Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong gần 20 năm

Admin
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, kinh tế Việt Nam tốt hơn qua từng tháng, từng quý và tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Kinh tế - xã hội phát triển toàn diện

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 diễn ra chiều 3/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết dự báo cuối tháng 5, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2025 ước đạt 7,67% so với cùng kỳ.

Tính chung 6 tháng đạt 7,31%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản 06 tháng tăng 3,85%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,18%, dịch vụ tăng 7,83%. Ước số liệu đến hết tháng 6, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng có thể cao hơn 0,2-0,3% so với dự báo.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết tăng trưởng kinh tế đạt kết quả cao nhất trong gần 20 năm, nhiều chỉ tiêu, chỉ số về sản xuất kinh doanh, ngân sách nhà nước (NSNN)… tốt hơn qua từng tháng, từng quý; tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong gần 20 năm- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng báo cáo tại phiên họp (Ảnh: VGP).

Thu ngân sách Nhà nước, thu hút FDI, xuất khẩu, phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh… đạt nhiều điểm sáng nổi bật. Đạt mục tiêu, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng về thể chế, sắp xếp lại cơ cấu, tổ chức, bộ máy, hệ thống chính quyền, thực hiện 03 đột phá chiến lược; đàm phán thương mại với Mỹ và hội nhập quốc tế.

Ngày 2/7 vừa qua, 2 đoàn đàm phán của Việt Nam và Mỹ đã thống nhất Tuyên bố chung Việt Nam – Mỹ về khuôn khổ Hiệp định thương mại đối ứng, công bằng và cân bằng.

Đồng thời, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước và tiếp tục trao đổi một số phương hướng, biện pháp lớn để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực then chốt, đột phá như khoa học công nghệ cao.

"Đây là kết quả quan trọng trong đàm phán, tạo niềm tin, kỳ vọng cho doanh nghiệp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Kỷ lục mới trong tháng 6: Gần 25.000 DN thành lập mới, hơn 14.000 DN quay lại hoạt động

Báo cáo thêm về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng cho biết công nghiệp chế biến, chế tạo quý II tăng 10,65% so với cùng kỳ. Tính chung 6 tháng tăng 10%, đạt kịch bản đề ra và thuộc số ít các năm tăng trưởng 6 tháng đạt 2 con số kể từ năm 2011.

Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 6 tháng đạt 152.700 doanh nghiệp, cao hơn 20% so với số rút lui khỏi thị trường (127.200 doanh nghiệp). 6 tháng, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế đạt gần 2,8 triệu tỷ đồng, tăng 89,03% so với cùng kỳ.

"Tính riêng tháng 6, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đạt gần 24.400 doanh nghiệp, cao nhất từ trước đến nay", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Mục tiêu tăng trưởng còn nhiều thách thức

Bên cạnh những kết quả ấn tượng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng dự báo thời gian tới dự báo nền kinh tế sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức hơn.

"Mục tiêu tăng trưởng năm 2025 còn nhiều thách thức; kinh tế vĩ mô còn chịu nhiều sức ép, nhất là trong điều hành tỷ giá, lãi suất…", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chỉ ra một số các thách thức.

Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong gần 20 năm- Ảnh 2.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2025 (Ảnh: VGP).

Về nhiệm vụ, giải pháp trong tháng 7 và quý III/2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề xuất khẩn trương trình Chính phủ ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển thương mại hài hòa, bền vững với các nước. Không ngừng hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cùng với đó là thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống về đầu tư, tiêu dùng trong nước và phát triển các động lực tăng trưởng mới.

"Phấn đấu thu ngân sách Nhà nước năm 2025 tăng 15% so với dự toán, tỷ lệ động viên vào ngân sách Nhà nước khoảng 16% GDP; phấn đấu tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên các tháng cuối năm để đầu tư xây dựng trường nội trú cho học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chi cấp bách...", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết.