Sửa đổi Hiến pháp 2013: khẳng định rõ hơn vị thế của MTTQ Việt Nam

Admin
(Chinhphu.vn) - Một số điều được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp 2013 đã khẳng định rõ hơn vị thế của MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.

Ngày 20/5, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị đánh giá sơ bộ kết quả lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 trong hệ thống MTTQ Việt Nam.

Ông Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy MTTQ, các đoàn thể Trung ương, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Hoàng Công Thủy, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì Hội nghị.

Sửa đổi Hiến pháp 2013: khẳng định rõ hơn vị thế của MTTQ Việt Nam - Ảnh 1.

Chủ trì Hội nghị - Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Trên 38.000 ý kiến góp ý trong hệ thống MTTQ Việt Nam

Trình bày báo cáo bước đầu tổng hợp sơ bộ kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết trong hệ thống MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy nêu rõ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến trong hệ thống MTTQ Việt Nam được thực hiện kịp thời, nghiêm túc, bài bản.

Đến nay, MTTQ các tỉnh Bình Thuận, Lai Châu, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Điện Biên, Quảng Trị, Thanh Hóa, Đà Nẵng, TP Hà Nội, TPHCM, Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức 6.558 hội nghị để thảo luận, lấy ý kiến sâu rộng trong đoàn viên, hội viên, thành viên của mỗi tổ chức.

Đồng thời phát huy vai trò và sự tham gia tích cực của các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, Hội đồng tư vấn, các vị nguyên lãnh đạo của MTTQ ; các luật gia, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực pháp lý….

Trên các báo, tạp chí, báo điện tử, trang Fanpage MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội… đều mở chuyên trang, chuyên mục về lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết, cập nhật thường xuyên các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến việc lấy ý kiến; đăng tải hàng trăm bài viết liên quan liên quan đến quá trình tổ chức lấy ý kiến và các ý kiến góp ý cụ thể vào nội dung của dự thảo Nghị quyết của Mặt trận và các ý kiến góp ý vào dự thảo Nghị quyết.

Cùng với quá trình tổ chức lấy ý kiến, MTTQ Việt Nam tăng cường tuyên truyền, định hướng tư tưởng để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao với việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp; động viên đoàn viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia góp ý kiến dự thảo Nghị quyết, nhất là tham gia ý kiến qua các ứng dụng VneID do Bộ Công an triển khai.

Đối với kết quả sơ bộ lấy ý kiến vào dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy cho biết, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này ngắn gọn, chỉ tập trung vào 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp cơ quan của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ Nhân dân tốt hơn. 

Sửa đổi Hiến pháp 2013: khẳng định rõ hơn vị thế của MTTQ Việt Nam - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Hội nghị -Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Qua theo dõi và tổng hợp, Ban Thường trực nhận thấy ý kiến thảo luận, góp ý rất tập trung, đi thẳng vào các nội dung, điều khoản được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp.Thống kê sơ bộ đã có 538.752 ý kiến góp ý trong hệ thống MTTQ vào các điều khoản được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Nghị quyết.

"Đa số ý kiến đều bày tỏ sự thống nhất cao về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và mong muốn những điểm mới trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp sẽ phục vụ đắc lực cho tổ chức và hoạt động của MTTQ Việt Nam cũng như chủ trương xây dựng chính quyền địa phương hai cấp", Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam thông tin.

Đa số ý kiến thống nhất và tán thành với các nội dung sửa đổi, bổ sung

Về kết quả góp ý kiến vào điều khoản cụ thể của dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy cho biết, đối với các quy định liên quan tới MTTQ Việt Nam, tổng số ý kiến góp ý vào Điều 9 là 89.998, trong đó có 89.916 ý kiến tán thành, 82 ý kiến tán thành và có đề nghị sửa đổi, hoàn thiện hơn.

Tổng số ý kiến góp ý vào Điều 10 là 87.624 trong đó có 87.459 ý kiến y kiến tán thành và 165 ý kiến tán thành và có sửa đổi, hoàn thiện hơn. Tổng số có 82.963 ý kiến góp ý, trong đó có 82.833 ý kiến tán thành, 130 ý kiến tán thành và có sửa đổi, hoàn thiện hơn.

Nhìn chung, đa số ý kiến thống nhất và tán thành cao với các nội dung sửa đổi, bổ sung tại các điều 9, 10, khoản 1 Điều 84 Hiến pháp và đều cho rằng nội dung sửa đổi, bổ sung tại Điều 9 Hiến pháp 2013 đã khẳng định rõ hơn vị thế của MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; bổ sung quy định các tổ chức chính trị - xã hội "trực thuộc" Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại khoản 2 Điều 9 và Điều 10 Hiến pháp năm 2013 có tính đột phá, phù hợp với chủ trương, nghị quyết của Đảng trong giai đoạn hiện nay, nhất là với Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Sửa đổi Hiến pháp 2013: khẳng định rõ hơn vị thế của MTTQ Việt Nam - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy trình bày báo cáo bước đầu tổng hợp kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết trong hệ thống MTTQ Việt Nam - Ảnh: VGP/Toàn Thắng

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy, bên cạnh đó, còn nổi lên một số ý kiến trong quá trình thảo luận, tham gia ý kiến (bao gồm cả ý kiến phát biểu của Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và Hội trường tại kỳ họp thứ 9).

Theo đó, một số ý kiến đề nghị diễn đạt lại nội dung tại khoản 1 ngắn gọn, logic hơn; đề nghị cân nhắc việc đưa nội dung "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo" vào khoản 1 vì tại Điều 4 của Hiến pháp hiện hành đã quy định về nội dung này; đề nghị thay cụm từ "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị…" bằng cụm từ "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là bộ phận trong hệ thống chính trị…". 

Một số ý kiến còn băn khoăn về việc sử dụng cụm từ "trực thuộc MTTQ Việt Nam" tại khoản 2 vì mang tính chất hành chính, trong khi 5 tổ chức chính trị - xã hội là các tổ chức mang tính liên hiệp tự nguyện; MTTQ Việt Nam không có chức năng lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội nên các tổ chức chính trị - xã hội không "trực thuộc" hoặc "thuộc" MTTQ  Việt Nam. Vì vậy, đề nghị bỏ cụm từ "trực thuộc MTTQ  Việt Nam" vì cụm từ "được tổ chức và hoạt động thống nhất trong MTTQ  Việt Nam" đã thể hiện nội dung này hoặc thay bằng quy định các tổ chức này là "thành viên cốt lõi" của MTTQ Việt Nam.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy, một số ý kiến đề nghị giữ lại quy định về quyền trình dự án luật, pháp lệnh của 5 tổ chức chính trị - xã hội vì các tổ chức chính trị - xã hội này cũng là một bộ phận của hệ thống chính trị. 

Có ý kiến cho rằng, hiện nay các tổ chức chính trị - xã hội đã tập trung đầu mối về MTTQ Việt Nam, do vậy, đề nghị sửa đổi, bổ sung thêm khoản 8 Điều 96 của Hiến pháp năm 2013 quy định về cơ chế phối hợp giữa Chính phủ với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội; việc mời tham dự phiên họp của Chính phủ khi bàn các vấn đề có liên quan để bảo đảm thống nhất trong các nội dung của Hiến pháp.

"Một số ý kiến phát biểu cụ thể về diễn đạt, kỹ thuật thể hiện tại Điều 9, Điều 10 để bảo đảm ngắn gọn, logic hơn, vừa giữ được tính khái quát của Hiến pháp, vừa bảo đảm thể hiện rõ bản chất và vai trò của MTTQ trong hệ thống chính trị", Phó Chủ tịch Hoàng Công Thủy nêu.

TIN LIÊN QUANMTTQ Việt Nam lấy ý kiến tham gia sửa đổi Hiến phápỦy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vinh danh kiều bào tiêu biểu năm 2024Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vinh danh kiều bào tiêu biểu năm 202

Đa số ý kiến thống nhất với các nội dung sửa đổi, bổ sung tại dự thảo nghị quyết và đã bảo đảm phù hợp với chủ trương sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy đề nghị các vị đại biểu phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, đề cao trách nhiệm, tiếp tục tham gia ý kiến vào nội dung, điều khoản được sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp năm 2013 và dự thảo Báo cáo kết quả sơ bộ lấy ý kiến trong hệ thống MTTQ Việt Nam đối với dự thảo Nghị quyết.

"Ban Thường trực sẽ chỉ đạo ghi nhận, tổng hợp và thể hiện đầy đủ, khách quan ý kiến góp ý của các cụ, các vị, các đồng chí và hoàn thiện Báo cáo gửi Chính phủ, Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 đúng thời hạn yêu cầu.", Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hoàng Công Thủy nhấn mạnh.

Toàn Thắng