Chỉ một ngày sau, mức độ đồn đoán lên đến đỉnh điểm khi có tin Tổng thống Donald Trump đã hỏi Tổng thống Volodymyr Zelensky liệu Ukraine có thể tấn công các thành phố quan trọng của Nga nếu được cung cấp vũ khí tầm xa do Mỹ sản xuất hay không.
Nhà Trắng, dù không phủ nhận cuộc trao đổi đã diễn ra nhưng nhanh chóng tìm cách dập tắt suy đoán. Thư ký Báo chí Karoline Leavitt nói rằng ông Trump "chỉ đặt câu hỏi, chứ không cổ vũ thêm đổ máu."
Những thông tin này xuất hiện trong bối cảnh quan hệ Kyiv – Washington có dấu hiệu dịch chuyển đáng kể, đồng thời NATO công bố một cơ chế do liên minh hậu thuẫn, theo đó các nước thành viên sẽ mua hệ thống vũ khí do Mỹ sản xuất để chuyển cho Ukraine.
"(Tomahawk) chắc chắn sẽ là một nâng cấp đáng kể cho kho vũ khí của Ukraine, đặc biệt về khả năng tấn công tầm xa", Federico Borsari, chuyên gia thuộc Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA), nói với Kyiv Independent.
"Nó sẽ cho phép Ukraine tung đòn đánh mang tải trọng nặng hơn nhiều so với những gì nước này đang sử dụng hiện nay".
Tomahawk sở hữu sức mạnh đáng gờm
Tomahawk là tên lửa hành trình dưới âm, tầm xa, được thiết kế để tấn công chính xác vào mục tiêu trên đất liền. Theo Borsari, tầm hoạt động của nó nằm trong khoảng 1.600–2.500 km.
Loại tên lửa này lần đầu được sử dụng trong chiến đấu vào Chiến dịch Bão táp Sa năm 1991 và đến nay vẫn là thành phần chủ lực trong năng lực tấn công tầm xa của Mỹ. Mỗi quả Tomahawk có giá khoảng 2 triệu USD và do Raytheon sản xuất.
"Hiện nay, tôi cho rằng đây là công cụ chính của Mỹ để đánh mục tiêu mặt đất ở rất xa. Nó được phóng chủ yếu từ các nền tảng hải quân, gồm tàu ngầm và tàu mặt nước", Borsari nói.

Tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk, được định danh là BGM-109, là tên lửa hành trình tầm xa cận âm do Hoa Kỳ thiết kế để tấn công chính xác các mục tiêu chiến lược và có giá trị cao. (Ảnh: Armyrecognition)
Tomahawk có thể bay ở độ cao thấp và thực hiện các động tác cơ động né tránh nhằm giảm nguy cơ bị đánh chặn. Phiên bản mới nhất còn có thể được lập trình lại khi đang bay và thậm chí lơ lửng trên khu vực mục tiêu trước khi lao xuống tấn công.
"Đây là một tên lửa hành trình rất nhanh, dù vẫn dưới âm. Nó dùng kết hợp nhiều hệ dẫn đường khác nhau để đạt độ chính xác cao", Borsari cho biết và nói thêm rằng nó có thể đánh trúng mục tiêu với sai số "khoảng 30 mét, nếu không muốn nói là nhỏ hơn".
Tomahawk cũng mang "đầu đạn rất mạnh" nặng khoảng 400–450 kg, tùy cấu hình, ông nói.
Vì sao Ukraine muốn Tomahawk?
Tomahawk đã nằm trong "danh sách mong muốn" về vũ khí của Ukraine từ khá lâu, và được đưa vào "Kế hoạch Chiến thắng" mà Tổng thống Zelensky trình cho Tổng thống Mỹ khi đó là Joe Biden vào tháng 10/2024.
Nga vượt trội Ukraine về năng lực tên lửa và thường xuyên dùng các hệ thống tên lửa hành trình như Kalibr, các hệ thống đạn đạo Iskander để tấn công nhiều thành phố Ukraine.
Về tên lửa hành trình, hiện Ukraine trông cậy chủ yếu vào vũ khí do phương Tây cung cấp như Storm Shadow, đã phát huy hiệu quả nhưng chỉ có tầm bắn khoảng 250 km.
Đối với các đòn tấn công xa hơn, Ukraine hiện phụ thuộc vào UAV và loại đạn giống UAV như Palianytsia.
"Drone vẫn gây thiệt hại - chúng có thể bay lọt qua cửa sổ các nhà máy quốc phòng sâu trong hậu phương Nga", Ivan Stupak, cựu sĩ quan SBU và cựu nghị sĩ Ukraine, nói với Kyiv Independent hồi đầu tháng này.
"Nhưng hãy thực tế, 50 kg thuốc nổ thì vẫn chỉ là 50 kg và 500 kg trong một quả tên lửa sẽ tạo ra khác biệt".
Ukraine có thể đánh gì bằng Tomahawk?