Khảo sát tiếng Anh để có cái nhìn thực tế
Ngày 18/4, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM cho biết, theo Kế hoạch số 1789 ban hành ngày 15/4/2025, kỳ khảo sát năng lực tiếng Anh dành cho giáo viên toàn ngành sẽ diễn ra từ ngày 23 đến 29/4.
Mục tiêu chính của kỳ khảo sát không nhằm đánh giá trình độ cá nhân, mà để xác định bức tranh tổng thể về năng lực tiếng Anh của đội ngũ giáo viên trong toàn ngành giáo dục Tp.HCM. Đây là bước đi quan trọng giúp ngành có cơ sở dữ liệu thực tiễn, phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp trong thời gian tới.

Giáo viên Tp.HCM coi thi kỳ thi THPT năm 2024. (Ảnh: Nguyễn Lành).
Dữ liệu thu thập từ kỳ khảo sát sẽ là nền tảng quan trọng để xây dựng Đề án “Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học” – một mục tiêu chiến lược nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường khả năng hội nhập quốc tế cho học sinh Tp.HCM.
Trên cơ sở kết quả tổng thể, Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM sẽ xây dựng kế hoạch bồi dưỡng phù hợp, hiệu quả và khả thi để nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong giai đoạn mới.
Đáng chú ý, Sở khẳng định rõ đây không phải kỳ thi đánh giá hay xếp loại cá nhân. Kết quả khảo sát không được sử dụng vào các mục đích như xét thi đua, nâng lương, kỷ luật hay đánh giá chuyên môn.
Thông tin cá nhân sẽ được bảo mật tuyệt đối, chỉ những người liên quan trong Ban Chỉ đạo đề án và chính giáo viên mới có quyền tiếp cận.
Giáo viên nói gì về việc khảo sát?
Chia sẻ với Người Đưa Tin, cô Nguyễn Thị Th., giáo viên một trường THPT quận Gò Vấp, cho rằng, việc khảo sát tiếng Anh để Thành phố có cái nhìn về thực tế, khoa học về hiện trạng… thì điều đó không ảnh hưởng gì giáo viên. Tuy nhiên, nếu sau cuộc khảo sát, bằng hình thức nào đó bắt buộc giáo viên học tiếng Anh là không đúng.

Giáo viên cho rằng chi phí tham gia lớp bồi dưỡng tiếng Anh hơn 6 triệu đồng là cao nhưng không hiệu quả, (Ảnh GVCC).
"Chúng tôi rất hoan nghênh tinh thần nâng cao tiếng Anh cho giáo viên của ngành giáo dục Thành phố. Tuy nhiên, nếu khảo sát xong rồi yêu cầu giáo viên học khóa bồi dưỡng tiếng Anh là không đúng. Thực tế nhiều giáo viên dạy tiếng Việt, dạy môn khác thì chúng tôi nghĩ không cần phải đầu tư tốn kém như thế", cô Th. nói.
Thầy Bùi Thanh T., giáo viên một trường THPT tại quận Tân Bình, cho biết, thầy đã nhận được văn bản từ Sở Giáo dục và Đào tạo Tp.HCM gửi về trường liên quan đến việc tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng Anh và tin học cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục.
Theo nội dung văn bản, giáo viên tham gia khóa bồi dưỡng tiếng Anh và thi chứng chỉ sẽ phải đóng mức phí 6.200.000 đồng.
“Tôi chỉ mong việc khảo sát diễn ra đúng như tinh thần văn bản của Sở – nhằm đánh giá thực trạng chứ không bắt buộc giáo viên, đặc biệt là những người không giảng dạy ngoại ngữ, phải tham gia các lớp bồi dưỡng.
Vì nếu áp dụng cứng nhắc, giáo viên sẽ vừa tốn thời gian, công sức, vừa khó đạt hiệu quả, nhất là với những người không có nhu cầu sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy", thầy T. chia sẻ.
Nguyễn Lành