Theo Chương trình Điều tra đa chỉ tiêu (MICS) của UNICEF (2021-2022), hơn 72% trẻ em Việt Nam từ 10-14 tuổi từng chịu bạo hành từ cha mẹ hoặc người chăm sóc. Trên toàn cầu, dữ liệu UNICEF 2024 cảnh báo: Cứ 4 phút, một trẻ em mất mạng vì bạo lực.
Khoa học tâm lý học chỉ ra rằng, bạo lực - dù thể chất, tinh thần hay tình dục đều để lại những vết sẹo tâm hồn nơi trẻ. Và “…đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành tuổi thơ”. Theo đó, việc xây dựng môi trường gia đình an toàn không chỉ là trách nhiệm của phụ huynh mà là sứ mệnh của toàn xã hội. Lát cắt trong bài viết này giúp các bậc cha mẹ có thêm góc nhìn để bảo vệ “những mầm non” được lớn lên trong sự an toàn, không phải là khởi nguồn của khổ đau.
Hơn 10 năm gắn bó với công tác tham vấn học đường, tôi không ít lần lặng người trước những câu chuyện mà các em học sinh chia sẻ. Hoài Minh, một học sinh lớp 10, đến gặp tôi với đôi mắt chất chứa nỗi buồn và sự bất lực. Em khẽ nói: “Thầy ơi, con ước mình chưa từng sinh ra thì sẽ hay hơn!”. Minh kể rằng em mệt mỏi vì bầu không khí căng thẳng trong gia đình, nơi những cuộc cãi vã giữa cha mẹ thường kèm theo tiếng đồ đạc vỡ tan và những giọt nước mắt của mẹ. Những âm thanh ấy khiến em sống trong nỗi sợ hãi dai dẳng, không còn cảm nhận được sự an toàn trong chính ngôi nhà của mình.
Một câu chuyện khác khiến lòng tôi trĩu nặng là về Ngọc Trang, cô bé 13 tuổi từng vui vẻ, hoạt bát. Thế nhưng, Trang dần trở nên lặng lẽ, thường thu mình trong phòng và thường hoảng sợ khi ai đó nhìn mình quá lâu. Khi được hỏi, Trang chỉ im lặng, đôi môi mím chặt như muốn khóa chặt một bí mật đau đớn. Sau này, gia đình mới biết em là nạn nhân của sự xâm hại. Tuổi thơ của Trang, đáng lẽ tràn ngập tiếng cười và yêu thương, giờ đây chỉ còn là những mảnh vỡ với những vết sẹo tâm hồn khó phai.

Cả Hoài Minh và Ngọc Trang là những minh chứng đau lòng cho hậu quả của một môi trường gia đình thiếu an toàn. Khi trẻ không được yêu thương, bảo vệ và tin tưởng, tuổi thơ tươi đẹp của các em có thể bị tước đoạt, để lại những tổn thương sâu sắc, ảnh hưởng đến cả hành trình trưởng thành.
Từ góc độ tâm lý học, những trải nghiệm bạo lực hay xâm hại khiến trẻ rơi vào trạng thái sợ hãi, thu mình, mất niềm tin vào thế giới xung quanh. Những tổn thương này không chỉ là cảm xúc nhất thời mà còn tác động lâu dài đến sức khỏe tâm thần và sự phát triển toàn diện của trẻ.
Nghiên cứu khoa học thần kinh đã chứng minh rằng, những trải nghiệm tiêu cực, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đời, có thể gây ra những thay đổi cấu trúc và chức năng của não bộ. Căng thẳng mãn tính do sống trong môi trường bạo lực hoặc chứng kiến bạo lực có thể làm suy giảm sự phát triển của hồi hải mã (hippocampus) - vùng não liên quan đến trí nhớ và học tập, đồng thời kích hoạt quá mức hạch hạnh nhân (amygdala), trung tâm điều phối phản ứng sợ hãi và cảm xúc. Kết quả là trẻ dễ rơi vào lo âu, sợ hãi, khó kiểm soát cảm xúc và mang theo những di chứng tâm lý kéo dài nếu không được hỗ trợ kịp thời.
Trẻ lớn lên trong môi trường bất ổn thường gặp khó khăn trong việc nhận biết và điều chỉnh cảm xúc. Các em có thể trở nên khép kín, dễ cáu giận, hoặc phát triển các hành vi như hung hăng, chống đối. Thiếu đi cảm giác an toàn và yêu thương, trẻ khó xây dựng lòng tin với người khác, dẫn đến sự cô đơn và lạc lõng. Đáng lo ngại hơn, những sang chấn tâm lý từ gia đình có thể làm tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm hay rối loạn stress sau sang chấn (PTSD). Không ít trường hợp, trẻ phải điều trị bằng thuốc khi những tổn thương vượt quá sức chịu đựng của tâm hồn non nớt.
Những vết thương tâm lý không chỉ ảnh hưởng đến hiện tại mà còn gây ra những sang chấn tâm lý sâu sắc, ảnh hưởng đến cách trẻ nhìn nhận bản thân, người khác và thế giới xung quanh. Trẻ có thể phát triển cảm giác tội lỗi, tự ti, cho rằng mình là nguyên nhân gây ra những xung đột trong gia đình. Những sang chấn này có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành, ảnh hưởng đến các mối quan hệ cá nhân, sự nghiệp và chất lượng cuộc sống nói chung.

Vậy, để bảo vệ những “mầm non” của xã hội và xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, việc tạo dựng một môi trường gia đình an toàn cho trẻ em là vô cùng cấp thiết. Để làm được việc này, phụ huynh cần hiểu và thực thi Luật Trẻ em Việt Nam (2016), bởi chăm sóc và bảo vệ trẻ em không chỉ là bổn phận mà còn là trách nhiệm của cha mẹ. Điều 25 của luật quy định rõ, trẻ em có quyền được sống trong môi trường gia đình an toàn, lành mạnh. Cha mẹ và người chăm sóc có trách nhiệm pháp lý trong việc đảm bảo quyền này. Các hành vi bạo lực gia đình hoặc xâm hại trẻ em đều bị xử lý nghiêm khắc theo Bộ luật Hình sự.
Song song đó, việc trang bị cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ là điều không thể xem nhẹ. Dạy con nhận biết những hành vi xâm hại, những tình huống nguy hiểm và cách tự bảo vệ mình. Trang bị cho con kiến thức về quyền trẻ em để con biết rằng mình có quyền được an toàn và được giúp đỡ. Xây dựng lòng tin để trẻ biết rằng, dù chuyện gì xảy ra, cha mẹ luôn là chỗ dựa vững chắc. Đồng thời, khuyến khích trẻ gọi tên cảm xúc - vui, buồn, hay sợ hãi - và tham gia các hoạt động thể dục thể thao, nghệ thuật, các hoạt động cộng đồng… để giải tỏa căng thẳng và nuôi dưỡng sự tự tin.
Cha mẹ cần dành thời gian chất lượng bên con trẻ, duy trì thói quen nói lời yêu thương, khích lệ như “Con đã làm rất tốt!” hay một cái ôm ấm áp có thể gieo sự tự tin và cảm giác được yêu quý ở nơi trẻ. Nếu trẻ có phạm lỗi, hãy kỷ luật trẻ bằng phương pháp tích cực, như hướng dẫn sửa sai thay vì đòn roi, giúp trẻ học hỏi mà không sợ hãi.
Xung đột gia đình là điều khó tránh, nhưng cách cha mẹ xử lý sẽ quyết định cảm giác an toàn của trẻ. Hãy giải quyết bất đồng bằng sự bình tĩnh, tránh la hét hay bạo lực, để trẻ cảm nhận được sự ổn định và an toàn trong gia đình.
Cha mẹ cũng cần chăm sóc chính mình, bởi một tâm hồn khỏe mạnh mới có thể lan tỏa yêu thương đến con. Hãy nhớ rằng, gia đình là “nền móng” vững chắc cho sự phát triển của trẻ. Một “nền móng” vững chắc, an toàn sẽ giúp trẻ tự tin vươn cao, phát triển toàn diện và trở thành những người hạnh phúc, đóng góp tích cực cho xã hội.
Một môi trường gia đình an toàn là món quà quý giá nhất mà gia đình và xã hội dành cho trẻ. Một mái ấm yêu thương, tôn trọng và an toàn không chỉ giúp trẻ phát triển toàn diện mà còn là nền tảng để các em tự tin bước vào cuộc sống. Hãy nhớ rằng, mỗi hành động nhỏ hôm nay, từ một cái ôm, một lời khích lệ, đến việc bảo vệ trẻ khỏi bạo lực, đều có thể thay đổi cả một cuộc đời. Hành trình bảo vệ tuổi thơ không chỉ là trách nhiệm, mà là sứ mệnh thiêng liêng để những “mầm non” của đất nước được lớn lên trong yêu thương và an toàn.