Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Ngày 22/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5/2025.
Tại đây, Chính phủ đã nghe báo cáo, cho ý kiến xử lý các vướng mắc phát sinh trong xây dựng các nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền gắn với tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Cho ý kiến về nội dung này, Thủ tướng Phạm Minh Chính dành thời gian phân tích hàng loạt ví dụ cụ thể từ thực tiễn. Nhắc lại bài học từ nhiều vụ việc khiến nhiều cán bộ bị xử lý, kỷ luật, kể cả xử lý hình sự, Thủ tướng cho rằng có nguyên nhân từ việc cấp trên "ôm" cả những việc cụ thể mà không phân cấp, phân quyền cho cấp dưới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5/2025 (Ảnh: VGP).
Thủ tướng cũng lấy ví dụ, vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã chuyển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc về Hà Nội quản lý và nhấn mạnh, Bộ phải thiết kế các chính sách và phân cấp quản lý cho địa phương để cả nước có thêm hàng chục khu công nghệ cao như vậy.
Do đó, Thủ tướng nêu rõ, phải quán triệt tinh thần phân cấp, phân quyền triệt để từ cấp trên xuống cấp dưới, đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, thiết kế công cụ để tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; đồng thời chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Cùng với phân cấp, phân quyền cho địa phương, các bộ ngành, cơ quan ở Trung ương giữ vai trò kiến tạo, không làm công việc cụ thể mà tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ quản lý nhà nước.
Cụ thể là xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; xây dựng thể chế, pháp luật để quản lý và kiến tạo phát triển; xây dựng cơ chế, chính sách huy động nguồn lực để phát triển ngành, lĩnh vực nhanh, bền vững; thiết kế công cụ để kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; đánh giá, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, xây dựng lý luận, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; thực hiện công tác thi đua khen thưởng, xử lý kỷ luật kịp thời, chính xác, công bằng, hợp lý, hiệu quả.
Thủ tướng lưu ý, phải quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm chính trong các lĩnh vực quản lý và phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, không để trùng chéo hoặc khoảng trống pháp lý trong các lĩnh vực quản lý. Các bộ, ngành Trung ương thiết kế quy định, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn, ví dụ quy định về thực phẩm sạch, sản xuất sạch… và tăng cường giám sát, kiểm tra, trên phạm vi cả nước thì cấp bộ kiểm tra, ở cấp tỉnh thì tỉnh làm, cấp cơ sở thì cơ sở làm.
Tiếp tục rà soát để phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho cấp nào sát thực tế hơn, gần dân, sát dân hơn, làm tốt hơn, hiệu quả hơn, chỗ nào làm tốt nhất thì giao việc, cái gì người dân, doanh nghiệp làm tốt thì để người dân và doanh nghiệp làm.
Nghiên cứu chính sách nhà ở xã hội cho gia đình đông con
Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến về: Dự án Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam và cấm đi khỏi nơi cư trú; dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Giám định tư pháp (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí; đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Dân số.
Trong đó, với đề nghị xây dựng Luật Tiết kiệm, chống lãng phí, Thủ tướng nêu rõ việc xây dựng luật này nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Bộ Chính trị, của đồng chí Tổng Bí thư trong đẩy mạnh phòng chống lãng phí; chuyển đổi trạng thái từ bị động xử lý sang chủ động phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi lãng phí. Thủ tướng đề xuất bổ sung các hành vi lãng phí gồm cả lãng phí thời gian và bỏ lỡ thời cơ phát triển.

Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 5/2025 (Ảnh: VGP).
Về đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm (sửa đổi), Thủ tướng cho rằng cần khẳng định lĩnh vực an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người dân, do đó Bộ Y tế phải chủ trì, các bộ, ngành khác phải phối hợp trong công tác này, bảo đảm quản lý được nhưng đáp ứng yêu cầu phát triển.
Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan khẩn trương trình ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018 ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm.
Về đề nghị xây dựng Luật Dân số, Thủ tướng nhấn mạnh cần chuyển trạng thái từ quan điểm "dân số kế hoạch hóa" sang quan điểm dân số phát triển và ứng phó già hóa dân số, các chính sách phải thúc đẩy điều này, vừa quan tâm số lượng, vừa nâng cao chất lượng dân số, có chính sách khuyến khích phù hợp với việc sinh con và phát triển con người toàn diện cả về "đức - trí – thể - mĩ", như nghiên cứu mở rộng chính sách nhà ở xã hội cho cả các gia đình đông con, các đối tượng yếu thế khi có con…