

Trước thông tin Bộ Y tế đề xuất Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia ngưng công bố ca mắc Covid-19 hàng ngày, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay, Tp.HCM nói riêng và cả nước nói chung cho đến giờ này vẫn đang thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Quyết định 218 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết số 128.

Dù vậy, theo bà Mai, trường hợp không công bố ca nhiễm cũng không đồng nghĩa không ghi nhận ca nhiễm trên địa bàn Tp.HCM. Thời gian qua, địa phương làm rất tốt việc ghi nhận ca nhiễm lẫn công bố cấp độ dịch theo địa bàn.

Ngành y tế Tp.HCM hiện chưa có số liệu về tỉ lệ các ca tái nhiễm. Do đó, không xác định con số các ca tái nhiễm trở nặng và đây cũng là chỉ tiêu không có trong yêu cầu báo cáo của Bộ Y tế.

“Nhưng, ngành y tế quan sát qua các ca chuyển nặng và tử vong ghi nhận tại Tp.HCM cho thấy, ca chuyển nặng có dấu hiệu tăng sau những lần giảm dần từ đỉnh dịch, ca tử vong thì giảm sâu. Hiện, ngành y tế vẫn tiếp tục theo dõi các ca chuyển nặng để có hướng xử lý tiếp theo”, bà Mai thông tin.

Để giữ vững hiệu quả chống dịch của Thành phố này, Sở Y tế Tp.HCM đã có các giải pháp cụ thể, nhất là việc ứng phó với tình hình ca nhiễm tăng, bao gồm sẵn sàng kích hoạt các khu thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.

Đặc biệt, chiến dịch bảo vệ cho người có nguy cơ được thực hiện đến 31/3 là đi từng ngõ, gõ từng nhà để cập nhật những người thuộc nhóm đối tượng này nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh.

Đối với các ý kiến của nhiều chuyên gia về xem bệnh Covid-19 là “bệnh đặc hữu”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng, Tổ chức Y tế thế giới vẫn đang xem Covid-19 là đại dịch và có nhiều quan ngại với biến chủng mới.

Tuy rằng số ca chuyển nặng, tử vong của Việt Nam không nhiều và tỉ lệ tiêm vắc-xin cao so với các nước trên thế giới nhưng vẫn chưa coi đây là bệnh lưu hành theo ý nghĩa “bệnh đặc hữu” và ngành y tế vẫn đang có sự phối hợp để tham mưu Thủ tướng xác định.

Về việc Bộ Y tế đã đề xuất cho F1 đi làm khi đáp ứng một số điều kiện và F0 có thể làm việc trực tuyến tại nhà, đại diện Sở Y tế Tp.HCM cho hay, ngành y tế Tp.HCM cũng như các Sở ngành khác đang thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Y tế về việc phân loại F0, F1.

Đối với chỉ đạo này, định nghĩa F1 có các điều kiện hạn chế nên số lượng F1 không nhiều. Mục tiêu là quản lý kiểm soát tốt F0, F1 để ngăn lây nhiễm cho cộng đồng và các đối tượng có nguy cơ.

“Như vậy, địa bàn Tp.HCM chưa có hướng dẫn cho F1 đi làm bình thường nên vẫn thực hiện theo đúng quy định của Bộ Y tế", bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho hay.