
Bàn các giải pháp khơi thông dòng vốn tín dụng xanh - Ảnh: VGP/HT
Đây là nội dung chính được thảo luận tại hội thảo "Khơi thông dòng vốn tín dụng xanh" do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Báo Lao Động phối hợp tổ chức chiều ngày 25/4 tại Hà Nội.
Tiềm năng và cơ hội từ chính sách quốc gia
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: Tài chính xanh trong đó có tín dụng xanh không phải là một vấn đề mới nhưng ngày càng nhận được sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới cũng như của Việt Nam nhất là trong bối cảnh hiện nay cần đẩy mạnh huy động nguồn lực thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Tín dụng xanh và thực thi ESG là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững, là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia, là giải pháp giúp các tổ chức tín dụng (TCTD) định hướng lại hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững, tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế, qua đó khẳng định vị thế, nâng cao khả năng cạnh tranh, mở rộng cơ hội hợp tác, kinh doanh. Đối với doanh nghiệp, tín dụng xanh là nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao, cải tiến công nghệ, chuyển đổi sản xuất xanh.

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực NHNN phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT
Lãnh đạo NHNN nhận định, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi, cơ hội để phát triển, nhờ có các định hướng, quy định rất rõ ràng.
Thứ nhất, Luật Bảo vệ môi trường (2020) và các văn bản hướng dẫn Luật đã quy định về tín dụng xanh, lộ trình phát triển tín dụng xanh, các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích phát triển tín dụng xanh, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động tín dụng xanh của hệ thống ngân hàng.
Thứ hai, tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh qua các giai đoạn, các Nghị quyết gần đây của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội, cho thấy quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong thực hiện "chuyển đổi xanh – chuyển đổi số", phát triển nhanh và bền vững để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế 2 con số giai đoạn 2026-2030. Trong đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đều đặt nhiệm vụ, yêu cầu cho ngành ngân hàng phải thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh.
Thứ ba, trên cơ sở các khung chính sách này, thời gian qua, ngành ngân hàng đã vào cuộc quyết liệt, chủ động, triển khai các giải pháp thúc đẩy hoạt động tín dụng xanh và đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Từ chỗ chỉ có 15 TCTD tham gia năm 2017, đến nay đã có 50 đơn vị phát sinh dư nợ, tốc độ tăng trưởng bình quân dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2017-2024 đạt trên 22%/năm, năm sau cao hơn năm trước, cao hơn tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chung cho nền kinh tế. Những con số này rất đáng khích lệ, tuy nhiên tỷ lệ tín dụng xanh trên tổng dư nợ tín dụng mới chiếm khoảng 4,6%, cho thấy tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Đặt ra yêu cầu cấp bách trong việc đẩy nhanh, tận dụng dư địa đó.
Tuy nhiên, thực tế các ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp không ít khó khăn như: Chưa có Danh mục phân loại xanh quốc gia, quy định chung về ESG để các Doanh nghiệp thực hành, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngày càng khắt khe; công cụ thẩm định rủi ro còn hạn chế, thời gian hoàn vốn dài, hiệu quả tài chính chưa rõ ràng...
Đây là một trong thử thách với Việt Nam khi chính sách này được đặt ra đối với tất cả quốc gia. Những "nút thắt" đó đòi hỏi một cách tiếp cận mới – toàn diện hơn, linh hoạt hơn và đồng bộ hơn giữa chính sách – thị trường – hành lang pháp lý.
"Về dự án 1 triệu ha ở Đồng bằng sông Cửu Long - một trong những dự án điển hình cho tín dụng xanh. Nếu như có sự đồng bộ về pháp lý, nhận thức của các doanh nghiệp, ngân hàng, nông dân thì sẽ phát huy hiệu quả nguồn vốn này. Rõ ràng đây là câu chuyện môi trường gắn với kinh tế xanh, ngân hàng xanh. Nhìn về góc độ vĩ mô chúng ta đã có hành lang pháp lý nhưng nhìn vào từng dự án cụ thể chúng ta cần có tiêu chí đánh giá rõ ràng. Đây là vấn đề cấp thiết, cần xây dựng cụ thể hơn", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nêu ví dụ.

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) - Ảnh: VGP/HT
Có nền tảng chính sách nhưng cần gỡ nút thắt thực thi tín dụng xanh
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 lần đầu tiên quy định rõ ràng về tín dụng xanh. Nghị định 08/2022/NĐ-CP tiếp tục cụ thể hóa lộ trình phát triển, song song đó còn khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia bằng các cơ chế ưu đãi.
Tuy nhiên, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) thẳng thắn nhìn nhận: Thể chế vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Các danh mục phân loại xanh quốc gia chưa được ban hành khiến ngân hàng khó xác định dự án đủ tiêu chuẩn để cấp tín dụng xanh.
Mặc dù vậy, NHNN cũng đã chủ động ban hành Thông tư 17/2022/TT-NHNN hướng dẫn các TCTD quản lý rủi ro môi trường trong hoạt động tín dụng, tạo hành lang pháp lý bước đầu cho triển khai rộng hơn.
TS. Bùi Thanh Minh – Ban IV, Văn phòng Chính phủ nhận định: Tín dụng xanh không còn là lựa chọn. Nó là yêu cầu bắt buộc nếu muốn doanh nghiệp Việt Nam hội nhập sâu hơn". Từ Trung Quốc với mục tiêu "30-60", EU với bộ công cụ ESG, đến Mỹ, dù chính sách còn dao động, đều đang đi theo hướng kiểm soát carbon ngày càng nghiêm ngặt.
Theo TS. Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB tại Việt Nam: Việc phát triển tín dụng xanh không đơn thuần là đáp ứng yêu cầu môi trường. Đây là xu thế toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia áp dụng "thuế carbon" hoặc các biện pháp điều chỉnh biên giới carbon từ năm 2026.
Nếu như doanh nghiệp Việt Nam không thích ứng kịp, họ sẽ mất đi cơ hội xuất khẩu – đặc biệt sang các thị trường "khó tính" như EU, Mỹ hay Nhật Bản. Do đó, ngoài trách nhiệm, tín dụng xanh còn là đòn bẩy chiến lược để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.
TS Lại Văn Mạnh, Viện Chiến lược Chính sách nông nghiệp cho rằng: Các nước như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc… đều có hệ thống phân loại minh bạch. Thậm chí, một số quốc gia sử dụng danh sách "trắng" để xác định các ngành nghề hoặc công nghệ được coi là thân thiện với môi trường. Nếu Việt Nam sớm có bộ tiêu chí tương tự, điều này không chỉ giúp ngân hàng cho vay có cơ sở mà còn giúp doanh nghiệp chủ động thiết kế dự án đúng hướng ngay từ đầu.

Bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank - Ảnh: VGP/HT
Một trong những bước đi được đánh giá là "đột phá" chính là Đề án phát triển bền vững 1 triệu hecta lúa chất lượng cao tại Đồng bằng sông Cửu Long. Dưới góc độ tín dụng, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank cho hay, ngân hàng này đã dành gói tín dụng với lãi suất ưu đãi thấp hơn tối thiểu 1% cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ dân tham gia.
Tuy nhiên, bà Phùng Thị Bình cũng chỉ ra rằng các chương trình như vậy chỉ thành công khi có sự liên kết theo chuỗi giá trị.
"Chúng tôi cho vay từ đầu vào đến đầu ra, từ giống, phân bón đến thu mua, chế biến, tiêu thụ để đảm bảo hiệu quả và giảm rủi ro tín dụng", bà Phùng Thị Bình nói.
Tuy vậy, không thể phủ nhận, tín dụng xanh đang đối mặt với nhiều rào cản. Một trong những rào cản lớn nhất là thời gian hoàn vốn dài, rủi ro cao trong khi ngân hàng vẫn phải đảm bảo khả năng thu hồi vốn. Thực tế, các TCTD, dù tích cực tham gia, nhưng vẫn thận trọng. Họ cần có công cụ đánh giá rủi ro tốt hơn, cần thông tin rõ ràng hơn từ phía khách hàng và hơn hết, cần hành lang pháp lý nhất quán hơn.
"Chúng tôi rất muốn đầu tư điện gió, điện mặt trời. Nhưng chính sách thay đổi khiến một số dự án điện gió bị dừng thanh toán, khiến ngân hàng lúng túng và e dè", đại diện Agribank thẳng thắn nêu. Bên cạnh đó, đầu tư vào các ngành như điện rác, điện sinh khối tuy tiềm năng nhưng vẫn cần có mô hình thực tế đủ thuyết phục để ngân hàng mạnh dạn giải ngân.
Anh Minh