
“Bên nói có - bên nói không”
Theo trình bày của ông P, trong quá trình nhận nuôi dưỡng cháu A, bà Y đã có một số hành vi làm ảnh hưởng tới quyền lợi của con. Cụ thể, bà Y đã cho con nghỉ học cuối học kỳ 2 lớp 8. Bà còn lạm dụng, bóc lột sức lao động của con khi trong dịp Tết Nguyên đán năm 2023 khi bắt con phụ quán ăn cho em ruột từ sáng đến tối. Hôm nào đi chợ, bà Y bắt con dậy từ 4 giờ sáng để khiêng xếp đồ, nếu cháu không làm sẽ bị lăng mạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm, cô lập, xua đuổi.
Trong khi đó, bà Y lại cho rằng, sau khi ly hôn, bà trực tiếp nuôi con và luôn cố gắng tạo điều kiện tốt nhất có thể cho cháu A. Công việc bán rau củ của bà bắt đầu từ 4 giờ sáng, thỉnh thoảng có khách đặt khoai tây, bà mới nhờ cháu A khiêng hàng. Cháu A giúp đỡ trên cơ sở tự nguyện, không có sự ép buộc. Bà không lăng mạ, xúc phạm danh dự nhân phẩm, cô lập, xua đuổi cháu A như ông P trình bày. Tết Nguyên đán năm 2023, bà bán bún ở chợ để kiếm thêm thu nhập. Cháu A thấy vậy thỉnh thoảng đến phụ giúp mẹ dọn dẹp bát đũa chứ không phải đến làm cho em bà.
Bà Y cho biết thêm, vào kỳ 2 năm lớp 8 năm học 2022-2023 cháu A tự ý nghỉ học. Trong thời gian này, bà đã để cháu đi trải nghiệm công việc thực tế hàng ngày của bà trong thời gian khoảng 10 ngày để cháu biết việc kiếm tiền không dễ dàng, mục đích để cháu trở lại trường học. Do vậy, bà đề nghị Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông P.
Với vụ án này, tòa án đã lấy lời khai của cháu A. Theo đó, cháu A trình bày quá trình chung sống cùng mẹ, bà Y luôn quan tâm, chăm sóc tốt cho cháu, việc ông P cho rằng bà Y bắt cháu làm việc nặng, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cháu là không đúng. Đồng thời, cháu A cũng trình bày nguyện vọng mong muốn được tiếp tục sống cùng mẹ. Tòa án cũng tiến hành lấy lời khai em gái của bà Y, xác minh với trường THCS nơi cháu A học và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, ở các phương diện xác minh đều thể hiện bà Y không vi phạm pháp luật, không bỏ bê, thiếu sự chăm sóc, quan tâm đến đời sống tinh thần và đời sống vật chất của cháu A, bà cũng không xúi giục, ép buộc cháu A làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, không bắt con làm thuê, quá sức. Trên địa bàn, qua rà soát không có trường hợp nào trẻ em bị ép buộc làm công việc nặng nhọc, hay bị bóc lột sức lao động. Thỉnh thoảng, cháu A vẫn phụ giúp mẹ làm những công việc phù hợp cũng là bổn phận của con cái đối với gia đình. Từ những lẽ trên, Tòa án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông P.
Thấy gì từ vụ án này?
Theo luật sư Trần Thị Thanh Lam, Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, vụ án trên là vụ án đặc biệt, diễn biến vụ án và kết quả xét xử lại cho thấy một câu chuyện rất khác - nơi mà pháp luật, sự thật khách quan và đặc biệt là tiếng nói của trẻ vị thành niên đóng vai trò trung tâm.
Theo quy định tại Điều 85 và 86 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, việc hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên chỉ được áp dụng trong những trường hợp nghiêm trọng, như: Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; phát tán tài sản của con; có lối sống đồi trụy; xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 1-5 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này.
Về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc người thân thích, cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý Nhà nước về trẻ em; Hội LHPN thì Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc này được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây: Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con; việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên.
Vụ án này đã cho thấy, nguyện vọng của trẻ chưa thành niên là yếu tố quan trọng khi Tòa án giải quyết yêu cầu về hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên. Theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về̀ việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn: “Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con”. Theo khoản 3 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thì “việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên”. Điều này cho thấy trẻ em không chỉ là đối tượng được bảo vệ, mà còn là chủ thể có tiếng nói, có quyền được tôn trọng. Đây là bước tiến quan trọng trong tiến trình hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền trẻ em ở Việt Nam.
Trong vụ án trên, cháu A sinh năm 2009 tức là đã 15 tuổi, hoàn toàn có năng lực trình bày, suy nghĩ độc lập. Việc cháu mong muốn tiếp tục sống mới mẹ, khẳng định mẹ không ép buộc, lạm dụng… là yếu tố rất quan trọng giúp Tòa án đánh giá toàn diện hoàn cảnh sống và lợi ích tốt nhất cho trẻ.