
Dữ liệu từ Bộ GD&ĐT cho thấy điểm chuẩn vào các ngành đào tạo giáo viên liên tục tăng; nhiều ngành luôn nằm trong top 3–4 khối ngành có điểm đầu vào cao nhất.
Thực tế cho thấy những năm gần đây, ngành sư phạm có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ cả về sức hút lẫn chất lượng đầu vào. Dữ liệu từ Bộ GD&ĐT cho thấy điểm chuẩn vào các ngành đào tạo giáo viên liên tục tăng; nhiều ngành luôn nằm trong top 3–4 khối ngành có điểm đầu vào cao nhất, sánh ngang với các ngành y dược và công an.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm đã được ban hành. Sinh viên các ngành đào tạo giáo viên được hỗ trợ tiền học phí, chi phí sinh hoạt theo Nghị định 116; được cam kết việc làm sau tốt nghiệp ở một số địa phương thiếu giáo viên; và được tạo điều kiện đào tạo lại – bồi dưỡng năng lực nếu có nguyện vọng đổi mới hoặc nâng chuẩn. Tất cả những điều đó cho thấy không còn tình trạng "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", mà ngành đã trở thành điểm đến của những học sinh có lý tưởng sống vì cộng đồng và khát vọng gieo chữ.
Tuyển sinh viên có năng lực và tố chất sư phạm
Tuy nhiên, "điểm đến" lý tưởng đó không thể xây dựng được nếu thiếu đi sự chuẩn hóa đầu vào và đổi mới quá trình đào tạo. Tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 2025 ghi nhận những thay đổi rõ nét trong cách thức tuyển sinh. Nhà trường đã không còn xét học bạ hay bài luận, mà duy trì ba phương thức chính gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng/ưu tiên và kỳ thi đánh giá năng lực SPT do trường tổ chức. Trong đó, kỳ thi SPT được tổ chức năm thứ tư liên tiếp, có phần thi tự luận ở môn Ngữ văn nhằm đo năng lực lập luận, trình bày và tư duy sư phạm của thí sinh.
Năm nay, bên cạnh các ngành sư phạm truyền thống, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội lần đầu tuyển sinh thêm 5 ngành cử nhân mới gồm: Tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam, Xã hội học, Lịch sử, Công nghệ Sinh học, và Vật lý học (chương trình Vật lý bán dẫn và Kỹ thuật). Những ngành học mới này không đào tạo giáo viên mà nhằm cung cấp nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực văn hóa, xã hội và khoa học – công nghệ, thể hiện nỗ lực của nhà trường trong việc đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội.

TS. Trần Bá Trình – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh: "Đề thi SPT khó hơn một chút so với đề thi tốt nghiệp, để đảm bảo tuyển được những em có năng lực học tập tốt, đặc biệt là vào ngành sư phạm - Ảnh: VGP/Đỗ Cường
"Kỳ thi đánh giá năng lực có phần tự luận – không phải để làm khó thí sinh, mà để tìm ra những người có tư duy, có khả năng trình bày và có tố chất sư phạm. Đó là điều chúng tôi cần ở một giáo viên tương lai", TS. Trần Bá Trình – Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội – chia sẻ. Ông cũng nhấn mạnh: "Đề thi SPT khó hơn một chút so với đề thi tốt nghiệp, để đảm bảo tuyển được những em có năng lực học tập tốt, đặc biệt là vào ngành sư phạm, bởi người giáo viên là những người đòi hỏi năng lực rất cao."
Không ít thí sinh lựa chọn ngành sư phạm với tâm thế chủ động và niềm tin rằng đây là con đường đúng đắn để góp phần xây dựng xã hội. Nguyễn Hải Anh – học sinh lớp 12 tại Hà Tĩnh, người vừa đăng ký dự thi kỳ thi đánh giá năng lực SPT 2025 – chia sẻ: "Em muốn trở thành giáo viên vì em thấy việc mình có thể làm gì đó cho sự trưởng thành của trẻ em là điều rất thiêng liêng. Em cũng hiểu đây là một nghề nhiều áp lực, nhưng nếu đã xác định đi theo, thì phải rèn năng lực và chuẩn bị tâm thế từ sớm."
Việc tinh gọn các phương thức xét tuyển, đi kèm yêu cầu nâng cao chất lượng đầu vào, cho thấy một định hướng rõ ràng: Ngành sư phạm không còn tuyển sinh đại trà mà tập trung vào chất lượng và sự phù hợp. Những sinh viên được chọn không chỉ cần điểm số cao mà còn phải có tố chất nghề nghiệp, thái độ học tập nghiêm túc và ý thức trách nhiệm với tương lai nghề nghiệp của mình. Lãnh đạo Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng thẳng thắn cho rằng cơ hội việc làm cho giáo viên tuy rất lớn nhưng nếu sinh viên sư phạm không đáp ứng được năng lực nghề nghiệp thì vẫn khó được tuyển dụng. Chính vì vậy, bên cạnh việc lựa chọn những ngành học có nhu cầu nhân lực cao, điều quan trọng hơn là sau khi trúng tuyển, mỗi sinh viên phải tiếp tục nỗ lực học tập và rèn luyện trong 4 năm đại học để đáp ứng yêu cầu của ngành. "Khi bạn có năng lực cao, kể cả một ngành không nhiều cơ hội, bạn vẫn có thể chiếm lĩnh được cơ hội ít ỏi đó", TS. Trình nhấn mạnh.
Hiểu nhiệm vụ của đất nước – điều bắt buộc với người thầy tương lai
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái (giảng viên cao cấp Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng một trong những yêu cầu tất yếu đối với sinh viên đại học, đặc biệt là sinh viên trường sư phạm, là phải hiểu đất nước đang cần gì, đang đặt ra những nhiệm vụ như thế nào – và khi ra trường, mình sẽ góp phần thực hiện ra sao.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đỗ Đức Thái cho rằng: Người thầy không thể đứng ngoài những chuyển động của đất nước - Ảnh: VGP/Đỗ Cường
Ông lấy ví dụ, Nghị quyết 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những nhiệm vụ then chốt để phát triển đất nước. Sinh viên sư phạm cần hiểu điều đó để từ mỗi bài giảng của mình, có thể gieo vào học sinh năng lực và tinh thần đồng hành cùng sự phát triển của quốc gia.
GS. Thái nhấn mạnh, một người giáo viên trong suốt sự nghiệp dạy học có thể tác động đến hàng nghìn học sinh – cũng chính là hàng nghìn người lao động trong tương lai. Vì vậy, mỗi bài học ở giảng đường đại học, mỗi giờ học ở lớp phổ thông đều phải gắn với thực tiễn và định hướng phát triển của đất nước. Đó cũng là một trong những triết lý cốt lõi của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. "Giáo dục hiện nay không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn phải hình thành, phát triển năng lực vận dụng tri thức để giải quyết những vấn đề thực tiễn. Người thầy không thể đứng ngoài những chuyển động của đất nước," ông nói.
Bên cạnh các nhiệm vụ về chuyên môn và công nghệ, nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh cũng đang đặt ra thách thức đối với ngành giáo dục. Nhận thấy sự thiếu hụt nhân lực cho công tác tham vấn học đường, năm 2025, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đã mở chương trình đào tạo cử nhân Tâm lý học, định hướng lâm sàng trẻ em và vị thành niên. Chương trình này nhằm cung cấp đội ngũ chuyên gia tư vấn tâm lý được đào tạo bài bản, sẵn sàng hỗ trợ học sinh giải quyết những khó khăn về tâm lý, hành vi và cảm xúc trong môi trường học đường.
Người thầy trong kỷ nguyên số: Phải hiểu công nghệ, sống với lý tưởngỞ góc độ đào tạo, PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) – nhận định thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao xây dựng được một thế hệ giáo viên có thể thích nghi và chủ động dẫn dắt quá trình đổi mới giáo dục. Vai trò của người thầy đang được mở rộng rất nhiều so với truyền thống: Không chỉ dạy kiến thức, mà còn giúp học sinh xây dựng năng lực học tập suốt đời, phát triển cảm xúc, tư duy độc lập và tinh thần công dân trong thế giới số.
"Giáo viên hôm nay không thể chỉ dạy theo kiểu truyền thụ. Họ phải hiểu về AI, biết sử dụng công nghệ để thiết kế bài giảng, phải có tư duy giao tiếp và nắm được tâm lý học sinh. Quan trọng hơn, người thầy cần truyền được cho học sinh cách học – thứ mà khi học sinh lĩnh hội được rồi, các em sẽ mang theo suốt đời," PGS. Nam nói.

Theo PGS.TS Trần Thành Nam: Người thầy trong kỷ nguyên số phải hiểu công nghệ, sống với lý tưởng - Ảnh: VGP/Tuệ Lâm
PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho hay sinh viên sư phạm ngày nay cần được học trong môi trường mở, được thực hành sư phạm sớm, có cơ hội học liên ngành, học qua dự án, được trải nghiệm công nghệ và rèn luyện kỹ năng sáng tạo trong giảng dạy.
Thực tế, chương trình đào tạo giáo viên ở nhiều trường đã điều chỉnh theo hướng hiện đại để đáp ứng những yêu cầu đó. Sinh viên sư phạm được tạo điều kiện đi thực hành tại các trường phổ thông ngay từ năm thứ hai, thay vì chỉ thực tập vào cuối khóa như trước. Đồng thời, học phần về đạo đức nhà giáo được thiết kế đặc biệt, kéo dài xuyên suốt bốn năm học, gắn liền với các hoạt động rèn luyện và cống hiến vì cộng đồng, qua đó giúp hình thành phẩm chất nghề nghiệp vững vàng.
Dù được truyền cảm hứng bởi nhiều kỳ vọng và chính sách hỗ trợ, thực tế cho thấy giáo viên mới ra trường vẫn đang đối mặt không ít khó khăn: Thu nhập thấp, thiếu biên chế, áp lực từ việc đổi mới chương trình, gánh nặng hồ sơ sổ sách và cả kỳ vọng rất lớn từ xã hội. Nhiều người trẻ chọn nghề giáo bằng lòng yêu nghề nhưng không ít người sau một thời gian đã phải rời bỏ vì không trụ nổi với gánh nặng cuộc sống.
Muốn có một thế hệ giáo viên chất lượng, trước hết phải tuyển được những người trẻ có lý tưởng, có năng lực và khát vọng trở thành người thầy đúng nghĩa. Nhưng để giữ chân họ, chỉ lòng yêu nghề thôi là chưa đủ. Cần một hệ sinh thái nghề nghiệp lành mạnh: Thu nhập ổn định, môi trường làm việc được tôn trọng, cơ hội thăng tiến và phát triển chuyên môn liên tục. Và hơn hết, xã hội phải nhìn nhận nghề giáo với sự tin tưởng và biết ơn xứng đáng.
Lọc người bằng năng lực – giữ người bằng lý tưởng. Đó là điều ngành sư phạm đang từng bước thực hiện, để nghề giáo tiếp tục là nền móng vững chắc của một nền giáo dục phát triển. Lý tưởng tạo động lực, năng lực giúp vững nghề, nhưng chính môi trường xã hội – với sự tôn trọng và đầu tư xứng đáng – mới là yếu tố quyết định để người trẻ có thể sống trọn vẹn với lựa chọn làm thầy.
Bài 2: Người trẻ chọn nghề giáo – khi khát vọng gieo chữ đồng hành cùng công nghệ
Tuệ Lâm