Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 26 chính thức có hiệu lực từ ngày 30/6/2025 với hàng loạt điểm đổi mới trong việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm điều trị ngoại trú.
Đây được xem là bước tiến quan trọng trong hiện đại hóa hệ thống y tế, hướng đến nâng cao hiệu quả điều trị, đảm bảo an toàn cho người bệnh và thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực khám chữa bệnh.
Một trong những nội dung đáng chú ý của Thông tư là việc ban hành Danh mục gồm 252 bệnh, nhóm bệnh được phép kê đơn thuốc ngoại trú trên 30 ngày. Đặc biệt, với những trường hợp bệnh ổn định, bác sĩ có thể kê đơn tối đa lên tới 90 ngày sử dụng, ngay cả khi tài liệu chuyên môn chưa quy định rõ thời gian điều trị.
Quy định này không chỉ tăng tính linh hoạt cho đội ngũ y tế mà còn giảm thiểu tình trạng người bệnh phải tái khám thường xuyên vốn là gánh nặng lớn đối với những người ở xa trung tâm y tế tuyến trên.

Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 26 chính thức có hiệu lực từ ngày 30/6/2025, với hàng loạt điểm đổi mới trong việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm điều trị ngoại trú.
Thông tư cũng bổ sung các trường thông tin bắt buộc như số định danh cá nhân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu, giúp liên thông dữ liệu, giảm trùng lặp khai báo, rút ngắn thủ tục hành chính cho người bệnh. Đồng thời, bác sĩ phải ghi rõ liều dùng, số lần sử dụng trong ngày và tổng thời gian điều trị để đảm bảo an toàn, chính xác, minh bạch trong kê đơn.
Một điểm mới mang tính nhân văn và thực tiễn cao là quy định mỗi người bệnh chỉ nhận một đơn thuốc tổng hợp nếu khám nhiều chuyên khoa trong cùng một lượt. Nhờ đó, nguy cơ trùng lặp, tương tác thuốc bất lợi được giảm thiểu, nâng cao chất lượng điều trị và tiết kiệm chi phí cho người bệnh.
Đặc biệt, Thông tư 26 chính thức bỏ quy định về mẫu sổ khám bệnh, thay vào đó, thông tin kê đơn sẽ được tích hợp vào hồ sơ bệnh án điện tử hoặc giấy tờ điều trị, góp phần đơn giản hóa quy trình khám chữa bệnh, giảm gánh nặng thủ tục cho cả người bệnh lẫn cơ sở y tế.
Những nội dung của Thông tư được thiết kế đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 và Luật Dược sửa đổi 2024 đặt trọng tâm vào nguyên tắc "chỉ kê đơn khi thật sự cần thiết, đúng chẩn đoán, đảm bảo an toàn – hợp lý – hiệu quả", đồng thời siết chặt quản lý thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, thuốc tiền chất trong các trường hợp người bệnh không sử dụng hết hoặc tử vong.
Tại Bệnh viện K nơi điều trị hàng nghìn bệnh nhân ung thư mỗi năm Thông tư 26 đã nhanh chóng được triển khai và mang lại hiệu quả rõ nét. Việc cấp phát thuốc theo chu kỳ ba tháng/lần cho các bệnh nhân ung thư giai đoạn ổn định không chỉ giảm thời gian đi lại, chi phí, mà còn tạo sự an tâm, hài lòng cho người bệnh.
Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị T. (43 tuổi, Hưng Yên) người đã trải qua hành trình điều trị ung thư vú giai đoạn 2 cho biết: "Trước đây, dù lịch tái khám chỉ 3 tháng/lần nhưng thuốc thì phải lấy hàng tháng.
Mỗi lần lên Hà Nội, tôi phải xin nghỉ làm cả ngày, di chuyển vất vả, chờ đợi lâu, rất áp lực. Nay được phát thuốc 3 tháng/lần, tôi thực sự nhẹ nhõm. Đây là sự hỗ trợ rất nhân văn từ Bộ Y tế và bệnh viện".
Cũng chung niềm xúc động, bà Nguyễn Thị M. (Tuyên Quang) bệnh nhân điều trị ung thư vú từ năm 2023 bày tỏ: "Tôi từng mong mỏi được lấy thuốc 3 tháng một lần để giảm bớt áp lực đi lại. Tin vui này đến như giải tỏa cả một gánh nặng lớn. Với những người ngoại tỉnh như tôi, thời gian và chi phí đi lại là cả một vấn đề".
Không chỉ người bệnh, đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện K cũng đánh giá cao chính sách mới. Việc thực hiện Thông tư mới của Bộ Y tế giúp giảm áp lực cho bệnh viện, hạn chế tình trạng quá tải, đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh.
Theo các bác sĩ, thay đổi này không chỉ đem lại lợi ích thiết thực về mặt kinh tế và tinh thần cho người bệnh, mà còn giúp ngành y tế tối ưu hóa nguồn lực, tập trung hơn vào điều trị chuyên sâu. Người bệnh được nghỉ ngơi, hồi phục tốt hơn; y bác sĩ có thêm thời gian để chăm sóc và theo dõi sát sao các ca bệnh nặng, phức tạp.