Bài 2: Y tế cơ sở vì sao chưa đáp ứng kỳ vọng?

Admin
(PNTĐ) - Dù được xác định là trụ cột trong chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế cơ sở ở Việt Nam vẫn chưa thể hiện vai trò như kỳ vọng. Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này?
Bài 2: Y tế cơ sở vì sao chưa đáp ứng kỳ vọng? - ảnh 1
Nhân viên y tế TYT phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội) tiêm vắc-xin phòng chống sởi cho trẻ em. Ảnh: DT

Nút thắt về thiếu cơ sở vật chất và nhân lực 
Tại buổi làm việc với Bộ Y tế nhân kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam, Tổng Bí Thư Tô Lâm chỉ ra các thách thức lớn của ngành y tế hiện nay. Một trong số đó là vấn đề hệ thống y tế cơ sở của chúng ta cũng còn nhiều hạn chế, bất cập. 

“Đầu tư cho y tế tuyến cơ sở chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; nhiều Trạm y tế (TYT) xã, trung tâm y tế huyện chưa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và trang thiết bị hiện đại; tình trạng thiếu hụt thuốc, vật tư y tế vẫn xảy ra, đặc biệt tại các vùng nông thôn và miền núi. Tuyến y tế cơ sở hiện luôn thiếu bác sĩ và nhân lực. Một số vùng khó khăn vẫn gặp trở ngại trong việc triển khai tiêm chủng mở rộng do địa hình phức tạp, nhân viên y tế hạn chế. Hệ thống y tế cơ sở yếu nên để xảy ra tình trạng quá tải ở bệnh viện công, tuyến trên. Ảnh hưởng lớn đến chất lượng khám, chữa bệnh” - Tổng Bí thư Tô Lâm nêu.

Theo thông tin từ Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, tính đến tháng 5/2024, 92,4% TYT xã trên toàn quốc đã có bác sĩ làm việc, tuy nhiên tỷ lệ này có sự phân hóa rõ rệt, đặc biệt ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chỉ có 69,2% TYT xã có bác sĩ làm việc. Đáng nói, số trạm có đủ cơ cấu chức danh như bác sĩ đa khoa, y sĩ sản nhi, điều dưỡng, dược sĩ, y học cổ truyền, cán bộ dân số… còn thấp. Ở nhiều nơi, mỗi trạm chỉ có 4 - 5 nhân sự nhưng chỉ có 1 bác sĩ đa khoa vừa khám bệnh, vừa làm các thủ tục hành chính, kiêm luôn việc truyền thông y tế và trực đêm, trực cuối tuần.

Tới nay đã có hơn 25 năm gắn bó với y tế cơ sở, BS Lê Thị Lộc - Trạm trưởng TYT xã Minh Châu (huyện Ba Vì, TP Hà Nội) chia sẻ: Năm 2019, TYT xã Minh Châu là 1 trong 26 TYT trên toàn quốc được chọn thí điểm mô hình “Phòng khám bác sĩ gia đình” của Bộ Y tế; với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Theo đó, cơ sở vật chất và trang thiết bị của Trạm cũng được đầu tư bổ sung để đáp ứng các nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu của người dân như máy siêu âm, máy khám răng…

“Được đầu tư trang thiết bị chúng tôi rất phấn khởi; nhưng một vấn đề phát sinh là có máy mà không có người vận hành thường xuyên. Hiện nay tổng số dân của xã khoảng hơn 6.500 người. Trung bình mỗi tháng TYT đang khám, chăm sóc ít nhất 400 bệnh nhân, từ khám sàng lọc, phát thuốc tiểu đường, tăng huyết áp, tới điều trị methadol; trong khi nhân sự của TYT xã Minh Châu chỉ có 6 người, một mình tôi là bác sĩ nên lượng công việc phải cáng đáng rất nhiều, từ khám chữa bệnh, làm hồ sơ, đi trực… 

Chưa kể, dù được đầu tư trang thiết bị nhưng vì thiếu bác sĩ chuyên khoa nên không ít máy móc chưa khai thác triệt để; bác sĩ tại Trạm chủ yếu sử dụng ống nghe, máy đo huyết áp, máy xét nghiệm nước tiểu để thăm khám cho người bệnh. Thiếu người, thiếu thiết bị, năng lực nhân sự còn hạn chế khiến người dân ít mặn mà khám tại y tế cơ sở. Bản thân người làm nghề y như chúng tôi, nếu không phải vì trách nhiệm và tình yêu nghề, chắc chắn chúng tôi không ai có thể bám trụ tại đây” - BS Lộc tâm sự.

Thực tế câu chuyện của TYT xã Minh Châu không phải riêng biệt. Một khảo sát gần đây cho thấy nhiều TYT xã, đặc biệt tại các khu vực miền núi, thiếu các thiết bị cần thiết như máy siêu âm, máy xét nghiệm sinh hóa, và thuốc thiết yếu phục vụ bệnh nhân. Điều này dẫn đến việc các bác sĩ tại TYT không thể thực hiện những xét nghiệm cơ bản hoặc chẩn đoán đầy đủ cho người dân. Điều này tạo ra một nghịch lý: Dù thiết bị được đầu tư, nhưng thiếu người vận hành thì cũng thành “trang trí”. Thiếu bác sĩ, không ai khám - TYT dần vắng bệnh nhân, lại không được đầu tư tiếp, khiến người làm nghề cũng mất động lực. 

Thêm vào đó, các bác sĩ tại tuyến cơ sở vẫn phải làm việc trong điều kiện thiếu thốn trang thiết bị và cơ sở vật chất, cùng với khối lượng công việc nặng nề, dẫn đến tình trạng quá tải và thiếu hiệu quả trong việc chăm sóc sức khỏe người dân. Điều này cũng đã được lãnh đạo Nhà nước, lãnh đạo Bộ Y tế và các cơ quan chuyên môn nhận diện, chỉ rõ. 
Chế độ đãi ngộ và tâm lý người dân: Vòng luẩn quẩn chưa thể phá
Một trong những nguyên nhân then chốt khiến y tế cơ sở chưa thể “lột xác” nằm ở chính sách chưa đủ mạnh để xoay chuyển thực tế. Chế độ đãi ngộ cho nhân viên y tế cơ sở hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Theo khảo sát của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mức lương của các nhân viên y tế cơ sở tại Việt Nam còn rất thấp, đặc biệt là so với các nước có hệ thống y tế tương tự như Việt Nam.

Bài 2: Y tế cơ sở vì sao chưa đáp ứng kỳ vọng? - ảnh 2

-                   BS Lê Thị Lộc khám bệnh cho người dân trên địa bàn xã Minh Châu (huyện Ba Vì, Hà Nội). Ảnh: TH

Hiện nay, mức thu nhập của bác sĩ tuyến xã dao động từ 5-7 triệu đồng/tháng. Đây là con số quá thấp so với mặt bằng thu nhập tại khu vực thành thị, chưa kể phải làm việc xa trung tâm, điều kiện khó khăn. Trên lý thuyết, lương bác sĩ cơ sở có thể lên tới 19 triệu đồng/tháng, nhưng con số này chỉ dành cho những người lâu năm, giữ vị trí quản lý.

Ngoài ra, theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg, mức phụ cấp trực cho bác sĩ cơ sở đang ở mức 25.000 đồng/người/phiên trực; trong khi giá cả thị trường và mức sống đã cải thiện khá nhiều. Điều này khiến cho bác sĩ khó có thể yên tâm công tác lâu dài. So sánh với các nước lân cận như Malaysia và Thái Lan, bác sĩ tuyến cơ sở có mức lương cơ bản tương đương từ 1.000 đến 1.500 USD/tháng (khoảng 23-35 triệu đồng), cùng với các phụ cấp, thậm chí cung cấp các khoản giúp đỡ thêm cho các gia đình bác sĩ ở vùng xa; giúp tạo động lực làm việc và giữ chân đội ngũ y bác sĩ tại y tế cơ sở.

Không chỉ thu nhập thấp, các chính sách hỗ trợ về chuyên môn cũng chưa đi vào thực chất. Chẳng hạn, chính sách luân phiên bác sĩ về y tế cơ sở được áp dụng nhiều năm, nhưng mới chỉ giải quyết được phần ngọn: Đưa bác sĩ đến trạm, nhưng không đảm bảo điều kiện để họ yên tâm làm việc. Phụ cấp thấp, thiếu nhà công vụ, thiếu hỗ trợ về chuyên môn khiến nhiều người không muốn bám trụ lâu dài.

Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ đã đẩy mạnh các chương trình tuyên truyền, nhưng nhiều người dân vẫn không nhận thức đầy đủ về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe mà TYT cơ sở có thể cung cấp. Một khảo sát cho thấy 45% người dân ở các vùng nông thôn không biết rằng các TYT xã có thể điều trị các bệnh phổ biến như bệnh tim mạch, tiểu đường, hoặc các bệnh lý mãn tính khác. Họ vẫn có thói quen đến các bệnh viện tuyến trên, nơi được cho là có cơ sở vật chất hiện đại và đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao.

Trong khi đó, chính sách đầu tư trang thiết bị nhiều nơi còn bất cập, thiếu đồng bộ. Có địa phương đầu tư máy xét nghiệm nhưng không có vật tư tiêu hao, hoặc không có quy trình bảo trì nên máy nhanh hỏng. Những bất cập đó khiến niềm tin của người dân vào y tế cơ sở giảm sút, tạo ra một hệ quả tất yếu: Người dân không đến - trạm không có nguồn lực hoạt động - bác sĩ rời đi - trạm càng vắng.

Không ít người dân chia sẻ rằng họ chỉ đến TYT để tiêm vaccine hoặc lấy giấy xác nhận ốm đau, còn khi có vấn đề sức khỏe thì thẳng tiến lên bệnh viện huyện, tỉnh. Nỗi lo “khám không đúng tuyến thì không được hưởng bảo hiểm” từng là rào cản, nhưng nay đã không còn quan trọng bằng việc họ không tin tuyến xã đủ năng lực chữa bệnh.

Thực tế này đã được Chính phủ và ngành y tế nhìn nhận rõ. Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ và Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế về các dự thảo đề án quan trọng chuẩn bị trình Bộ Chính trị ngày 25/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chỉ đạo, yêu cầu ngay trong năm 2025, ngành y tế phải đưa thêm 1.000 bác sĩ về công tác tại các TYT xã, đặc biệt tại vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa. Đây được xem là một giải pháp đột phá, không chỉ giải quyết bài toán nhân lực mà còn tạo động lực phát triển y tế cơ sở bền vững.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc “đưa bác sĩ về xã” chỉ là bước đầu. Điều quan trọng là làm sao để họ muốn ở lại, gắn bó lâu dài. Điều đó đòi hỏi một hệ thống đãi ngộ thỏa đáng, môi trường làm việc tốt, cùng cơ hội phát triển chuyên môn. Một lãnh đạo Bộ Y tế nhận định: “Không thể chỉ dừng ở việc ‘đưa bác sĩ về’. Phải có chính sách giữ người, hỗ trợ họ phát triển và để họ thấy rằng về cơ sở không phải là bước lùi trong sự nghiệp”. Chỉ khi y tế cơ sở có bác sĩ, có trang thiết bị, khẳng định được chất lượng khám và điều trị, người dân mới an tâm lựa chọn; bác sĩ trẻ mới có cơ hội an cư để cống hiến lâu dài, y tế cơ sở mới thoát được vòng luẩn quẩn “thừa bác sĩ, vắng bệnh nhân, rồi lại nợ lương” như đã từng xảy ra ở một số địa phương.

(Còn tiếp)