Tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho tòa chuyên biệt trong Trung tâm tài chính

Admin
(Chinhphu.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, chiều 26/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản và Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho tòa chuyên biệt trong Trung tâm tài chính- Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại phiên thảo luận

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đánh giá cao nội dung dự thảo, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình (Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang) đánh giá cao việc xây dựng tòa án chuyên biệt trong trung tâm tài chính. Nhiệm vụ của tòa chuyên biệt để giải quyết các xung đột, tranh chấp phát sinh trong trung tâm tài chính.

Trong trung tâm tài chính sẽ có cả các định chế tài chính Việt Nam nhưng chủ yếu là các định chế tài chính nước ngoài.

"Chúng ta xây dựng các trung tâm tài chính là để thu hút các nguồn lực quốc tế phục vụ cho phát triển kinh tế của đất nước. Một trong những vấn đề mà các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là trong những tình huống pháp lý có xung đột thì tài sản và quyền sở hữu của họ được bảo vệ và thiết chế để bảo vệ tài sản này thì chính là cơ quan giải quyết tranh chấp trong trung tâm tài chính, trong đó có tòa chuyên biệt như chúng ta đang bàn ở đây", Phó Thủ tướng Thường trực phân tích.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng lưu ý rằng việc thành lập tòa án chuyên biệt cần quan tâm tới nhiều yếu tố để đảm bảo tòa án có thể vận hành thực chất và hiệu quả...

Phó Thủ tướng Thường trực lấy ví dụ cụ thể như về ngôn ngữ trong xét xử. Hiện tại Luật Tòa án yêu cầu các phiên tòa xét xử bằng tiếng Việt. Tuy nhiên trong trung tâm tài chính với các định chế quốc tế nước ngoài thì xét xử bằng tiếng Việt sẽ rất khó.

Hay đối với thẩm phán, trong dài hạn sẽ phải có một đội ngũ thẩm phán đủ năng lực để giải quyết những tranh chấp quốc tế, có yếu tố nước ngoài. Trước mắt, về ngắn hạn sẽ chưa thể đáp ứng được ngay nên theo kinh nghiệm nhiều nước sẽ thuê thẩm phán nước ngoài. Đây cũng là câu chuyện cần quan tâm.

Tiếp nữa, theo Phó Thủ tướng Thường trực, pháp luật được áp dụng trong tòa chuyên biệt ra sao? Các tranh chấp quốc tế thường được lựa chọn áp dụng pháp luật như thế nào?... Nếu chúng ta xét xử trong trung tâm tài chính mà căn cứ vào pháp luật Việt Nam hiện hành thì chưa đủ để giải quyết những tranh chấp, xung đột.

Do đó, cần xem xét bổ sung các quy định trong lần sửa đổi luật này để tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ cho việc tổ chức và vận hành tòa án chuyên biệt trong Trung tâm tài chính.

Tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho tòa chuyên biệt trong Trung tâm tài chính- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu tại phiên thảo luận

Phân cấp thẩm quyền tòa án phù hợp với mô hình tổ chức mới

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) bày tỏ tán thành với dự thảo luật, đồng thời đánh giá cao việc sửa đổi các quy định liên quan đến thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực và Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Theo đại biểu, việc dự thảo điều chỉnh thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh không còn thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ việc dân sự, vụ án hành chính, giải quyết phá sản, thực hiện hoạt động hòa giải đối thoại tại Tòa án mà trao quyền cho Tòa án nhân dân khu vực là phù hợp với quy mô, tổ chức bộ máy mới của Tòa án sau sắp xếp.

Bởi lẽ so với Tòa án nhân dân cấp huyện trước đây, Tòa án nhân dân khu vực được thành lập sẽ mạnh hơn về tổ chức, chuyên môn và nhân lực nên việc phân cấp thẩm quyền giải quyết như dự thảo là hợp lý. Điều này sẽ giúp Tòa án nhân dân cấp tỉnh chuyên trách hơn trong các thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm…

Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Việt Nga cũng chỉ rõ, mô hình này cũng tương đồng với nhiều quốc gia trên thế giới, đó là hệ thống Tòa án cấp tỉnh chủ yếu giữ vai trò kiểm tra, giải quyết kháng nghị, kháng cáo chứ không phải cấp xét xử đầu tiên. 

Tuy nhiên, việc giao thẩm quyền cho Tòa án nhân dân khu vực cần có những quy định, hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là quy định về việc chuyển giao đối với các vụ việc còn đang được giải quyết, song song với đó là việc đầu tư hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, đảm bảo cho việc thực hiện các nhiệm vụ theo thẩm quyền.

Liên quan đến đề xuất thành lập Tòa Phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ tại Tòa án nhân dân khu vực, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng việc thành lập các Tòa Phá sản và Tòa Sở hữu trí tuệ ở cấp khu vực. Bởi thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy số lượng vụ án trong hai lĩnh vực này là không lớn, thậm chí tại nhiều tỉnh, thành phố hầu như không phát sinh loại án này trong cả năm. Thành lập Tòa chuyên trách về phá sản và sở hữu trí tuệ ở các tòa khu vực sẽ kéo theo việc bổ nhiệm thêm chức danh lãnh đạo, biên chế, trong khi hiệu suất xét xử của các tòa này vẫn thấp.

Đối với 2 lĩnh vực này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị bố trí Thẩm phán chuyên trách trong Tòa Kinh tế hoặc Tòa Dân sự đảm nhiệm, không tổ chức thêm tòa chuyên trách.

Hải Giang

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Điều chỉnh tăng thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực so với Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nayĐiều chỉnh tăng thẩm quyền của Tòa án nhân dân khu vực so với Tòa án nhân dân cấp huyện hiện nay
Tham khảo thêm
Đề xuất thành lập Tòa án nhân dân khu vực, Tòa chuyên trách về Phá sản, Sở hữu trí tuệĐề xuất thành lập Tòa án nhân dân khu vực, Tòa chuyên trách về Phá sản, Sở hữu trí tuệ