Tôi đã hết sức xúc động khi biết và theo dõi chặng đường của một cháu thanh niên tên Lê Duy Phúc, đạp xe từ Thanh Hóa vào Tp.HCM để dự lễ 30/4.
Chuyện đạp xe thì cũng thường thôi. Đã từng có người đi bộ kia mà, lớn tuổi chút thì trước đó là ông nhà văn Hòa Vang và ông nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, hai ông giờ đã thành người thiên cổ, đi bộ từ Hà Nội vào TPHCM, dù gần đây có vài người nghi là các ông này vừa đi vừa tranh thủ... ngồi (ô tô, xe máy). Gần đây là anh Nguyễn Quang Thạch, đi bộ từ Bắc vào Nam để vận động sách hóa nông thôn, xây dựng các tủ sách học đường và cổ vũ văn hóa đọc, và không chỉ đi bộ trong nước, Thạch còn sang tận... Ấn Độ để đi bộ, cũng vì sách và cho sách. Và một số người đi bộ xuyên Việt nữa. Còn đạp xe, mới nhất là ông bạn tôi, sếp một sở, khi đi làm có xe công phục vụ, về hưu có ô tô riêng, thế nhưng ông con vẫn mua tặng bố cái xe đạp, nghe đâu chỉ có mấy cân, dùng ngón trỏ có thể nâng xe lên đi bộ một đoạn, nhưng nghe đâu tới mấy chục triệu. Là để ông này đạp xe buổi sáng, là thể dục ấy. Mỗi buổi sáng ông tự quy định đạp 1 tiếng đồng hồ, rồi về tắm táp, rồi lái ô tô đi ăn sáng cà phê.
Thế thì tại sao tôi lại xúc động.
Đơn giản vì tôi từng sống ở Thanh Hóa. Và Thanh Hóa thì có những kỷ lục xe đạp. Một là chính Thanh Hóa đã có những đoàn dân công xe thồ nổi tiếng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Dân Thanh Hóa rất tài sử dụng xe đạp. Từ cái xe đạp chỉ chở thêm một người, họ biến thành cái xe thồ có thể chất lên đấy mấy tạ hàng, và đẩy đi bon bon trên đường. Sau chiến dịch Điện Biên, những đoàn xe "tay ngai", tức xe thồ này, vẫn tiếp tục "vận hành" trong đời sống dân Thanh Hóa tới tận giờ. Tất cả mọi thứ đều có thể chất lên đấy để thồ. Và tất nhiên nếu cái xe giỏi một thì người điều khiển nó tài mười. Tài đi bộ, bốn năm chục cây số là bình thường. Tài điều khiển, lên dốc xuống dốc, cua ngoặt, qua cầu phà, chống xe dừng nghỉ, cải tạo xe từ lốp, xăm (vỏ ruột) tới nan hoa, khung, cọc, ghi đông, phanh (thắng) vân vân...
Và nữa, chính dân Thanh Hóa từng đùa nhau là, có thể cho mượn... vợ chứ không cho mượn xe đạp vân vân...

Ảnh minh hoạ.
Tôi sống ở thời ấy. Nhà tôi có 2 cái xe đạp, của ba và mẹ. Xe của ba là cái xe Pháp, không phải Peugeot, mà thấy gọi là Te rô, chả biết nó là cái giống gì, và xe của mẹ là Thống Nhất. Xe Việt Nam. Niềm tự hào Việt Nam một thời.
Nhưng thời ấy nó không như bây giờ, nên dẫu giữ rất kỹ, như đi về là... treo lên (sợ lốp hư), tôi biết đi xe đạp là nhờ xe ba mẹ treo lên, các cụ đi vắng là tôi leo lên đạp lúc xe đang treo như thế. Như cứ rỗi lúc nào là mang xe ra lau vân vân thì nó vẫn bị hỏng, và hầu như không có phụ tùng thay thế. Nên hầu như ai cũng có thể là thợ sửa xe, từ lên vành, lộn xích (xích cũ lộn lại để không bị tuột), vá xăm (lấy ống bơ sữa bò dùng đinh đục lỗ chi chít để bào xăm, nhựa cao su tự ngâm để vá), dùng dây cao su quấn bánh xe khi nó bị mỏng quá, chở nặng quá, và dùng chân làm phanh (xe không có chắn bùn, mỗi khi cần phanh lấy chân đi dép cao su chẹn vào bánh) vân vân... Nhưng khổ nhất là cái bàn đạp bị hỏng, lấy gỗ đẽo thành bàn đạp, bắt vít vào. Còn không thì, đạp xe không bàn đạp, chỉ có cái trục bàn đạp, trời mưa trơn, trượt chân, cái bàn đạp đâm thủng cả ống chân...
Thế hệ chúng tôi đã đi xe đạp Thống Nhất như thế. Những cái xe đúng nghĩa phương tiện đi lại và chở người, hàng, nên hồi ấy người ta tính toán để ngay cái dáng ngồi đạp xe cũng khác, ấy là cái ghi đông ngang với yên xe, khi đạp người phải khom xuống để tránh sức cản của gió.
Tới năm 1975 khi về quê, tôi tròn mắt khi thấy các bạn nữ sinh Huế đi xe. Những cái xe mini Nhật ghi đông cao hơn yên, các bạn ấy ngồi trên xe đạp rất đài các, dừng xe càng đài các, là vẫn ngồi trên yên, dùng chân chống xuống và nói chuyện rất thoải mái, còn xe Thống Nhất không thể thế, ngay động tác lên xe để đạp cũng khác, người ngồi sau xe cũng khác, hồi ấy là ngồi một phía, 2 chân cùng bên, tay ôm cứng phía sau cái yên xe. Vào đây mới thấy, người ngồi sau dạng chân sang 2 bên, tay ôm eo người chở, rất nhàn tản... Tất nhiên là xe ấy chỉ đi dạo, chứ để phục vụ sinh hoạt cái thời bao cấp khó khăn kia thì chỉ xe Thống Nhất và vài loại xe tương tự, như Phượng Hoàng (Trung Quốc), có thể kham nổi.
Và rồi xe đạp đã gần như biến mất khi xe Honda rồi các loại xe máy tràn ngập. Những xe đạp sau này cho học sinh đi học thì toàn xe xịn, bét nhất cũng là xe đạp Martin 107 của ông nhà thơ Lâm Xuân Thi, giá rẻ nhất cũng trên 3 triệu, không thì xe đạp điện. Nói thêm tí về ông nhà thơ này, quả là trên đời rất ít nhà thơ kinh doanh thành công, vừa sản xuất vừa kinh doanh lại càng khó, thế mà ông này làm cứ như chơi, xe đạp Martin của ông ấy là một thương hiệu hàng Việt. Thường thì nhà thơ mà kinh doanh thì lỗ, mà nhà kinh doanh đi làm thơ thì... không hay. Ông này thì ngược lại.
Cái xe đạp Thống Nhất nó gắn với một phần đời của rất nhiều người dân phía Bắc, đặc biệt là Thanh Hóa, nhưng hầu như sau này người ta ít dùng, ít giữ được.
Thế mà cháu Phúc, yêu ông nội, người từng dùng cái xe Thống Nhất trong toàn bộ tuổi trẻ của mình, và giờ giữ như một kỷ vật, bèn dùng cái xe ấy để đạp từ Thanh Hóa vào TPHCM. Ngày 13/4 xuất phát, và tối 29/4 cháu đã vào đến trung tâm Sài Gòn, kịp hôm sau chứng kiến lễ kỷ niệm trọng thể 50 năm mới có một lần.
Khác với xe của nhà tôi ngày xưa là xe nữ, xe của ông nội Phúc mà cháu dùng để đạp chuyến này là xe nam, gióng ngang.
Và tôi có xem clip xe của cháu. Hầu như han gỉ hết. Tất nhiên, trước khi đi cháu đã có sự đại tu để có thể đạp thoải mái, nhưng rõ ràng so với những cái xe mấy chục triệu, nhẹ chưa tới chục cân nó vẫn một trời một vực.
Đã thế, sau xe ngoài hành lý cột ở foocbaga còn một lá cờ. Nó cản gió ghê lắm. 17 ngày đạp, vừa đạp vừa ngắm đất nước, gặp đâu ngủ đấy, cháu đã hoàn thành ước nguyện.
Và tôi, người cũng mới bỏ xe đạp chừng hai chục năm nay, xin ngả mũ kính phục cháu, nhất là sau khi xem cái xe của cháu trong clip.
Nó còn ý nghĩa nữa là cháu Phúc dùng xe Thống Nhất cũ, rất cũ, đạp hơn một ngàn bốn trăm kilomet vào dự lễ kỷ niệm 50 năm Tổ quốc thống nhất.
Ngày xưa, các cụ đặt tên hãng xe Việt là Thống Nhất là cũng đã nghĩ sẽ có ngày đất nước thống nhất, và cháu Phúc đã biến nó thành hiện thực sau 50 năm đất nước thống nhất.