Vận hành hệ thống cảnh báo sớm phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng xuất khẩu

Admin
(Chinhphu.vn) - Trước nguy cơ ngày càng gia tăng từ các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống cảnh báo sớm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và ngành hàng chủ động ứng phó.
Vận hành hệ thống cảnh báo sớm phòng vệ thương mại để bảo vệ hàng xuất khẩu- Ảnh 1.

Phạm vi các mặt hàng bị điều tra ngày càng mở rộng, không chỉ giới hạn ở các sản phẩm truyền thống như thép, xi măng, sợi - Ảnh minh họa

Theo Cục Phòng vệ thương mại, trong 5 tháng đầu năm 2025, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 9 vụ điều tra phòng vệ thương mại mới, trong đó có 7 vụ điều tra chống bán phá giá và 2 vụ tự vệ, đến từ 8 thị trường khác nhau. Đồng thời, cơ quan này cũng đang xử lý 33 vụ việc kéo dài từ năm 2024 cùng nhiều vụ rà soát thuế liên quan. Ngoài ra, một số mặt hàng xuất khẩu đã bị nộp hồ sơ đề nghị điều tra dù chưa chính thức khởi xướng.

Điểm đáng lo ngại là phạm vi các mặt hàng bị điều tra ngày càng mở rộng, không chỉ giới hạn ở các sản phẩm truyền thống như thép, xi măng, sợi mà còn bao gồm cả những mặt hàng mới như giấy gợn sóng, vỏ viên nhộng cứng, sơ mi rơ moóc... Đặc biệt, các thị trường từng ít áp dụng biện pháp phòng vệ với Việt Nam như Nam Phi, Ai Cập, Brazil… nay đã bắt đầu tăng cường các cuộc điều tra.

Không chỉ tăng về số lượng, các vụ điều tra còn trở nên phức tạp hơn về mặt kỹ thuật. Nhiều quốc gia như Canada đưa yếu tố "kinh tế phi thị trường" vào điều tra, trong khi Mexico và Brazil sử dụng giá trị thay thế từ nước thứ ba để tính biên độ phá giá. Những phương pháp này thường dẫn đến mức thuế cao, không phản ánh đúng thực trạng chi phí và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Trước tình hình đó, hệ thống cảnh báo sớm được triển khai nhằm giám sát chặt chẽ hoạt động thương mại và dấu hiệu điều tra từ các thị trường xuất khẩu lớn. Hệ thống này thu thập và phân tích dữ liệu từ nhiều nguồn, bao gồm dữ liệu xuất khẩu, thông tin từ hơn 60 Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, qua đó phát hiện sớm các dấu hiệu xung đột thương mại hoặc nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ...

Hệ thống đang theo dõi sát sao hàng trăm mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Canada, Ấn Độ, Australia và một số quốc gia Đông Nam Á. Khoảng 300 mặt hàng có nguy cơ cao đã được xác định và đưa vào danh sách cảnh báo.

Để nâng cao hiệu quả ứng phó, Cục Phòng vệ thương mại sẽ tiếp tục tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo chuyên sâu theo từng ngành hàng và từng địa phương. Đồng thời, cập nhật thường xuyên danh sách mặt hàng có nguy cơ bị điều tra để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh chiến lược sản xuất, xuất khẩu, hạn chế rủi ro và bảo vệ lợi ích chính đáng trên thị trường quốc tế.

Anh Thơ

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Hướng dẫn xử lý biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt NamHướng dẫn xử lý biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mạiHoàn thiện hệ thống pháp luật về các biện pháp phòng vệ thương mại
Tham khảo thêm
Tăng cường cảnh báo sớm trong đối phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mạiTăng cường cảnh báo sớm trong đối phó với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại